HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI DẠY CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT ĐỂ XÂY DỰNG NGÀNH KIỂM SÁT NHÂN DÂN TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH TRƯỚC YÊU CẦU CỦA SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI VÀ CẢI CÁCH TƯ PHÁP
(Phát biểu khai mạc Hội thảo Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ Kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn ”của Tiến sĩ Dương Thanh Biểu, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
Kính thưa các vị Khách quý!
Thưa toàn thể các đồng chí dự Hội thảo!
Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu đến dự cuộc Hội thảo với chủ đề: Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” do Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức. Kính chúc các đồng chí đại biểu mạnh khoẻ, chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí!
Thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 27/3/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX; hơn 3 năm qua toàn Đảng, toàn dân ta đã tổ chức nhiều đợt học tập để quán triệt, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã quyết định triển khai cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là một chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng và lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 07/11/2006, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong toàn Đảng, toàn dân kể từ ngày kỷ niệm 77 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tới hết nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng; nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong toàn xã hội về ý thức tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; đặc biệt là trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên, học sinh... để nâng cao đạo đức cách mạng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng.
Hưởng ứng các chủ trương của Đảng, ngày 16/4/2007 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 03/VKSTC/CT-V9 về tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong ngành Kiểm sát nhân dân. Tiếp đó ngày 19/6/2007, Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao có tiếp Quyết định số 694/QĐ-VKSTC-TCKS về việc tổ chức hội thảo với chủ đề: Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Cuộc Hội thảo do Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức hôm nay chính là nhằm hưởng ứng, thực hiện chủ trương của Đảng và thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thưa các đồng chí!
Khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đảng viên về phẩm chất, đạo đức cách mạng và chính Bác Hồ đã nêu tấm gương sáng về đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân noi theo. Theo Hồ Chủ Tịch, đạo đức cách mạng là phải kết hợp chặt chẽ phẩm chất và năng lực, vừa hồng vừa chuyên, vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc. Người nói: "Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Người đòi hỏi "xây" phải đi đôi với "chống", nâng cao đạo đức cách mạng phải đi đôi với quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chủ Tịch đã chỉ rõ: "Đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc".
Kể từ ngày thành lập đến nay, ngành Kiểm sát nhân dân luôn được sự quan tâm của Trung ương Đảng và Bác Hồ. Sau khi có Hiến pháp năm 1959, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt, một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, một con người của trí tuệ và công việc; có nhiều kinh nghiệm và sự phản ứng một cách linh hoạt, chính xác sang xây dựng Viện kiểm sát nhân dân ngay từ những ngày đầu thành lập.
Năm 1960, khi nghe Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo và cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân đầu tiên, Bác Hồ đã căn dặn các đồng chí cán bộ lãnh đạo của Ngành lúc đó cần chú trọng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật làm cho pháp luật được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ nhân dân được giữ vững; vì đây là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho Viện kiểm sát nhân dân. Theo Bác Hồ: Là cơ quan đi kiểm tra và giám sát việc chấp hành pháp luật của người khác, ngành Kiểm sát nhân dân hơn ai hết phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật; cũng vì vậy cán bộ Kiểm sát phải: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên đã chỉ thị cho Trường cán bộ Kiểm sát đưa lời dạy của Bác Hồ vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho học sinh của Trường, lấy đó làm nội dung giảng dạy về đạo đức cho cán bộ Kiểm sát. Cố Viện trưởng Hoàng Quốc Việt thường nói: “Cán bộ Kiểm sát trước hết phải mẫu mực trong việc chấp hành pháp luật, là người cán bộ Kiểm sát phải có đạo đức trong sáng như pha lê".
Hơn 47 năm qua, các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên của ngành Kiểm sát nhân dân đã học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ, nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách; vừa công tác vừa xây dựng học tập, rèn luyện đội ngũ; dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật xã hội chủ nghĩa, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp trong sáng; bền bỉ phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiêm túc nhận thấy rằng, trong thời gian vừa qua, ở một số đơn vị trong Ngành, công tác quản lý, giáo dục và rèn luyện đạo đức, phẩm chất cho cán bộ, Kiểm sát viên chưa được chú trọng đúng mức; ở một số đơn vị chưa phát huy tính dân chủ kỷ luật trong tổ chức và hoạt động, chưa đảm bảo sự công minh; một số cán bộ, Kiểm sát viên chưa thực sự gương mẫu, chưa thực sự liêm chính; không chịu tu dưỡng rèn luyện nên đã không giữ gìn được phẩm chất đạo đức của người cán bộ Kiểm sát, đã vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiệp vụ trong khi thi hành nhiệm vụ; có người bị truy cứu trách nhiệm hình sự do có các hành vi tiêu cực, tham nhũng, làm sai pháp luật. Tuy số cán bộ vi phạm chiếm tỷ lệ không lớn so với tổng số cán bộ toàn Ngành, song tính chất của các vi phạm ngày càng nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự của ngành Kiểm sát nhân dân.
Từ những vấn đề nêu trên cho thấy, tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong ngành Kiểm sát nhân dân trong giai đoạn hiện nay vừa là để thực hiện một nhiệm vụ quan trọng do Đảng đề ra, vừa là yêu cầu tất yếu để xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp.
Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã xác định: Tổ chức cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong ngành Kiểm sát nhân dân cần phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành từ nay tới hết nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng; là trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao; là trách nhiệm, quyết tâm hành động và sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của các Cấp uỷ Đảng trong ngành Kiểm sát nhân dân và Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp; là sự phấn đấu tự giác của từng cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên và nhân viên trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Thưa các đồng chí!
Chúng ta phấn khởi và tự hào về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Càng tự hào, phấn khởi bao nhiêu; chúng ta càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình để hưởng ứng cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong ngành Kiểm sát nhân dân và cố gắng làm được nhiều điều tốt, có ích cho nước, cho dân. Các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và cán bộ ở các cấp kiểm sát cần tiếp tục nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ trong cuộc sống hàng ngày và thực hiện nghiêm túc lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Là cán bộ Kiểm sát phải nêu cao tinh thần "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" trong công tác và cuộc sống; nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân. Chúng ta nguyện hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, tham nhũng; thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.
Từng cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và nhân viên trong ngành Kiểm sát nhân dân cần chủ động và tự liên hệ, tự phê bình, kiểm điểm cá nhân xem bản thân mình đã "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" trong công tác và cuộc sống chưa? Đã nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, nêu cao ý thức trách nhiệm và nêu cao ý thức phục vụ nhân dân hay chưa? Có kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm và chống lãng phí không và đã phấn đấu làm theo lời dạy của Bác đối với cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" chưa? Đó là phương châm hành động và rèn luyện mà Bác Hồ vẫn đang mong đợi chúng ta vươn lên để trưởng thành, tiến bộ.
Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Hội thảo với chủ đề: Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Xin cảm ơn các đồng chí và xin chúc sức khoẻ các đồng chí.