Ngày 02/12/2022, VKSND tối cao phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tổ chức Chương trình "Bữa sáng Ruy băng trắng" lần thứ VIII với chủ đề "Nhạy cảm giới trong thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái".
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao dự và chủ trì Chương trình. Đại biểu khách mời tham dự Chương trình có bà Elisa Fernadez, Trưởng đại diện Tổ chức UN WOMEN tại Việt Nam; bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam; bà Majdie Hordern, Bí thư thứ Nhất Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cùng đại diện Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và đại diện một số tổ chức quốc tế, tổ chức chính trị - xã hội trong nước.
Đại biểu ngành Kiểm sát nhân dân tham dự Chương trình có đại diện các đơn vị thuộc VKSND tối cao: Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6); Vụ Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Vụ 8); Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12); đại diện VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh cùng tập thể Ban Giám hiệu, Giảng viên và đông đảo sinh viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Chương trình, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao cho biết, bắt nguồn từ chiến dịch "Ruy băng trắng" ở Canada tưởng niệm 14 cô gái bị một bạn nam cùng lớp sát hại, năm 1999, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố lấy ngày 25/11 hằng năm là Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ với biểu tượng là Ruy băng trắng. Đây là dịp để các cá nhân, tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ trên khắp thế giới, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc phát động những chiến dịch đấu tranh nhằm xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Ở Việt Nam, Chương trình Bữa sáng Ruy băng trắng đã được tổ chức từ năm 2015 cho đến nay.
Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến khẳng định, là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Việt Nam, ngành Kiểm sát nhân dân có trách nhim bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Do đó, bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong tố tụng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà mỗi Kiểm sát viên, mỗi người cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân cần phải thực hiện trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ của mình.
Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến tin rằng, thông qua Chương trình, các đại biểu trong và ngoài ngành Kiểm sát nhân dân sẽ cùng trao đổi, chia sẻ cởi mở để hiểu hơn những cản trở, khó khăn trong quá trình tìm kiếm công lý của các nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em gái; những khó khăn trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án này; từ đó, đưa ra những kinh nghiệm và giải pháp để áp dụng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời mong muốn, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hợp tác với Liên hợp quốc tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế khác nhằm giúp Việt Nam thực hiện ngày càng hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trong thời gian tới.
Đại diện UNODC tại Việt Nam, bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là sự xúc phạm nhân phẩm đối với tất cả phụ nữ và trẻ em gái; là một vết nhơ đáng xấu hổ của xã hội và là sự trở ngại lớn cho sự phát triển hòa nhập, công bằng và bền vững. Tại Việt Nam, vấn đề này để lại nhiều hậu quả tồi tệ, trước mắt cũng như lâu dài về sức khỏe, tâm lý, kinh tế, xã hội cho cả nạn nhân, gia đình và xã hội. Trước thực tế đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban ngành có liên quan và các tổ chức xã hội của Việt Nam, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái trên nhiều lĩnh vực, nhất là cải thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực cho cán bộ tư pháp hình sự và tăng cường hợp tác với các quốc gia trên thế giới.
Các cơ quan Liên hợp quốc trong đó có UNODC và UN WOMEN cũng đã và đang hỗ trợ, làm việc, đồng hành cùng với các cơ quan liên quan của Việt Nam nhằm trợ giúp pháp lý, tăng cường cung cấp các dịch vụ xã hội thiết yếu và tăng cường tiếp cận công lý cho phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của bạo lực.
Trong Chương trình, đại biểu đã cùng thảo luận, tọa đàm về các vấn đề giới trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc bạo lực tại Việt Nam; vai trò của Kiểm sát việc trong giải quyết vụ việc bạo lực về xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em gái có nhạy cảm giới.