CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát Thái Bình

06/04/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Chi bộ 5 thuộc Đảng bộ VKSND tỉnh Thái Bình đã tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn liền với nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ngành Kiểm sát Thái Bình”.

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Bí thư Chi bộ 5 trình bày một số nội dung cơ bản sau: 

1. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước hết cần bảo đảm nguyên tắc “thực tiễn sâu sắc”. Người cho rằng, phương thức đào tạo, huấn luyện phải cụ thể, thiết thực, phải căn cứ vào đặc điểm, yêu cầu của nghề nghiệp, trình độ cán bộ để tiến hành. Việc học lý luận phải gắn liền với thực tiễn, tránh đào tạo chung chung. Thực tiễn không ngừng vận động, biến đổi, do vậy lý luận (nội dung đào tạo) càng phải thường xuyên đổi mới, bổ sung, phát triển, và như thế, cán bộ phải thường xuyên “học, học nữa, học mãi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Khi vận dụng thì bổ sung, làm phong phú thêm lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn cách mạng của ta”. Do vậy, khi học tập tư tưởng của Người vào việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn, lấy thực tiễn làm mục đích của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và chủ động tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp với tình hình.

2. Bên cạnh tính thực tiễn trong công tác “huấn luyện”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao tính chủ thể và đối tượng trong “huấn luyện”. Khi huấn luyện cán bộ, cần phải nắm bắt được “ai huấn luyện” và “huấn luyện ai”. Theo Người, không phải ai cũng có thể tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được, người làm công tác này phải thực sự là một tấm gương về đạo đức, là người không ngừng học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Mặt khác, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ mà không biết “huấn luyện ai” thì sẽ không có hiệu quả, “huấn luyện thì phải hiểu rõ người học để nâng cao khả năng và tẩy rửa khuyết điểm cho họ”.

3. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa phương pháp với mục tiêu, nội dung, các hình thức tổ chức huấn luyện và tính thực tiễn của công tác huấn luyện. Theo Người, trong huấn luyện “việc cốt yếu là làm cho người học hiểu thấu vấn đề, nhưng hiểu thấu cũng có nhiều cách: có cách hiểu thật tỉ mỉ, nhưng dạy theo cách đó thì phải tốn nhiều thì giờ”. Khi bàn về các hình thức tổ chức huấn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần “mở lớp nào cho ra lớp ấy, lựa chọn người dạy, người học cho cẩn thận”. Người cho rằng việc mở lớp quá đông dẫn đến trình độ người học chênh lệch nhau, hoặc mở quá nhiều lớp sẽ không có hiệu quả.

4. Quán triệt tinh thần học tập “Học, học nữa, học mãi” của V.I. Lê-nin, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc học tập cần được thực hiện suốt đời, người dạy cũng như người học phải không ngừng học tập, đồng thời học phải đi đôi với “hành”; “hành” là để học. Người cho rằng phương châm học tập suốt đời là “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót lớn”.

Tại buổi sinh hoạt, sau khi nghe nội dung chuyên đề và liên hệ thực tế của cơ quan, đơn vị, các đảng viên Chi bộ 5 đã nêu ra một số giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ nhất, cần có nhận thức đúng đắn về vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, coi công tác đào tạo, bồi dưỡng “chiếc chìa khóa” để nâng chất đội ngũ cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.

Thứ hai, quá trình thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng phải kết hợp linh hoạt giữa các hình thức đào tạo, như: Đào tạo, bồi dưỡng thông qua các lớp học chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng;  đào tạo thông qua việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác; đào tạo bằng việc tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm... Trong đó coi công tác cử cán bộ, công chức đi đào tạo là việc thường xuyên, căn bản, tự đào tạo tại đơn vị với phương châm “cầm tay chỉ việc” là trọng tâm và ứng dụng công nghệ thông tin là đột phá chiến lược trong thời gian tới.

Thứ ba, có biện pháp nâng cao ý thức tự giác nghiên cứu, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, giữ gìn phẩm chất đạo đức và đoàn kết nội bộ của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên.

Thứ tư, phải chủ động trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm. Đổi mới tư duy đào tạo từ việc đào tạo, bồi dưỡng để phù hợp với vị trí công tác hiện có sang đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng yêu cầu vị trí công tác nếu được bố trí, sắp xếp.

Thứ năm, kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ với việc đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị cũng như trình độ quản lý nhà nước, qua đó giúp cán bộ có đầy đủ năng lực, bản lĩnh thực thi công vụ.

VKSND tỉnh Thái Bình
Tìm kiếm