CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

18/05/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
TCCS - Trong toàn bộ di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng là vấn đề được Người đặc biệt quan tâm. Những quan điểm, luận điểm của Người về đoàn kết thống nhất trong Đảng để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào hệ thống lý luận xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền....

 Đoàn kết thống nhất trong Đảng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

 
TCCS - Trong toàn bộ di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng là vấn đề được Người đặc biệt quan tâm. Những quan điểm, luận điểm của Người về đoàn kết thống nhất trong Đảng để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là Đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào hệ thống lý luận xây dựng Đảng Cộng sản cầm quyền.
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết thống nhất trong Đảng 
Trong di sản lý luận của mình, Hồ Chí Minh có hàng trăm bài nói và viết về đoàn kết. Tư tưởng đoàn kết nổi bật của Người là: “Đoàn kết làm ra sức mạnh”; “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”(1); “Đoàn kết là thắng lợi”; “Đoàn kết là then chốt của thành công”(2); “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”(3).
Đoàn kết thống nhất trong Đảng là một trong những nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng Đảng, là sự vận động và phát triển theo đúng quy luật của Đảng. Đoàn kết thống nhất trong Đảng là cơ sở để xây dựng khối đoàn kết toàn dân. Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là nền tảng cho mọi thành công. Đoàn kết thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của từng tổ chức Đảng các cấp, mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng.
Trong bản Di chúc, vốn được Người dành nhiều tâm huyết để hoàn thành, ngay từ năm 1965, Người đã viết: “TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG” và Người cũng khẳng định sức mạnh to lớn của đoàn kết qua thực tiễn cách mạng nước ta: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và dân tộc ta”. Như vậy có thể thấy, đoàn kết thống nhất trong Đảng không chỉ là mối quan tâm lớn hàng đầu của Người mà còn là sự trăn trở khi Người nghĩ về cả mai sau.
Trong nhiều thời điểm, ở nhiều nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều thể hiện sự quan tâm, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân về xây dựng khối đoàn kết thống nhất. Trong Lời kêu gọi ở Lễ mừng Quốc khánh 2-9-1955, Người nhấn mạnh: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch. Lực lượng đoàn kết đã giúp Cách mạng Tháng Tám thành công. Lực lượng đoàn kết đã giúp kháng chiến thắng lợi. Lực lượng đoàn kết sẽ động viên nhân dân từ Bắc đến Nam đấu tranh thực hiện hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”(4). Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Người nói: “Một chiếc thuyền phải có người chèo, phải có người lái… người chèo và người lái phải đoàn kết với nhau”(5). 
Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại luôn nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa quan trọng của đoàn kết thống nhất. Người không chỉ nêu ra yêu cầu phải đoàn kết trong Đảng mà Người còn chỉ rõ sự đoàn kết ấy phải là đoàn kết nhất trí, đoàn kết thống nhất, đó không phải là đoàn kết giả tạo, hình thức, nó phải thể hiện cả ở tư tưởng, cả trong hành động. Tư tưởng và hành động phải thống nhất. Không thể bề ngoài là đoàn kết nhưng những khi cần ra một quyết định, ban hành một quyết sách thì không có được sự thống nhất hay khi cần thì liên minh nhau lại nhân danh đoàn kết, khi không cần thì tìm cách cản trở công việc của nhau. Trong tư tưởng của Người, đoàn kết phải là đoàn kết thống nhất, trước sau như một, tức là phải dựa trên nền tảng đường lối, quan điểm của Đảng và vì lợi ích của tập thể. Người luôn nhấn mạnh: Đảng tuy có nhiều đảng viên, song khi tiến hành nhiệm vụ cách mạng thì chỉ như một người, trong Đảng không cho phép có tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”. 
Đảng là tổ chức chính trị cao nhất của Nhân dân, của dân tộc, các đảng viên đều tham gia tổ chức một cách tự giác, tự nguyện, việc giữ vững và thực hiện nghiêm minh các nguyên tắc của Đảng không chỉ là nguyện vọng của nhân dân mà còn là trách nhiệm của mỗi đảng viên. Người coi nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản và quan trọng, trong từng tổ chức Đảng phải thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ, “Phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình”(6), mọi ý kiến, suy nghĩ của mỗi đảng viên đều phải được bày tỏ, được lắng nghe; mọi quyết định quan trọng đều phải được bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm túc tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Đoàn kết thống nhất trong Đảng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình, đây chính là một hình thức rèn luyện đảng viên để xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Bởi theo Người: “Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa. Do tự phê bình và phê bình… mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ”(7). Đây cũng là quy luật phát triển của Đảng, tự phê bình và phê bình là để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, để công việc được hiệu quả hơn, để đoàn kết và thống nhất trong nội bộ. Để thực hiện đoàn kết thống nhất trong Đảng, Hồ Chí Minh yêu cầu phải thực hiện các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người căn dặn “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình  phê bình”(8). Theo Người, đó là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng.

Để có sự đoàn kết thật sự, không chỉ cần thực hiện nguyên tắc, bản lĩnh, lý trí mà còn rất cần tình thương yêu, sự đồng cảm và chia sẻ với nhau. Năm 1966, Người bổ sung vào bản Di chúc cụm từ “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Để có sự đoàn kết thống nhất thực sự thì bên cạnh tinh thần, lý trí, trong mỗi cán bộ, đảng viên phải có tình thương yêu đồng chí, có lòng nhân ái, nhân hậu. Trong thực hành công việc không chỉ là đặt ra yêu cầu hoàn thành công việc mà còn phải có sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành công việc. Vì vậy, để duy trì và bồi đắp đoàn kết thống nhất thì từng tổ chức Đảng bên cạnh việc phải chú trọng giáo dục ý thức trách nhiệm, còn phải thường xuyên bồi dưỡng tình thân ái, tình thương yêu cảm thông chia sẻ, tình đồng chí.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng yếu tố đạo đức trong Đảng, chống lại các căn bệnh “quan liêu”, “tham nhũng, lãng phí”, “xa dân”. Theo Người, Đảng cầm quyền có nhiệm vụ to lớn là lãnh đạo nhân dân xây dựng xã hội mới, tiến hành “một cuộc chiến đấu khổng lồ”, xóa đi những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, xây dựng những cái mới mẻ, tốt tươi. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn với 4 chữ thật: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(9).
Sự đoàn kết thống nhất trước hết phải được xây dựng trong Đảng, được thể hiện trong Đảng. Mỗi đảng viên, nhất là đảng viên giữ trọng trách lãnh đạo phải cương quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội trong chính bản thân mình trước những tác động từ bên ngoài. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội chính là căn nguyên của mất đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Nhìn lại chặng đường đã qua với không ít giai đoạn rất phức tạp, nhưng Ban Chấp hành Trung ương mà hạt nhân là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn vững vàng, luôn đoàn kết thống nhất.
Thấm nhuần tư tưởng và thực hiện Di chúc của Người, những năm qua, Đảng ta luôn coi trọng, giữ gìn và phát huy đoàn kết thống nhất. Nhờ đó, Đảng đã quy tụ và phát huy được sức mạnh toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo đất nước mà Nhân dân đã tin tưởng giao phó. Trong nhiều kỳ đại hội Đảng, vấn đề đoàn kết thống nhất đều được nghiêm túc đặt ra, được xem xét, đánh giá một cách toàn diện và sâu sắc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa I (tháng 11-1939) trong phần nói về Đảng cũng chỉ rõ: “Phải thống nhất ý chí và hành động” và “sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng buộc phải có ý chí giác ngộ của toàn thể đảng viên, chớ không phải nhắm mắt phục tùng”(10). Đến Đại hội VI (năm 1986), Đảng ta rút ra 4 bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học về tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV thông qua, đã được sửa đổi, bổ sung tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V, VI đều khẳng định “Đảng coi việc giữ gìn đoàn kết nhất trí trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị và nguyên tắc tập trung dân chủ là sinh mệnh của Đảng, và kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống mọi biểu hiện chia rẽ, bè phái trong Đảng”(11). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII nhấn mạnh: “Đoàn kết thống nhất trong Đảng, trước hết là ở cơ quan lãnh đạo, có ý nghĩa quyết định sự thành công của cách mạng. Cán bộ, đảng viên giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng trên cơ sở đường lối chính trị, nguyên tắc tổ chức và tình yêu thương đồng chí”(12). Đại hội IX yêu cầu: “Từng đảng bộ giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Đối với những cấp ủy, tổ chức Đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cán bộ lãnh đạo độc đoán, chuyên quyền, kéo bè, kéo cánh, gây mất đoàn kết nội bộ, cấp ủy cấp trên phải chỉ đạo kiểm điểm làm rõ đúng sai, xử lý nghiêm những người có khuyết điểm”(13).
Đoàn kết thống nhất trong Đảng trong tình hình hiện nay
Bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế, trước những tác động của kinh tế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao có xu hướng chạy theo chủ nghĩa cá nhân; một số tổ chức Đảng có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, chưa tôn trọng và thực hiện chưa đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc tự phê bình và phê bình có nơi trở nên hình thức, có nơi bị lợi dụng để đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Bên cạnh đó, những biểu hiện cơ hội chủ nghĩa, “lợi ích nhóm”, tính cục bộ địa phương có nơi đã xuất hiện và phá hoại sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.
Những năm gần đây, Đảng ta đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức Đảng và trong các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, thực tế là ở nhiều nơi, chính người đứng đầu chịu trách nhiệm trước cấp ủy cấp trên và cấp mình về sự đoàn kết thống nhất nội bộ lại chưa thực sự gương mẫu, chưa thấm nhuần ý thức xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong nội bộ. Chính vì vậy, việc lựa chọn người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, có vai trò tiền phong, gương mẫu là rất quan trọng. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự công bằng, công tâm trong xử lý công việc, phải thực sự là trung tâm quy tụ, đoàn kết của tổ chức Đảng, của tập thể cơ quan, đơn vị.
Thực tế cho thấy, đoàn kết thống nhất trong cán bộ lãnh đạo ở cấp càng cao thì tác động, ảnh hưởng đối với Đảng càng mạnh, sức lan tỏa ra xã hội càng lớn. Ngược lại, nếu những người nắm trọng trách lãnh đạo, nhất là ở cấp cao nếu không có ý thức đoàn kết thống nhất thì không những gây nguy hại mà còn tạo ra những nguy cơ lớn, khó lường cho toàn Đảng. 
Trong thời điểm đất nước đang đứng trước những thời cơ vận hội mới nhưng cũng đầy những thử thách lớn lao, những thành tựu toàn Đảng, toàn dân đạt được qua gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước chính là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, là minh chứng khẳng định sự trưởng thành và vững mạnh của Đảng. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, phức tạp. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách, bằng nhiều âm mưu thâm độc, xảo quyệt, kích động chia rẽ nội bộ, gây mất đoàn kết trong Đảng. Chính vì vậy, tăng cường đoàn kết và thống nhất trong Đảng từ Trung ương đến cơ sở là điều tất yếu và cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Giờ đây, đoàn kết thống nhất trong Đảng càng phải được xem là một chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng. Là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ta càng phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất, có như vậy thì hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc mới đoàn kết xung quanh Đảng. Đoàn kết của Đảng chính là tấm gương cho cả hệ thống chính trị và là nhân tố quyết định bảo đảm đoàn kết dân tộc.
Đặc biệt, trước thềm Đại hội XII của Đảng, khi chúng ta đang đứng trước thời điểm phải lựa chọn những người xứng đáng, vừa có tài, vừa có đức để đảm nhận những trọng trách lãnh đạo đất nước, thì hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất. Đây là trách nhiệm lớn, mà trước hết là của tập thể, cá nhân lãnh đạo từ Trung ương đến từng cơ sở. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ giữ trọng trách lãnh đạo từ cấp cao đến cấp cơ sở phải thực sự thực hiện nghiêm lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”./.
Vũ Văn Phúc
PGS, TS. Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương
 
 
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 9, tr. 145
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 14, tr. 186
(3) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 10, tr. 349
(4), (5) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t. 8, tr. 49, 150
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 10, tr. 118 
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 8, tr. 223 
(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 15, tr. 622
(9) Hồ Chí Minh: Sđd, t.15, tr. 622
(10) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 6, tr. 555 – 556
(11) Văn kiện Đảng đã dẫn, t. 47, tr. 585
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 143 – 144
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 144
Tìm kiếm