CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tọa đàm góp ý Sổ tay về chứng cứ điện tử dành cho Kiểm sát viên

15/11/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện chương trình hợp tác quốc tế giữa VKSND tối cao và Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam, vừa qua, VKSND tối cao phối hợp với UNODC tổ chức buổi tọa đàm góp ý Sổ tay về chứng cứ điện tử dành cho Kiểm sát viên tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Lại Viết Quang, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7) VKSND tối cao và bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì Tọa đàm.
Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam
 phát biểu khai mạc Tọa đàm

Tham dự Tọa đàm có PGS.TS. Nguyễn Đức Hạnh, Tổng Biên tập Tạp chí Kiểm sát; đồng chí Nguyễn Xuân Hưởng, Phó Vụ trưởng Vụ 14 VKSND tối cao; các đồng chí Phó Vụ trưởng Vụ 7: Đồng chí Phạm Văn An, Nguyễn Đăng Thắng, Phan Hải Đăng.

Đại biểu tham dự Tọa đàm tại Hà Nội
Đại biểu tham dự Tọa đàm tại thành phố Hồ Chí Minh

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Lại Viết Quang, Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao nhấn mạnh, thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh đem đến sự tiến bộ vượt bậc cho nhân loại nhưng đồng thời cũng tạo cơ hội cho tội phạm nảy sinh. Các vụ án mà hành vi phạm tội gắn với phương thức, thủ đoạn liên quan đến dữ liệu điện tử xảy ra ngày càng nhiều, với diễn biến phức tạp, mang tính chất nghiêm trọng và gây ra hậu quả đặc biệt lớn đối với kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước. Trên cơ sở hợp tác giữa VKSND tối cao và UNODC, Vụ 7 VKSND tối cao được giao chủ trì, phối hợp với cơ quan UNODC tại Việt Nam xây dựng Sổ tay chứng cứ điện tử dành cho Kiểm sát viên, với mục đích nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các Kiểm sát viên trong hoạt động thu thập, quản lý, sử dụng, đánh giá chứng cứ điện tử trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự. Tuy nhiên, sổ tay được biên soạn trong thời gian ngắn không tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót, bởi vậy, thông qua buổi Tọa đàm, VKSND tối cao mong nhận được những ý kiến đóng góp của các Kiểm sát viên có kinh nghiệm để hoàn thiện Sổ tay.

Tại buổi Toạ đàm, thay mặt Ban biên soạn Sổ tay, đồng chí Nguyễn Đăng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ 7 VKSND tối cao trình bày tóm tắt nội dung Sổ tay, trong đó nhấn mạnh một số nội dung quan trọng của Sổ tay liên quan đến nhận thức về chứng cứ điện tử, các kỹ năng khi khám nghiệm, thu giữ, bảo quản các chứng cứ điện tử và các nguyên tắc, cách thức trình bày chứng cứ điện tử tại phiên tòa.

Trên cơ sở nghiên cứu Sổ tay, các đại biểu từ VKSND các cấp đánh giá cao nội dung Sổ tay, hướng dẫn Kiểm sát viên các kỹ năng cần thiết trong quá trình thu thập, bảo quản, đánh giá, sử dụng, trình bày chứng cứ tại phiên tòa. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra các góp ý về hình thức và nội dung, góp phần hoàn thiện Sổ tay.

Các đại biểu thảo luận, góp ý tại Tọa đàm

Phát biểu kết thúc Tọa đàm, bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam tin tưởng với những kiến thức chuyên sâu, hướng dẫn cụ thể, chi tiết của Sổ tay cũng như sự góp ý tâm huyết từ các Kiểm sát viên giàu kinh nghiệm sẽ góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng thu thập, quản lý, sử dụng, đánh giá chứng cứ điện tử trong việc giải quyết các vụ án hình sự có liên quan đến tội phạm mạng, máy tính, công nghệ thông tin, truyền thông dành cho Kiểm sát viên các cấp. Thông qua Toạ đàm, Ban biên soạn Sổ tay sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, sớm hoàn thiện Sổ tay để có thêm nguồn tài liệu hữu ích cho việc giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến tội phạm mạng, máy tính, công nghệ thông tin và truyền thông. Cơ quan UNODC tại Việt Nam mong muốn có thể tiếp tục đồng hành cùng VKSND tối cao tổ chức các hoạt động nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao năng lực, kỹ năng của Kiểm sát viên trong việc thu thập, quản lý, đánh giá, sử dụng chứng cứ điện tử khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự .

Thanh Tú
Tìm kiếm