Ngày 21/4, tại thành phố Đà Nẵng, VKSND tối cao phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hoạt động kiểm sát giải quyết các vụ án kinh doanh, thương mại trong lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cùng ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Đại biểu VKSND tối cao tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; Vụ Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình; Vụ Kiểm sát thi hành án dân sự; Vụ Pháp chế và quản lý khoa học; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế; Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh; Tạp chí Kiểm sát; Báo Bảo vệ pháp luật; VKSND cấp cao 1, 2, 3; đại diện Lãnh đạo của 31 VKSND cấp tỉnh.
Đại biểu Ngân hàng Nhà nước có đại diện Lãnh đạo các đơn vị: Vụ Pháp chế; Vụ Chính sách tiền tệ; Vụ Truyền thông và đại diện các tổ chức tín dụng, các ngành kinh tế. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện TAND tối cao.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng xảy ra ngày càng nhiều, chiếm tỉ lệ cao trong các vụ án kinh doanh thương mại. Với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp, giá trị tài sản tranh chấp lớn, việc thu hồi vốn, lãi, xử lý tài sản thế chấp gặp nhiều khó khăn, phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và sự an toàn của hệ thống tín dụng.
Với chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, thời gian qua, VKSND các cấp đã kịp thời kiểm sát các vụ án liên quan đến lĩnh vực tranh chấp hợp đồng tín dụng, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, góp phần hạn chế được nhiều sai sót trong quá trình tiến hành giải quyết vụ án. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, phát sinh một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi về những vi phạm phổ biến của tổ chức tín dụng, người vay, người liên quan, hay các Bản án/Quyết định của Tòa án chưa đảm bảo quy định pháp luật. Theo đó, việc xảy ra tranh chấp hợp đồng tín dụng thường do bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán; chiếm dụng vốn vào mục đích khác; khai báo không trung thực về tài sản đảm bảo; cố tình che giấu địa chỉ… hoặc đối với tài sản bảo đảm thuộc về sở hữu của bên thứ ba không chấp hành thi hành án khi người vay vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Các tổ chức tín dụng cũng chưa đánh giá toàn diện về khả năng trả nợ của khách hàng, tính hiệu quả của phương án sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc không quan tâm doanh nghiệp sử dụng vốn làm gì? Vay vốn có đúng mục đích như trong phương án sản xuất kinh doanh không? Thậm chí, có những tổ chức tín dụng còn chủ quan trong việc thẩm định giá tài sản, tức thẩm định không đúng với giá trị thực có của tài sản thế chấp, hoặc không đi thẩm định tài sản… Khi phát sinh tranh chấp hợp đồng tín dụng, các bên có quyền lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trung tâm trọng tài thương mại. Phương thức giải quyết tranh chấp của các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu lựa chọn giải quyết thông qua con đường Tòa án. Thông qua quá trình tiến hành tố tụng, Viện kiểm sát đã góp phần quan trọng trong việc phát hiện những vi phạm của Tòa án như: Bỏ sót người tham gia tố tụng; xác định phạt vi phạm không đúng. Có trường hợp, khi người vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán, tổ chức tín dụng chuyển sang lãi quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn, ngoài ra, còn có tổ chức tín dụng phạt vi phạm đối với việc quá hạn thanh toán. Cho thấy, cách phạt này mang tính chất phạt chồng phạt, lãi chồng lãi. Khi phát sinh tranh chấp, Tòa án căn cứ theo thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng công nhận điều khoản này, dẫn đến đưa ra Quyết định/ Bản án không đúng, Viện kiểm sát đã kịp thời phát hiện đưa ra kháng nghị…
Hội thảo đã ghi nhận 23 tham luận, thảo luận những vấn đề có liên quan đến việc giải quyết các tranh chấp hợp đồng tín dụng, như vi phạm về thời hạn giải quyết; việc trả lại đơn khởi kiện, thụ lý vụ án, thẩm quyền thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát, việc cấp tống đạt, phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Trong đó, có 09 tham luận của các đơn vị Viện kiểm sát, 11 tham luận của tổ chức tín dụng, 03 tham luận của các đơn vị liên quan. Các ý kiến tham luận đã tập trung giải đáp những vướng mắc về việc vi phạm trong ký kết, thực hiện hợp đồng tín dụng, ký kết thực hiện giao dịch bảo đảm dẫn đến tranh chấp hợp đồng; xử lý tài sản bảo đảm thông qua công tác kiểm sát việc thi hành án đối với các bản án, quyết định kinh doanh, thương mại về tranh chấp hợp đồng tín dụng; xử lý nợ xấu...
Phát biểu kết thúc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển, nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngày càng nhiều. Do đó, có nhiều vụ án liên quan đến tranh chấp xảy ra. Dự báo trong thời gian tới, với những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, khó khăn về dòng tiền, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của bên đi vay, thì tranh chấp hợp đồng tín dụng sẽ diễn ra gay gắt, phức tạp hơn.
Thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND các cấp đã kiểm sát việc giải quyết hàng chục nghìn vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” của Tòa án kịp thời, đúng pháp luật; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự; đồng thời, đã kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót của Tòa án, tổ chức tín dụng, người vay vốn, người liên quan khác để thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm và phòng ngừa. VKSND tối cao cũng đã ban hành các kiến nghị đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng, khắc phục sơ hở trong hoạt động cho vay.
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước - Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ với VKSND tối cao trong việc trao đổi thông tin, xây dựng và hoàn thiện văn bản pháp luật về tín dụng; các tổ chức tín dụng cần tăng cường hơn nữa trong việc hoàn thiện cơ chế quản lý rủi ro, hạn chế tranh chấp trong hợp đồng tín dụng, tăng cường đào tạo chuyên gia để khi có tranh chấp xảy ra cần cử người đại diện có kiến thức chuyên môn sâu, có kinh nghiệm và có trách nhiệm cao tham gia tố tụng để nâng cao hiệu quả bảo vệ quyền lợi.
Thy Anh