Với mục đích nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Tổng kết kinh nghiệm hướng dẫn đề án, luận án tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhằm nâng cao chất lượng đào tạo”.
Tọa đàm có sự góp mặt của các chuyên gia, nhà khoa học: GS.TS. Võ Khánh Vinh, PGS.TS Hồ Sỹ Sơn, PGS.TS Trần Văn Luyện, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa,… và các học viên, nghiên cứu sinh (NCS) đang theo học tại Trường. Tọa đàm được tổ chức với mong muốn nhận được ý kiến góp ý, trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, các giảng viên nhằm nâng cao chất lượng hướng dẫn đề án, luận án tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh: Trong đào tạo sau đại học, việc thực hiện luận văn, đề án của học viên, thực hiện luận án của nghiên cứu sinh có vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi vì đây là quá trình người học vận dụng các tri thức đã lĩnh hội được trong các học phần của chương trình đào tạo để sáng tạo tri thức mới, hình thành các năng lực, kỹ năng mới, đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Luận văn, đề án, luận án có chất lượng sẽ khẳng định chất lượng đào tạo và uy tín của cơ sở đào tạo. Trong thời gian qua, việc thực hiện luận văn, đề án, luận án tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nói riêng và các cơ sở đào tạo khác trong cả nước vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, nhất là việc thực hiện đề án tốt nghiệp đối với các chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ định hướng ứng dụng.
Tọa đàm khoa học đã được nghe GS.TS Võ Khánh Vinh tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo sau đại học, hướng dẫn luận văn, đề án, luận án tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và các cơ sở đào tạo luật học trong cả nước. Tọa đàm cũng nhận được nhiều ý kiến chia sẻ của các giảng viên trong, ngoài trường. Các ý kiến đều thống nhất cho rằng, để luận văn, đề án, luận án có chất lượng, bên cạnh tính chủ động trong việc lựa chọn vấn đề nghiên cứu, sự nỗ lực, cố gắng của người học, cần có sự tham gia của rất nhiều chủ thể, trong đó có vai trò của người hướng dẫn khoa học. Bên cạnh đó, học viên cần có phương pháp tiếp cận, triển khai nghiên cứu khoa học, có nguồn tài liệu phong phú và có kỹ năng khai thác, sử dụng nguồn tài liệu đó.
Tọa đàm đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề quan trọng về quan điểm, định hướng, phương pháp và cách thức triển khai hướng dẫn luận văn, đề án, luận án trong thời gian tới tại Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Đây là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao uy tín của Nhà trường trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Kiểm sát nhân dân và cho xã hội.