Vừa qua, vào ngày 24/11 và 25/11/2015, tại kỳ họp Thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với 86,84% số đại biểu tán thành; thông qua dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) với 88,66% số đại biểu tán thành và thông dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) với 90,69% đại biểu tán thành...
Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi)
Vừa qua, vào ngày 24/11 và 25/11/2015, tại kỳ họp Thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã chính thức thông qua Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) với 86,84% số đại biểu tán thành; thông qua dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) với 88,66% số đại biểu tán thành và thông dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi) với 90,69% đại biểu tán thành.
1.Về Bộ luật dân sự (sửa đổi)
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết Bộ luật dân sự (sửa đổi) gồm 27 chương, 689 điều quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự (Điều 1 và Điều 101), nhiểu ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự vì cho rằng, quan hệ dân sự của hộ gia đình đã có quá trình lịch sử được pháp luật thừa nhận và đã trở thành tập quán của người Việt Nam. Vì vậy, đề nghị giữ quy định hai loại chủ thể này trong Bộ luật dân sự (sửa đổi), đồng thời bổ sung cụm từ "chủ thể khác" sau cụm từ "cá nhân, pháp nhân" quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và khoản 1 Điều 2 của Dự thảo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo về vấn đề này như sau: Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) do Chính phủ trình sau khi lấy ý kiến Nhân dân đã xác định rõ chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 303/366 phiếu tán thành về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự gồm cá nhân, pháp nhân như dự thảo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của Bộ luật dân sự (sửa đổi) như trong dự thảo.
Về bảo vệ quyền dân sự (các điều 2, 5, 6 và 14), nhiều ý kiến tán thành việc cần quy định về bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền để cụ thể hóa Hiến pháp về việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về áp dụng tập quán, lẽ công bằng, tương tự pháp luật cho phù hợp với quy định Thẩm phán xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể, làm rõ khái niệm tập quán, tương tự pháp luật, án lệ, lẽ công bằng và cơ chế áp dụng để bảo đảm tính khả thi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Quy định về áp dụng tập quán, áp dụng quy định tương tự của pháp luật hiện đã có trong Bộ luật dân sự hiện hành (Điều 3 Bộ luật dân sự 2005). Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về vấn đề này như trong dự thảo Bộ luật.
Về chuyển đổi giới tính (Điều 37), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định trong Bộ luật dân sự (sửa đổi) việc Nhà nước công nhận quyền chuyển đổi giới tính. Một số ý kiến tán thành với dự thảo theo hướng việc chuyển đổi giới tính sẽ được thực hiện theo quy định của luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo về vấn đề này như sau:
Việc chuyển đổi giới tính liên quan đến những yêu cầu và điều kiện khác nhau về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, các vấn đề về an sinh xã hội, y tế và nhiều vấn đề xã hội khác. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 282/366 số phiếu thu được tán thành với quy định về việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật và việc thay đổi hộ tịch, các quyền nhân thân khác sau khi cá nhân chuyển đổi giới tính.
Với tinh thần đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tách quy định về chuyển đổi giới tính thành một Điều và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.
Về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 124), có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "nếu người thứ ba có yêu cầu" tại khoản 2 Điều 124, vì khoản này nên quy định bản chất của giao dịch dân sự vô hiệu chứ không nên quy định việc Tòa án tuyên vô hiệu giao dịch dân sự phụ thuộc vào yêu cầu của một chủ thể nhất định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉnh lý khoản 2 Điều 124 như sau: “2. Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”.
Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
2. Về Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 trình Quốc hội xem xét thông qua gồm gồm 42 chương, 517 điều, trong đó bổ sung mới 102 điều, sửa đổi, bổ sung 292 điều.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (các điều 4, 43, 44 và 45), đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xác định rõ nguyên tắc, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, nên quy định giao cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết hoặc giao cho Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao hướng dẫn giải quyết vụ việc dân sự này.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn mới quyết định có đưa vào Bộ luật này hay không để bảo đảm tính khả thi, tránh sự lạm dụng tùy tiện của người khởi kiện.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình tại Báo cáo số 965/BC-UBTVQH13 ngày 23/10/2015. Việc xác định Tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật cần căn cứ vào quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, để bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật thống nhất, tránh lạm dụng trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý lại quy định tại khoản 2 Điều 4 và bổ sung quy định về áp dụng tập quán tại Điều 45 của dự thảo Bộ luật.
Điều 4, Khoản 2: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.”
Về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự , nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp nên Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng.
Một số ý kiến đại biểu quốc hội cho rằng trong tố tụng dân sự Viện kiểm sát nhân dân không thực hiện quyền công tố mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, nên Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự mà không phải là cơ quan tiến hành tố tụng cũng như không phải là cơ quan tham gia tố tụng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc xác định vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự là nội dung lớn, còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, có cơ sở chắc chắn cho việc tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp xin ý kiến của các vị đại biểu quốc hội bằng phiếu. Kết quả có 233 đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ nhất, (55,7%); có 185 đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ hai, (44,3%). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo loại ý kiến Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng và thể hiện trong dự thảo Bộ luật tại Điều 46.
Về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự (các điều 24, 100, 208, từ Điều 247 đến Điều 261, các điều 301, 320, 341 và 357), nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội tán thành với quy định của dự thảo Bộ luật, đề nghị quy định cụ thể hơn nguyên tắc này, nhất là đối với phiên tòa rút gọn, phiên họp giám đốc thẩm, tái thẩm.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý các điều luật để thể hiện rõ nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự được thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Việc tranh tụng trong xét xử vụ án rút gọn được thực hiện như đối với vụ án thông thường. Trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án triệu tập đương sự hoặc người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm để trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm yêu cầu. Các nội dung này đã được tiếp thu, chỉnh lý như quy định tại khoản 2 Điều 320, khoản 2 Điều 341 và Điều 357 của dự thảo Bộ luật.
Bộ luật tố tụng dân sự sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016.
3. Về Luật tố tụng hành chính (sửa đổi)
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết dự thảo Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) năm 2015 trình Quốc hội xem xét thông qua gồm gồm 23 chương, 372 điều, trong đó bổ sung mới 110 điều; sửa đổi, bổ sung 175 điều; giữ nguyên 87 điều.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử (Điều 18, Điều 98, các điều 136, 137 và 138), đa số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật về tranh tụng trong xét xử vụ án hành chính. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị thể hiện cụ thể hơn trình tự tranh tụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm để bảo đảm tính khả thi.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình cụ thể trong Báo cáo số 968/BC-UBTVQH13 ngày 24/10/2015. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý các quy định về tranh tụng trong tố tụng hành chính tại Điều 18 (bảo đảm tranh tụng trong xét xử), Điều 98 (quyền tiếp cận, trao đổi chứng cứ), các điều 136, 137 và 138 (phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và đối thoại), Mục 3 Chương XI (tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm), Mục 3 Chương XIII (tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm).
Việc tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn được thực hiện như đối với phiên tòa thông thường. Trong thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Tòa án triệu tập đương sự, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người tham gia tố tụng khác có liên quan đến việc kháng nghị tham gia phiên tòa để trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm yêu cầu. Các nội dung này đã được tiếp thu, chỉnh lý như quy định tại Khoản 2 Điều 267, Điều 270 của dự thảo Luật.
Về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân (Điều 36), nhiều ý kiến đại biểu đề nghị xác định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng trong tố tụng hành chính.
Một số ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị xác định Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc xác định vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hành chính là nội dung lớn, còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, có cơ sở chắc chắn cho việc tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Kết quả có 239 đại biểu (57,3%) tán thành với loại ý kiến thứ nhất; có 178 đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ hai (42,7%). Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội và thể hiện tại Điều 36 của dự thảo Luật.
Về người đại diện của người bị kiện trong tố tụng hành chính (Điều 60), nhiều đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi người được ủy quyền cho người bị kiện là cơ quan, tổ chức là đại diện của cơ quan tham mưu chuyên ngành; cán bộ tham mưu trực tiếp giải quyết vụ việc của Văn phòng Ủy ban nhân dân.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình cụ thể tại Báo cáo số 968/BC-UBTVQH13 ngày 24/10/2015. Căn cứ vào quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương thì nội dung thể hiện tại Điều 61 của dự thảo luật là phù hợp. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ nguyên quy định tại Điều 60 của dự thảo Luật.
Bộ luật tố tụng Hành chính sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016. Ngay sau khi Luật này được thông qua, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về việc thi hành Luật Tố tụng Hành chính với 91,09% đại biểu tán thành.
Theo quochoi.vn