Ngày 17/12/2024, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) VKSND tối cao phối hợp với Phòng Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng - Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo góp ý, hoàn thiện “Báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi là bị can, bị cáo, bị hại trong các vụ án hình sự tại Việt Nam năm 2023”.
Đồng chí Trần Thị Quế Anh, Phó Cục trưởng Cục 2 VKSND tối cao và bà Nguyễn Thanh Trúc, Phó Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Quỹ Nhi đồng - Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Đại biểu VKSND tối cao tham dự Hội thảo có đại diện một số đơn vị: Văn phòng; Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2); Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13); Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Vụ 14).
Cùng dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Bộ Công an (V01); Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01); Vụ Tổng hợp Toà án nhân dân tối cao; Vụ Thống kê xã hội và môi trường, Tổng cục Thống kế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Thị Quế Anh, Phó Cục trưởng Cục 2 VKSND tối cao cho biết, tiếp tục thực hiện Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Dự án "Tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam" giai đoạn 2022-2026 do Quỹ Nhi đồng - Liên hợp quốc (UNICEF) hỗ trợ và Dự án “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ở Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ Australia hỗ trợ, nhằm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội và bị xâm hại phát triển một cách toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần... tạo cơ hội cho các em tái hòa nhập cộng đồng một cách thuận lợi nhất, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Trẻ em năm 2016, Công ước về Quyền trẻ em và các chuẩn mực quốc tế khác có liên quan...Thời gian qua, trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ thống kê tội phạm theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6, Điều 34 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Cục 2 VKSND tối cao đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức biên soạn "Báo cáo tình hình người dưới 18 tuổi là bị can, bị cáo, bị hại trong các vụ án hình sự tại Việt Nam năm 2023". Báo cáo được xây dựng dựa trên cơ sở tổng hợp số liệu thống kê từ các VKSND địa phương trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân và góp ý của các chuyên gia từ các cơ quan, đơn vị hữu quan thuộc các bộ, ngành...
Nội dung chính của Báo cáo đã cung cấp một bức tranh tổng thể về tình hình người dưới 18 tuổi là bị can, bị cáo, bị hại trong các vụ án hình sự, một số đặc điểm về nhân thân, cũng như về tình hình thụ lý, giải quyết của các cơ quan tố tụng hình sự tại Việt Nam năm 2023. Các số liệu được chia theo từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo từng chương và một số tội danh phổ biến mà người dưới 18 tuổi phạm tội và bị xâm hại theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015....
Đồng chí Phó Cục trưởng Cục 2 mong rằng Báo cáo sẽ là một nguồn thông tin, số liệu có giá trị trong nghiên cứu khoa học về tư pháp hình sự, nhất là tư pháp hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và bị xâm hại trong các vụ án hình sự năm 2023; từ đó làm cơ sở, giúp các cơ quan chức năng kịp thời đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước những quan điểm, giải pháp trong xây dựng, hoàn thiện, hoạch định chính sách pháp luật hình sự, nhất là chính sách đấu tranh, phòng chống, xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội; cũng như bảo vệ, tái hòa nhập cộng đồng đối với người dưới 18 tuổi tại Việt Nam bảo đảm khách quan, hiệu quả trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, đại biểu tham dự tập trung thảo luận, góp ý chuyên sâu một số nội dung: Xem xét, đánh giá các tiêu chí thống kê về người dưới 18 tuổi phạm tội và người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự để có những đề xuất, kiến nghị nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, khai thác, sử dụng; kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện cơ chế thu thập, quản lý, chia sẻ dữ liệu về người dưới 18 tuổi phạm tội và người dưới 18 tuổi là bị hại trong các vụ án hình sự; trao đổi để hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong việc xây dựng, chia sẻ dữ liệu quốc gia về người dưới 18 tuổi phạm tội và bị xâm hại trong các vụ án hình sự...