VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG QUÊ HƯƠNG CĂN CỨ ĐỊA CÁCH MẠNG, HỌC TẬP VÀ LÀM THEO LỜI DẠY CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI CÁN BỘ KIỂM SÁT
NGUYỄN XUÂN CÚC - Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên
Toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên tự hào được là những người con của quê hương căn cứ địa cách mạng, nơi mà mỗi địa danh, mỗi ngọn núi, con sông đều gắn liền với những dấu tích không phai mờ của lịch sử đấu tranh cách mạng anh dũng và đặc biệt là những năm tháng mà Bác Hồ vĩ đại đã cùng Trung ương từng sống và làm việc để lãnh đạo cách mạng trong những ngày tháng cam go nhưng hào hùng nhất.
Thái Nguyên là một tỉnh miền núi, nằm cách Thủ đô Hà Nội 80 km với diện tích 3.541 km2, dân số có 1,1 triệu người. Từ xưa đến nay, Thái Nguyên vẫn được xem như một nét gạch nối giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với vùng đại ngàn chiến khu Việt Bắc. Chính vị trí địa lý ấy đã góp phần quan trọng bồi đắp nên bề dày truyền thống lịch sử cho miền đất này. Đó là quê hương của phò mã Dương Tự Minh với chiến công đánh tan quân Tống, đó là Chủ tướng Lưu Nhân Chú với trận phục kích nổi tiếng ở ải Chi Lăng tiêu diệt toàn bộ viện binh nhà Minh trên cánh đồng Xương Giang năm 1427; đó là cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 do Đội Cấn và Lương Ngọc Quyến lãnh đạo với tôn chỉ đánh đuổi giặc Pháp giành độc lập dân tộc. Trong dòng chảy lịch sử vẻ vang đó, Thái Nguyên có trang sử đẹp nhất, hào hùng nhất là thời kỳ chuẩn bị cho Cách mạng tháng 8 năm 1945 và cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của dân tộc ta.
Sau nhiều năm hoạt động ở nước ngoài, khi về nước để chỉ đạo cách mạng, Bác Hồ đã chọn Cao Bằng làm căn cứ, nhưng theo Bác, từ Cao Bằng phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được, có nối phong trào với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi thì có thể tiến công, lúc khó khăn thì có thể giữ an toàn. Như vậy, trong tư tưởng của Bác Hồ ngay từ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, Thái Nguyên đã được xem như là một căn cứ cách mạng cực kỳ quan trọng, bởi từ Thái Nguyên theo quốc lộ 3 lên Bắc Kạn, Cao Bằng, theo quốc lộ 1B sẽ đến Lạng Sơn, qua Đại Từ sẽ đến Tuyên Quang, Hà Giang và từ Thái Nguyên xuôi về Hà Nội. Như vậy, trước Cách mạng tháng Tám, Thái Nguyên nằm trong lòng chiến khu Việt Bắc gồm 6 tỉnh: Cao - Bắc - Lạng - Hà - Tuyên - Thái.
Khi Cách mạng tháng Tám thành công, với tầm nhìn xa trông rộng, ngay từ đầu năm 1946 Bác Hồ đã trao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Trần Đăng Ninh và đồng chí Nguyễn Lương Bằng trở lại Việt Bắc lựa chọn và xây dựng an toàn khu cho Trung ương, chuẩn bị những địa điểm đi lại tương đối thuận tiện, cơ động nhưng kín đáo, có cơ sở quần chúng tốt để chuẩn bị đối phó với tình hình xấu nhất. Sau một thời gian khảo sát, cân nhắc kỹ lưỡng, Trung ương đã quyết định chọn các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai của Thái Nguyên để xây dựng an toàn khu cho Trung ương; từ đó Thái Nguyên đã trở thành thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta. Trong khoảng thời gian 7 năm, từ năm 1947 đến năm 1954 đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại ở Thái Nguyên: Tại Định Hoá, Bác Hồ đã ký Sắc lệnh và chủ trì lễ phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyễn Giáp; cũng tại đây Bác cùng Trung ương quyết định chiến dịch biên giới Thu - Đông 1950, thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953 - 1954 và quyết định mở chiến dịch tiêu diệt cứ điểm Điện Biên Phủ làm chấn động địa cầu. Cũng tại an toàn khu Định Hoá, Bác Hồ đã viết tác phẩm nổi tiếng "Sửa đổi lề lối làm việc'' và nhiều tài liệu quan trọng khác.
Nói đến Thái Nguyên, là nói đến biết bao di tích liên quan đến hoạt động của Bác Hồ, của Trung ương Đảng, của Chính phủ, trong đó Tỉn Keo - Phú Đình là đại bản doanh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, nhiều cơ quan Trung ương đều có cội nguồn từ an toàn khu Định Hoá.
Có thể nói an toàn khu Định Hoá gắn liền với các hoạt động chỉ đạo, chỉ huy kháng chiến chống Pháp của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng tư lệnh và các cơ quan của Tổng hành dinh. Tại nơi đây Bác Hồ và Trung ương đã lãnh đạo toàn quân ta đánh thắng hoàn toàn giặc Pháp. An toàn khu Định Hoá ở Thái Nguyên xứng đáng là địa danh đỏ của cách mạng Việt Nam. Với ý nghĩa lịch sử quan trọng như vậy, hiện nay tại xã Phú Đình đã xây dựng Nhà tưởng niệm Bác Hồ gắn liền với các di tích lịch sử khác để các thế hệ con cháu ghi lòng tạc dạ công ơn của Bác, của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do của dân tộc.
Là những người con của quê hương cách mạng, đội ngũ cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên từ khi mới thành lập (năm 1960) hầu hết được chuyển từ các ngành khác sang, với bầu máu nóng tâm huyết làm hết sức mình để phụng công thủ pháp, phấn đấu thực hiện: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Cùng với sự chỉ đạo tập trung thống nhất của toàn Ngành, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã nắm chắc chức năng nhiệm vụ, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương từ nhiệm vụ đấu tranh trấn áp bọn phản cách mạng, đến phục vụ cuộc vận động 3 xây, 3 chống, xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân, đảm bảo chính sách hậu phương quân đội phục vụ cho nhiệm vụ đấu tranh thống nhất đất nước. Có thể nói trong giai đoạn này, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Hoàng Quốc Việt: ''Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, phải phục vụ nhiệm vụ chính trị".
Khi miền Nam được giải phóng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã cùng hệ thống Viện kiểm sát của cả nước đã tập trung phục vụ 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đã có không ít cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên tình nguyện vào công tác tại Viện kiểm sát các tỉnh phía Nam để góp phần giữ gìn kỷ cương pháp luật, bảo vệ chế độ, bảo vệ thành quả cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đổ nhiều xương máu mới giành được.
Chuyển sang thời kỳ mới, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã có những bước chuyển biến đáng kể: Hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật được đẩy mạnh trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, nhiều lĩnh vực hành chính, kinh tế - xã hội với tác động kịp thời, nghiêm túc của công tác kiểm sát nên việc tuân theo pháp luật đã được chấn chỉnh, nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý trên các lĩnh vực được hoàn thiện. Trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tốt. Chỉ tính từ năm 2000 đến nay, toàn Ngành đã thụ lý kiểm sát điều tra trên 8.500 vụ án hình sự, đã truy tố 6.280 vụ, đã kiểm sát xét xử 6.250 vụ án sơ thẩm, hàng trăm vụ án được Viện kiểm sát kháng nghị theo các trình tự phúc thẩm được Toà án chấp nhận nhằm đảm bảo sự công minh của pháp luật. Thông qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát đã trực tiếp khởi tố 15 vụ án hình sự, yêu cầu khởi tố 41 vụ án và 18 bị can. Để hạn chế thấp nhất việc bắt giữ, oan, sai, Viện kiểm sát đã từ chối phê chuẩn 153 trường hợp bắt giữ của Cơ quan điều tra đảm bảo chính xác, khách quan, đúng pháp luật. Từ khi Chỉ thị số 53-CT/TW của Bộ Chính trị được ban hành, trách nhiệm và hiệu quả công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên ngày càng được nâng cao: Năm 2001, tỷ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự là 82,2%, đến năm 2003, tỷ lệ bắt giữ chuyển xử lý hình sự là 95,42% và đến năm 2006 tỷ lệ này đã được nâng lên 96,8%. Riêng số bắt khẩn cấp kể từ năm 2002 đến nay đều được xử lý hình sự 100%; Viện kiểm sát cũng đã ban hành hàng trăm văn bản kiến nghị, kháng nghị đối với những vi phạm trong hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án của Cơ quan điều tra, Toà án, cơ quan Thi hành án và đều được chấp nhận sửa chữa.
Cùng với việc phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị chuyên môn, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát với phương châm phải tinh thông về nghiệp vụ và có lương tâm đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Tính đến nay, là một tỉnh miền núi nhưng toàn ngành Kiểm sát Thái Nguyên đã có 77% số cán bộ trình độ Đại học và trên Đại học, 61% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên. Đội ngũ cán bộ thường xuyên được quán triệt, tu dưỡng, rèn luyện theo 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã ban hành tiêu chuẩn đạo đức của người cán bộ Kiểm sát trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá để thực hiện trong toàn Ngành; đã tổ chức cho toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên học tập các chuyên đề trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức hội thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ, coi đó là một trong những việc làm thiết thực góp phần giáo dục phẩm chất đạo đức cho cán bộ, Kiểm sát viên.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã và đang triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng hoạt động như: Tổ chức các phiên toà do Kiểm sát viên có kinh nghiệm thực hành quyền công tố để các đơn vị cử Kiểm sát viên đến dự, hoặc tổ chức đoàn công tác của Viện kiểm sát tỉnh đến dự phiên toà của cấp huyện để tham gia góp ý kiến rút kinh nghiệm với Kiểm sát viên cấp huyện trong việc tranh tụng tại phiên toà. Việc làm này đã và đang phát huy tác dụng tốt, đây cũng là một biện pháp để Viện kiểm sát tỉnh phát hiện, bồi dưỡng những Kiểm sát viên giỏi để nhân rộng cho toàn Ngành học tập.
Đạt được những kết quả trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã thường xuyên phát động và duy trì có nề nếp phong trào thi đua, mỗi năm đều phát động 2 đến 3 đợt thi đua ngắn hạn, có sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời, vì vậy đã động viên đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tính đến nay, toàn Ngành có 5 tập thể được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, 4 đồng chí được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua Ngành, hàng trăm lượt đồng chí được công nhận là Chiến sỹ thi đua. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì phong trào thi đua để thu được kết quả tốt đẹp hơn trong thời gian tới.
Chúng tôi nhận thức rằng những việc đã làm được trong thời gian qua là có hiệu quả, đã góp phần tích cực vào ổn định tình hình và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều việc cần phải tiếp tục được thực hiện cho có hiệu quả hơn. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta phát động cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn liền với cuộc vận động toàn ngành Kiểm sát học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên tự hào về truyền thống quê hương cách mạng sẽ phát huy những thành quả đã đạt được, đồng thời phấn đấu làm tốt những công việc sau:
Một là, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên bằng những biện pháp cụ thể trong quản lý cán bộ, quản lý công tác, thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tiến độ công tác hàng ngày, hàng tuần với người quản lý, thực hiện tốt hoạt động giám sát giữa cán bộ Kiểm sát viên với nhau và gắn với hoạt động của Uỷ ban kiểm tra Đảng, Ban thanh tra nhân dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn biểu hiện tiêu cực có thể xảy ra.
Hai là, nâng cao năng lực hoạt động nghiệp vụ của Kiểm sát viên, cán bộ, trong đó chú trọng hoạt động kiểm tra của đơn vị nghiệp vụ cấp trên đối với cấp dưới, chấp hành nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo 2 chiều để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Ba là,đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, có sơ kết bình xét khen thưởng kịp thời. Chú trọng giáo dục truyền thống quê hương cách mạng gắn liền với việc tổ chức thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Bốn là, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng. Thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân, nhất là quần chúng nhân dân nơi cư trú để giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ thực sự trong sạch, vững mạnh.