CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC NĂM ĐIỀU BÁC HỒ DẠY CÁN BỘ KIỂM SÁT LÀ TRUNG THÀNH VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

05/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC NĂM ĐIỀU BÁC HỒ DẠY CÁN BỘ KIỂM SÁT LÀ TRUNG THÀNH VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN XUÂN TRÌNH - Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSNDTC

 

Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng của Đảng chuyển sang giai đoạn mới, năm 1960, ngành Kiểm sát nhân dân được thành lập để phục vụ công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Được sự quan tâm của Trung ương Đảng và Quốc hội, ngay từ những ngày đầu thành lập và những năm tiếp theo Đảng và Nhà nước đã bố trí, điều động cho ngành Kiểm sát từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố nhiều cán bộ; trong đó có đồng chí Hoàng Quốc Việt, cố Viện trưởng đầu tiên của Ngành.

Trong quá trình vừa chiến đấu, vừa xây dựng, ngành Kiểm sát nhân dân còn được Hồ Chủ Tịch rất quan tâm; Người đã chỉ giáo cho cán bộ ngành Kiểm sát 5 điều được coi là 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Những năm đầu mới thành lập, còn khó khăn thiếu thốn về nhiều mặt về xây dựng Ngành, về tư tưởng, tổ chức, về đội ngũ cán bộ; trong bối cảnh đó được tiếp thu 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy cán bộ ngành Kiểm sát là một vinh hạnh lớn lao nhất cho Ngành. Cố Viện trưởng Hoàng Quốc Việt vừa phải cùng Lãnh đạo Ngành lo tổ chức xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân, đồng thời đồng chí còn chịu trách nhiệm trước Trung ương để có nội dung phương pháp tổ chức giáo dục, bồi dưỡng quan điểm tư tưởng, lập trường chính trị cho đội ngũ cán bộ thuộc hệ thống tư pháp trong nước, giúp cho anh chị em hiểu được rõ mối quan hệ giữa chính trị và chuyên môn pháp lý, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta. Trong ngành Kiểm sát nhân dân, cố Viện trưởng Hoàng Quốc Việt thường nhấn mạnh: Công tác của ngành Kiểm sát nhân dân là công tác chuyên môn chính trị. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó càng thấy 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy cán bộ Kiểm sát ở là một yêu cầu cấp thiết đối với ngành Kiểm sát nhân dân, đã tạo nên một sinh khí mới; chẳng khác nào như các chiến sĩ ngoài mặt trận được trang bị các loại vũ khí tối tân để chiến đấu với quân thù.

Sau khi tiếp thu 5 điều dạy của Hồ Chủ Tịch, cố Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đã cùng Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhanh chóng định ra kế hoạch, biện pháp tổ chức cho cán bộ toàn Ngành nghiên cứu, học tập và vận dụng thực hiện. Việc tổ chức nghiên cứu, học tập bằng nhiều hình thức: Ở trường lớp tập trung, trong các hội nghị ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ở các tỉnh, thành phố… Có thể nói không khí nghiên cứu, học lập lời dạy của Hồ Chủ Tịch ở vào các thời kỳ ấy rất sôi động, liên tục và nghiêm túc; vì đã được Trung ương Đảng và Hồ Chủ Tịch chỉ giáo, trang bị cho ngành Kiểm sát nhân dân một vũ khí về tư tưởng, chính trị sâu sắc và một phương thức công tác kiểm sát khoa học.

Nhờ đó, nên trong quá trình hoạt động, cán bộ Kiểm sát không ngừng được bồi dưỡng rèn luyện về mọi mặt, từng bước trưởng thành. Mặt tiến bộ nổi bật là trình độ của đội ngũ cán bộ Kiểm sát, nhất là ở các tỉnh, thành phố được nâng lên rõ rệt, cả về nhận thức tư tưởng chính trị và chuyên môn, nghiệp vụ pháp lý, mà trước đó là mặt còn yếu của đội ngũ cán bộ mới và cũ. Từ đó mục tiêu phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát vừa hồng, vừa chuyên ngày càng có chất lượng, đảm đương nhiệm vụ được giao ở thời kỳ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và trong hoà bình thống nhất, cả nước đi lên xây dựng và bảo vệ xã hội chủ nghĩa.

Cũng trên cơ sở hoạt động thực tiễn đó, cán bộ trong Ngành coi lời dạy của Hồ Chủ Tịch như một bảo bối, một cẩm nang. Có đồng chí Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân ở địa phương nói: Trong Ngành thiếu thốn cái gì thì còn khắc phục được, chứ thiếu cái bảo bối, cái cẩm nang này thì làm sao tổ chức, xây dựng Ngành sớm trưởng thành để bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ nặng nề, lại mới mẻ.

Tôi hiểu ý các đồng chí lúc đấy nói như thế đại ý là trong Ngành thời kỳ ấy còn nhiều thiếu thốn về cơ sở và phương tiện làm việc, nhưng vẫn khắc phục được, nhưng thiếu về đường hướng tư tưởng, chính trị, tổ chức cũng như phương thức khoa học công tác kiểm sát, thì thấy rất lo lắng, băn khoăn về nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

Trong suốt 47 năm qua, trong tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, cũng đội cán bộ ấy đã bền bỉ tận tụy cùng toàn Ngành đảm đương thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội giao phó. Đảng và Nhà nước đã trao tặng cho Ngành ta những phần thưởng cao quý qua các thời kỳ. Đó là kết quả mà đội ngũ cán bộ toàn Ngành ở các thế hệ đã đề cao ý thức, tinh thần tự học tập và làm theo lời dạy của Hồ Chủ Tịch.

Hiện nay, để thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng về cuộc vận động Học tập theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua các cuộc hội thảo này ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao và ở các thành tỉnh, cán bộ Kiểm sát toàn Ngành lại tiếp tục được học tập làm theo lời dạy của Hồ Chủ Tịch để nâng cao hơn nữa nhận thức mới về tư tưởng chính trị, về tư duy khoa học trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng với nhiệm vụ được giao, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp. Đó cũng là để ngành Kiểm sát thực hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chủ Tịch một cách thiết thực.

Như vậy, năm điều Hồ Chủ Tịch dạy cán bộ Kiểm sát không phải chỉ là một khẩu hiệu để trang trí thông thường ở trụ sở, ở nơi làm việc, hay chỉ nói ở trên cửa miệng của cán bộ Kiểm sát, mà qua thực tiễn và kiểm nghiệm cả trong quá trình hoạt động, cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân đã tiếp thu 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy một cách trân trọng và tự giác, nên đã giúp cho cán bộ Kiểm sát có đường hướng về ý thức, tư tưởng và tư duy khoa học để vận dụng trong công tác, nó đã trở thành kim chỉ nam cho mỗi hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân.

Để làm rõ vị trí, tác dụng về ý thức tư tưởng và phương pháp tư tưởng của mỗi điều Hồ Chủ Tịch dạy, theo tôi hiểu thì cần phân tích lại một cách sâu sắc từng điều. Vì 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy không chỉ thuộc phạm trù ý thức hệ tư tưởng, mà nó còn bao hàm tính tư duy khoa học trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ kiểm sát. Trước hết, nói về hai điều "công minh, chính trực'' là thuộc về phạm trù quan điểm chính trị, tư tưởng, về đạo đức, nhân cách của người cán bộ, nó nhấn mạnh đối với người cán bộ Kiểm sát phải có và thường xuyên học tập, rèn luyện để có đầy đủ đức tính về đạo đức cách mạng, có ý thức chí công vô tư, có đức tính liêm, chính, đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên.

Nói về ba điều ''khách quan, thận trọng, khiêm tốn'' thuộc phạm trù tư duy khoa học về phương pháp để vận dụng soi xét độ chính xác hay chưa chính xác, tính hợp lý, hợp pháp trong khi thực hiện về chuyên môn, nghiệp vụ đối với một vụ việc nào đó. Ba điều này nhấn mạnh đến phương pháp công tác đòi hỏi cán bộ Kiểm sát trong khi thực thi một vụ việc gì dù khó khăn phức tạp hay đơn giản cũng phải có tầm nhìn, tức là có nhãn quan toàn diện, có tác phong sâu sát, không chỉ tin một chiều về các thông tin thu thập được, hoặc chỉ thấy hiện tượng, mà không tỉnh táo, sáng suốt đi sâu để hiểu rõ về bản chất của vụ việc, phải tôn trọng ý kiến của nhân dân cũng như ý kiến tham gia của đồng nghiệp phải tránh tác phong quan liêu, nôn nóng, vội vàng quyết đáp một vấn đề khi đang phân vân, do dự và còn có nhiều ý kiến đàm luận trong cán bộ và nhân dân.

Nói một cách khác, hay nói rõ hơn là học tập, thực hiện 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy, người cán bộ Kiểm sát phải có ý thức tư tưởng chính trị đúng, vững vàng, đồng thời còn phải có phương pháp tư duy biện chứng đúng đắn, sắc sảo. Đó là hai mặt của một vấn đề giữa nhân và quả, phải được vận dụng kết hợp chặt chẽ hỗ trợ cho nhau trong khi thực thi một nhiệm vụ, một công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Nếu chỉ có ý thức tư tưởng chính trị đúng, nhưng phương pháp tư tưởng sai và ngược lại, thì nhiệm vụ được giao ấy ắt bị va vấp, sai phạm khó tránh khỏi. Nói như thế có nghĩa là không chỉ có tinh thần đấu tranh kiên quyết hăng hái trong khi xử lý một vụ việc, lại bỏ qua hoặc coi nhẹ về mặt chuyên môn, nghiệp vụ cũng như chỉ đơn thuần về chuyên môn, nghiệp vụ, xa rời phục vụ chính trị, đều là trái với tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, cũng như trái với 5 điều Hồ Chủ Tịch đã dạy cán bộ Kiểm sát. Chẳng khác nào như người chiến sĩ "hữu dũng vô mưu" chỉ có dũng cảm không thôi, mà không có mưu trí thì trong chiến đấu chưa trọn vẹn. Vì đòi hỏi người chiến sĩ có ý chí chiến đấu kiên cường bất khuất, còn phải có mưu trí, khôn khéo để tìm cách chiến thắng quân thù.

Trên cơ sở lý luận và trong thực tiễn nhiều năm hoạt động của ngành Kiểm sát, chúng ta thấy trong khi thực thi một vụ việc ở bất cứ khâu nào, cũng không thể tách rời 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy cán bộ Kiểm sát, mà giải quyết được vụ việc đó trọn vẹn.

Lấy một ví dụ: Tiến hành kiểm sát điều tra một vụ án hình sự, từ khi có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đến khi bắt giam, xét hỏi rồi quyết định truy tố bị can ra trước Toà án để xét xử, nếu cán bộ, Kiểm sát viên được giao thực hiện kiểm sát mà nhuần nhuyễn 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy, vụ án ấy sẽ được xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không làm oan người ngay, không bỏ lọt tội phạm. Ngược lại, nếu vận dụng thực hiện không đúng hay không đầy đủ 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy, thì hậu quả sẽ ra sao? Nếu chỉ do sơ suất về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cán bộ vận dụng thực hiện non kém, thì còn tha thứ, châm chước; nếu như trong quá trình thụ lý vụ án, thụ lý vụ việc cán bộ phụ trách lại có tư tưởng khuất tất nào đó, chắc hậu quả khôn lường. Nói như vậy, không cần phải phân giải dài dòng, mà chỉ lấy một ví dụ ở một khâu chuyên môn nghiệp vụ, hoặc có thể lấy một số thí dụ ở các khâu khác, như kiểm sát chung trước đây, khâu tổ chức cán bộ, khâu kế hoạch tài chính... cũng không ngoài tầm ngắm, xét soi nghiêm ngặt của việc học tập, vận dụng có làm theo đúng như 5 điều Hồ Chủ Tịch đã dạy hay không để đánh giá xem đã thực hiện đúng đắn quan điểm tư tưởng chính trị về đường lối chính sách khi thực hiện nhiệm vụ công tác của các khâu nghiệp vụ ấy.

Từ những phân tích nói trên, chúng ta thấy 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy với cán bộ Kiểm sát không chỉ là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, mà nó còn là cơ sở, khoa học của công tác kiểm sát; nói nó là cơ sở khoa học vì 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy không chỉ để cán bộ học tập, vận dụng thực hiện ở một khâu công tác, mà nó còn được vận dụng thực hiện ở tất cả các khâu nghiệp vụ chuyên môn trong Ngành.

Ngành Kiểm sát nhân dân là một ngành khoa học xã hội, qua những năm tháng nghiên cứu học tập, vận dụng 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy, chúng ta có thể xác định những kết quả công tác chuyên môn, nghiệp vụ đạt được là do Ngành ta, cán bộ ta đã tuân theo thực hiện nghiêm túc, coi đó như một công thức, một định luật trong Ngành khoa học tự nhiên vậy.

Tóm lại, tôi thấy cần nhấn mạnh hai ý chính là:

Một là, trong quá trình xây dựng và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, cán bộ toàn Ngành qua các thế hệ đã nghiêm túc học tập và làm theo lời dạy của Hồ Chủ Tịch. Nhờ vậy đã làm cho Ngành ta có được đường hướng, bước đi vững vàng, nhanh chóng trưởng thành; đảm đương thực hiện được chức năng, nhiệm vụ do Đảng, Quốc hội giao phó, qua các giai đoạn, các thời kỳ.

Hai là, qua thực hiện và kiểm nghiệm trong quá trình xây dựng và hoạt động của Ngành, có thể khẳng định 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy, đối với cán bộ Kiểm sát là kim chỉ nam là lý tưởng, là cơ sở tư duy khoa học công tác của ngành Kiểm sát nhân dân.

Mặc dầu chức năng và nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân có thể thay đổi theo yêu cầu của từng thời kỳ song Ngành ta vẫn coi 5 điều Hồ Chủ Tịch dạy cán bộ Kiểm sát như là một chân lý không thay đổi.

Tìm kiếm