Ngày 13/7/2022, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng và đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải.
Thành phần tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao, gồm: Các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; Thường trực Đảng ủy VKSND tối cao; Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Lãnh đạo Văn phòng VKSND tối cao; các đồng chí Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp. Hồ Chí Minh; Lãnh đạo Viện, Chánh Văn phòng VKSND cấp cao tại Hà Nội, Lãnh đạo VKSND cấp cao tại Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh; Viện trưởng VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương; Kiểm sát viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Thư ký Lãnh đạo VKSND tối cao và công chức Phòng Tham mưu tổng hợp, Phòng Quản lý án hình sự, Văn phòng VKSND tối cao.
Điểm cầu Đại diện Văn phòng VKSND tối cao tại Tp. Hồ Chí Minh: Trưởng Đại diện Văn phòng VKSND tối cao tại Tp. Hồ Chí Minh; đại diện Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Điều tra viên các ngạch các đơn vị thuộc VKSND tối cao tại phía Nam. Điểm cầu Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội: Các đồng chí Phó Hiệu trưởng, Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa. Điểm cầu Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp. Hồ Chí Minh: Trưởng khoa, Phó Trưởng khoa. Điểm cầu Viện kiểm sát quân sự Trung ương: Lãnh đạo Văn phòng và Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ. Điểm cầu Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu: Phó Viện trưởng và Lãnh đạo các đơn vị nghiệp vụ. Điểm cầu VKSND cấp cao tại Đà Nẵng và Tp. Hồ Chí Minh: Lãnh đạo Văn phòng và Lãnh đạo các Viện nghiệp vụ trực thuộc. Điểm cầu VKSND cấp tỉnh: Phó Viện trưởng, Lãnh đạo Văn phòng và Lãnh đạo các phòng nghiệp vụ. Điểm cầu VKSND cấp huyện: Lãnh đạo Viện, Kiểm sát viên và Kiểm tra viên.
Báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2022 của ngành Kiểm sát nhân dân dưới hình thức Videoclips trình chiếu tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình an ninh chính trị, dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp; dịch bệnh Covid-19 trong nước bùng phát trở lại trong những tháng đầu năm, đến nay cơ bản đã được kiểm soát, đời sống xã hội dần trở lại bình thường; nhưng hậu quả của đại dịch Covid 19 đã tác động tiêu cực và gây ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, thách thức, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo đảm cho nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững.
Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Viện trưởng VKSND tối cao đã sớm ban hành Chỉ thị công tác năm 2022; trong đó, xác định rõ 04 mục tiêu, cụ thể hóa thành 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Ngành trong năm 2022, như: Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết xử lý, đấu tranh với những vi phạm trong nội bộ và quá trình thực hiện nhiệm vụ; tiếp tục tập trung chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hơn nữa trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra và khả năng tranh tụng tại phiên tòa, tập trung phối hợp, giải quyết tốt các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, chú trọng việc thu hồi tài sản nhà nước,...
Về công tác tổ chức cán bộ, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao đã đề nghị và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết phê duyệt kiện toàn bổ sung 07 thành viên Ủy ban Kiểm sát VKSND tối cao. Tiếp tục thực hiện công tác luân chuyển, điều động, biệt phái lãnh đạo quản lý; xây dựng và rèn luyện đội ngũ cán bộ quản lý VKSND các cấp thông qua giao nhiệm vụ hoặc việc quản lý địa bàn khó khăn, phức tạp để thử thách, đào tạo một cách toàn diện. Đã tiến hành điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí công tác đối với nhiều lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao và VKSND cấp tỉnh.
Cùng với đó, ngành Kiểm sát nhân dân tiếp tục xác định nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng nhất của Ngành. Quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, các kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề ra nhiều biện pháp nâng cao chất lượng trong công tác đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc về kinh tế, tham nhũng, chức vụ. Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành 03 quy chế, quy định, quy trình về nghiệp vụ và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nhằm thống nhất về nhận thức và hoạt động nghiệp vụ nhằm hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ.
Đổi mới phương thức hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Theo đó, sắp xếp lại, kiện toàn một số phòng điều tra nhằm tránh việc dàn trải, phân tán nhân lực, cơ sở vật chất và nguồn lực để phát huy sức mạnh tổng thể và có khả năng đẩy nhanh nhất tiến độ điều tra với các vụ án, vụ việc; lựa chọn việc thụ lý vụ án, vụ việc đúng quy định của pháp luật, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với quy mô, lực lượng hiện có để giải quyết đạt hiệu quả cao nhất.
Trong công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật, đã tích cực, chủ động thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội; ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; phối hợp tốt với các Bộ, Ngành trong xây dựng, ban hành văn bản. tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định trong Ngành và tổ chức Hội thảo khoa học “Viện kiểm sát nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; xây dựng Đề án: “Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng” và Đề án “Thực trạng kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát và hoạt động điều tra của VKSND tối cao; đề xuất, kiến nghị” phục vụ nhiệm vụ cải cách tư pháp của Ngành.
Sáu tháng đầu năm 2022, toàn Ngành thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho lãnh đạo VKSND các cấp; thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ, bảo đảm tài chính, hậu cần, hành chính tư pháp... phù hợp bối cảnh vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ công tác; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Đẩy mạnh các hoạt động, hình thức tuyên truyền, ban hành Kế hoạch về trọng tâm công tác tuyên truyền năm 2022; đã phê duyệt và triển khai xây dựng bộ phim “Hành trình công lý”, dự kiến phát sóng vào cuối tháng 9/2022; Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Chỉ thị về phát động phong trào thi đua năm 2022 của ngành Kiểm sát nhân dân, với chủ đề “Đoàn kết, trách nhiệm, khát vọng cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022”; tiếp tục đổi mới, thực hiện các hình thức thi đua phù hợp với hoạt động của Ngành, gắn thi đua với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, trọng tâm.
Dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, có 06 ý kiến tham luận tại Hội nghị. Các ý kiến đều nhất trí cao với nội dung Báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của ngành Kiểm sát nhân dân; đồng thời, nêu lên một số khó khăn, vướng mắc, từ đó, đề xuất giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Ngành tại địa phương, đơn vị. Nội dung tham luận tập trung vào một số nội dung: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong giải quyết các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chức vụ; giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình; công tác phối hợp với Tòa án trong việc xét xử các vụ án hình sự; việc nhận thức và áp dụng pháp luật trong thực tiễn;…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù khối lượng công việc nhiều, cùng với việc đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng toàn Ngành đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao.
Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao 6 tháng cuối năm và cả năm 2022, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, nhất là chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động điều tra, phát hiện và xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật. Bảo đảm tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ, việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, Ban Nội chính Trung ương, Ban Nội chính cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND các cấp tự đánh giá, rà soát toàn bộ nhiệm vụ, mục tiêu, kế hoạch công tác từ đầu năm, xác định những khâu công tác chưa đạt, còn tồn tại, hạn chế. Từ đó, xác định cụ thể và đề ra giải pháp khả thi để hoàn thành tốt công tác 6 tháng cuối năm 2022, bảo đảm đạt, vượt chỉ tiêu công tác của Quốc hội, Ngành đề ra. Tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong toàn Ngành. Đổi mới cơ chế quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để tạo động lực phấn đấu cho cán bộ, công chức, viên chức. Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Tp. Hồ Chí Minh tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ có chất lượng cho Ngành.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, Vụ 14 phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, lập hồ sơ kiểm sát các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động, lĩnh vực công tác của Ngành; tăng cường việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo bằng hình thức trực tuyến; triển khai đầu tư hiệu quả các dự án mở rộng, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin theo lộ trình, có thứ tự ưu tiên phù hợp với nguồn kinh phí đầu tư.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hình ảnh của Ngành trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tăng cường công tác tuyên truyền về tấm gương tiêu biểu của cán bộ ngành Kiểm sát trong thực hiện nhiệm vụ; tích cực phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam hoàn thiện, phát sóng bộ phim “Hành trình công lý” đúng tiến độ đề ra.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) VKSND tối cao; trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho 01 cá nhân và trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 04 cá nhân thuộc VKSND tối cao.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao đã tặng hoa chúc mừng tập thể Lãnh đạo, công chức Thanh tra VKSND tối cao nhân kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Thanh tra ngành Kiểm sát nhân dân (13/7/1987 - 13/7/2022).