Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long thực hiện cuộc vận động
"Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh",
gắn với việc tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi
Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cấp uỷ địa phương về cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Đảng uỷ, Ban Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo xây dựng các kế hoạch học tập để thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với việc rèn luyện 5 đức tính của người cán bộ Kiểm sát "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Một trong những nội dung quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho ngành Kiểm sát nhân dân nói chung, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Long nói riêng, trong đó có việc tuyển chọn và bồi dưỡng Kiểm sát viên giỏi, Kiểm sát viên tiêu biểu.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác cũng như việc tuyển chọn, bồi dưỡng Kiểm sát viên giỏi, Kiểm sát viên tiêu biểu Ban Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác gắn với nhiệm vụ được giao của từng cán bộ, Kiểm sát viên, cũng như xây dựng Quy chế tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi và tổ chức triển khai tới toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên ở hai cấp kiểm sát.
Cuộc vận động đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong cán bộ, Kiểm sát viên. Cán bộ, Kiểm sát viên có ý thức và kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện xuyên tạc, vô cảm, lãng phí, phô trương hình thức, tham ô, hối lộ, sách nhiễu nhân dân, nghiêm túc thực hiện "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", không ngừng rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, luôn khiêm tốn, cầu tiến, nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; trong đó yêu cầu rõ nét nhất của một Kiểm sát viên giỏi cần phải có là phẩm chất chính trị, đạo đức tốt và giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gắn với 5 đức tính "công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Thời gian qua, ngành Kiểm sát tỉnh Vĩnh Long đã có 117 Kiểm sát viên đăng ký tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi, Kiểm sát viên tiêu biểu (61 Kiểm sát viên trung cấp, 56 Kiểm sát viên sơ cấp).
Qua kiểm tra thực tế về các mặt công tác của các Kiểm sát viên, Hội đồng tuyển chọn đã đi đến thống nhất tuyển chọn và công nhận 28 Kiểm sát viên giỏi, trong đó có 16 Kiểm sát viên trung cấp, 12 Kiểm sát viên sơ cấp. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã biểu dương, khen thưởng và ghi nhận thành tích của các Kiểm sát viên tham dự tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi.
Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác cũng như tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi cần phải quan tâm đến những vấn đề sau để đạt kết quả tốt, đó là:
Thứ nhất, quan tâm giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, Kiểm sát viên, từ đó rèn luyện, bồi dưỡng được những Kiểm sát viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ lý luận chuyên sâu, nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có đạo đức trong sáng, có tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thứ hai, "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với việc thực hiện "Bồi dưỡng, tuyển chọn Kiểm sát viên giỏi" là một trong những biện pháp rất quan trọng để xây dựng Ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh.
Thứ ba, cuộc vận động phải chú trọng việc "làm theo", biến nhận thức thành hành động cụ thể, của cán bộ, Kiểm sát viên phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, luôn học tập, nâng cao nhận thức chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Thứ tư, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Ngành, của cơ quan, đơn vị. Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất, gắn nội dung cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, với việc triển khai các phong trào thi đua khác, xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh.
Thứ năm, việc tuyển chọn, bồi dưỡng Kiểm sát viên giỏi cũng như việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", cần phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo các cấp, kết hợp tính tự giác làm theo trong học tập với sự giám sát, kiểm tra, giúp đỡ của tập thể, của quần chúng nhân dân.
Thứ sáu, cần làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc để học tập rút kinh nghiệm; đưa nội dung này để đánh giá phân loại cán bộ, xét thi đua, nâng lương trước hạn, đưa cán bộ vào quy hoạch, đề bạt chức vụ lãnh đạo, quản lý...
Thứ bảy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng riêng chương trình Bảo vệ pháp luật của ngành Kiểm sát nhân dân để tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân về chức năng, nhiệm vụ của Ngành, vì hiện nay, chỉ có báo, tạp chí của Ngành đưa tin về hoạt động của Ngành, chủ yếu phục vụ cán bộ trong ngành Kiểm sát. Trong khi, ở địa phương báo, đài cũng rất ít đưa tin về ngành Kiểm sát./.