Ngày 28/12/2022, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự và chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND tối cao đến 817 điểm cầu trong toàn Ngành.
Đại biểu khách mời tham dự Hội nghị có đồng chí Trần Quốc Vượng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đồng chí Trần Văn Rón, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương; đồng chí Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; đồng chí Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an.
Cùng dự Hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương: Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Nội chính Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Văn phòng Trung ương Đảng; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Quốc hội; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Tư pháp; Bộ Thông tin - Truyền thông; Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Đại biểu ngành Kiểm sát nhân dân tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao chủ trì Hội nghị; đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, đồng chí Trung tướng Tạ Quang Khải; các đồng chí nguyên Lãnh đạo VKSND tối cao; Kiểm sát viên VKSND tối cao; Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao cùng Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức, viên chức và quân nhân của Viện kiểm sát các cấp ở 817 điểm cầu trong cả nước.
Thông qua videoclip, VKSND tối cao đã tóm tắt kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022. Theo đó, năm 2022, Viện kiểm sát các cấp đã quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp. Toàn ngành Kiểm sát đã tiếp tục cố gắng, nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức nhằm hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội và của Ngành; nhiều đơn vị đã có cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ.
Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự đạt nhiều kết quả tích cực. Đã kiểm sát chặt chẽ hơn việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn; chất lượng điều tra được nâng lên; trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra tiếp tục được tăng cường; chất lượng và thời hạn truy tố đều đạt cao và vượt chỉ tiêu của Quốc hội; số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hình sự vượt chỉ tiêu của Quốc hội.
Năm 2022, toàn Ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 144.487 nguồn tin về tội phạm (tăng 5,3%); ban hành 119.643 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm (tăng 9,6%); trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.602 cuộc tại Cơ quan điều tra (tăng 14%)… Tích cực cùng Cơ quan điều tra, Tòa án kịp thời xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình. Công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng có nhiều chuyển biến rõ rệt, cơ bản hành thành và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ điều tra khám phá các loại tội phạm đạt 74,6% (vượt 4,6%);…
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có những chuyển biến tích cực; số lượng kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp và các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm đạt chất lượng cao; số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm án dân sự đạt chỉ tiêu của Quốc hội. Công tác kiểm sát tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự ngày càng hiệu quả hơn; công tác giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được thực hiện tốt, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội; qua đó, kịp thời phát hiện, kháng nghị những bản án, quyết định có vi phạm pháp luật. Thông qua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành Kiểm sát đã góp phần quan trọng bảo đảm các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án tuân thủ đúng pháp luật; quyền con người, quyền công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được tôn trọng, bảo đảm.
Công tác xây dựng Ngành cũng có sự chuyển biến rõ nét. Toàn Ngành đã triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, lãnh đạo chủ chốt; đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên được bổ sung, chất lượng từng bước được nâng lên; tham gia có trách nhiệm và thực hiện tốt các nội dung phục vụ nhiệm vụ cải cách tư pháp và xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045". Công tác hướng dẫn thi hành pháp luật và giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ trong Ngành được thực hiện hiệu quả, thường xuyên; kỷ cương, kỷ luật của Ngành được tăng cường.
Hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm được chú trọng và đạt kết quả tốt; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện về phương pháp, nội dung và các hình thức đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành. Công tác thi đua khen thưởng thực chất hơn, kịp thời động viên, khuyến khích công chức, viên chức thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, xây dựng và nhân rộng được nhiều tấm gương điển hình tiên tiến. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng thực chất, hiệu quả. Cùng với đó, toàn Ngành tiếp tục chủ động, ứng phó kịp thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp phòng, chống và hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đã trình bày Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 02/12/2022 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2023. Theo Chỉ thị, năm 2023, với phương châm công tác: “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn ngành Kiểm sát tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, đạt và vượt các chỉ tiêu công tác của Quốc hội giao với mục tiêu: “Tiếp tục giữ vững kỷ luật, kỷ cương, trước hết là từ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cấp Kiểm sát; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Viện kiểm sát các cấp nắm vững pháp luật, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát chặt chẽ các hoạt động tư pháp bảo đảm tuân thủ đúng quy định pháp luật; thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và nâng chất hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong toàn Ngành góp phần bảo đảm thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của VKSND trong giai đoạn hiện nay”.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, chủ động nắm chắc tình hình, triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt 04 mục tiêu lớn, 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm; qua đó, thực hiện đạt và vượt nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác được Quốc hội giao.
Toàn Ngành xác định năm 2023 là năm đột phá về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Ngành Kiểm sát nhân dân, bảo đảm tốt nhất cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ, công tác trợ lý ảo trong cung cấp thông tin, các phần mềm quản lý các lĩnh vực công tác và phấn đấu ứng dụng phòng họp không giấy…
Kết quả công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2022 góp phần quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh theo tinh thần, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những cố gắng nỗ lực, kết quả đạt được và những đóng góp quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân đối với thành tựu chung của đất nước trong năm 2022.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát nhân dân cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được trong năm 2022; quán triệt, thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp và Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp. Khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp tăng cường năng lực của ngành Kiểm sát nhân dân. Qua đó tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của ngành Kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự. Thực hiện tốt các nguyên tắc của tố tụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ như nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo chặt chẽ, trọng chứng hơn trọng cung; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; vừa đảm bảo xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, vụ lợi, đồng thời đảm bảo tính nhân văn, thuyết phục.
Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử, xử lý nghiêm các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tăng cường thực hiện việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thiệt hại, thất thoát; hạn chế tối đa việc hình sự hóa những quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại, góp phần tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đổi mới, sáng tạo nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước trong nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá; xét đơn xin ân giảm án tử hình và tổ chức thi hành án tử hình. Xác định con người là yếu tố quyết định, công tác cán bộ là "then chốt của then chốt" nên cần tập trung sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân công và sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế cán bộ hiện có; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao chất lượng hoạt động của Ngành.
Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên và người đứng đầu các cấp Kiểm sát cả về năng lực chuyên môn, trách nhiệm và tính nêu gương; tăng cường công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý để rèn luyện thử thách cán bộ, đào tạo toàn diện cán bộ. Tiếp tục chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự; tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp nói chung và quyền quyết định việc buộc tội của Viện kiểm sát nói riêng.
Tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân; kiện toàn lực lượng và triển khai thực hiện công tác giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; thực hiện tốt vai trò cơ quan đầu mối Trung ương trong tương trợ tư pháp hình sự; chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự và trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với truyền thống đoàn kết, năng động, đổi mới và trách nhiệm, kỷ cương của ngành Kiểm sát; đồng thời, với sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự ủng hộ phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, ngành Kiểm sát sẽ tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần "Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2023 và đón xuân Quý Mão, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc tới đại biểu tham dự Hội nghị cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Kiểm sát nhân dân sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cảm ơn sự quan tâm sâu sát của đồng chí Chủ tịch nước; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương; đối với ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian qua. Lãnh đạo VKSND tối cao sẽ tiếp thu đầy đủ nội dung chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước; đồng thời cam kết sẽ chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân phát huy những ưu điểm và nghiêm túc khắc phục những tồn tại, hạn chế được chỉ ra trong năm 2022 để lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tại Hội nghị, Lãnh đạo VKSND tối cao đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 22 tập thể và trao Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân cho 50 tập thể thuộc ngành Kiểm sát nhân dân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022.
Phần tham luận, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao, đã có 08 ý kiến phát biểu, tham luận về một số nội dung: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố trên địa bàn Tp. Hà Nội; một số biện pháp tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, gắn với trách nhiệm người đứng đầu mang lại hiệu quả trong công tác; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát quân sự với các cơ quan tư pháp trong và ngoài Quân đội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ; một số kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác kháng nghị vụ việc dân sự, vụ án hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và công tác chuyên môn nghiệp vụ; giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao khẳng định, trong năm 2022, ngành Kiểm sát đã làm tốt nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả, thành tích nổi bật, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao. Đồng thời chỉ đạo, năm 2023, toàn Ngành tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thực hiện nhiều hình thức, nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm sát viên; trong đó coi trọng công tác đào tạo, đổi mới nội dung đào tạo, tự đào tạo, chú trọng đào tạo kỹ năng nghề; tăng cường đào tạo cán bộ thông qua phân công giao việc và phân công cấp trên, người có kinh nghiệm kèm cặp, góp ý cấp dưới và người chưa nhiều kinh nghiệm cả về năng lực chuyên môn, trách nhiệm và tính nêu gương. Tăng cường công tác luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý để rèn luyện thử thách cán bộ, đào tạo toàn diện cán bộ.
Tiếp tục làm tốt công tác chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm, đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa; rà soát giải quyết dứt điểm đối với các vụ án, tin báo tạm đình chỉ còn tồn đọng. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo tăng cường thu hồi tài sản Nhà nước bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án để góp phần hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống; thực hiện tốt vai trò cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự; chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và trao đổi với Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp nâng chất hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ điều tra. Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử.
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cũng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Lãnh đạo VKSND các cấp cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng, gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành; tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra trong đơn vị để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, vi phạm pháp luật; tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm bảo đảm tốt nhất cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo, công tác số hóa và lưu trữ hồ sơ, công tác trợ lý ảo trong cung cấp thông tin, các phần mềm quản lý các lĩnh vực công tác, phấn đấu ứng dụng phòng họp không giấy. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Ngành khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị Vụ Thi đua - Khen thưởng VKSND tối cao tiếp tục tập hợp các sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm hay trình Lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định nhân rộng trong toàn Ngành. Đây sẽ là cẩm nang cho các thế hệ sau này...
Nhân dịp này, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí chúc mừng các đồng chí được bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên cao cấp. Đồng thời chỉ đạo, các đồng chí được bổ nhiệm cần tiếp tục nỗ lực, phấn đấu; phát huy kinh nghiệm, sở trường của mình; gương mẫu, thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của người Kiểm sát viên cao cấp để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Tại Hội nghị, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí đã trao các Quyết định về việc bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên cao cấp đợt 1 năm 2022 đối với 06 cá nhân, gồm: Đồng chí Phùng Mạnh Hùng, Viện trưởng VKSND tỉnh Sơn La; đồng chí Nguyễn Văn Viện, Viện trưởng VKSND tỉnh Hưng Yên; đồng chí Trần Thế Kính, Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Nam; đồng chí Trần Hoài Nam, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Nam; đồng chí Nguyễn Tiến Hùng, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Bình và đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng VKSND Tp. Hà Nội. Các Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2023.