CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm việc với tỉnh Cao Bằng

11/07/2013
Cỡ chữ:   Tương phản
Chiều 9/7, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược CCTP đến năm 2020”...
Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương làm việc với tỉnh Cao Bằng
 
Chiều 9/7, Đoàn  công tác Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp (CCTP) Trung ương do đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Cải cách tư pháp (CCTP) tỉnh về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược CCTP đến năm 2020”.
 
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng,
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu tại buổi làm việc.
Dự buổi làm việc có các đồng chí: Hoàng Trung Phong, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lý Hải Hầu, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện một số sở, ngành liên quan.
Ngay sau khi Ban Chỉ đạo CCTP Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW,  triển khai thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược CCTP đến năm 2020”, tỉnh Cao Bằng đã khẩn trương kiện toàn Ban Chỉ đạo CCTP của tỉnh và các huyện, thành phố; chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 49 một cách nghiêm túc, kịp thời. Đến tháng 9/2006, 13/13  huyện, thành phố đã hoàn thành việc triển khai thực hiện Nghị quyết.
Qua 8 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 49, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan tư pháp và cán bộ tư pháp được phân định rõ ràng; tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn; cán bộ tư pháp, bổ trợ tư pháp được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao cả về trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Cơ chế kiểm tra, giám sát của các cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp được phát huy. Nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân được nâng lên, góp phần phát triển KT - XH, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội của tỉnh. 
Tuy nhiên, chất lượng công tác CCTP ở tỉnh chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của nhân dân; đội ngũ cán bộ tư pháp vẫn còn thiếu. Cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động, chính sách cán bộ của các cơ quan tư pháp còn những vấn đề chưa hợp lý…, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tố tụng. Công tác phòng ngừa tội phạm có lúc chưa được chú trọng đúng mức, chưa có cơ chế, giải pháp hữu hiệu nhằm phát huy sức mạnh và bảo vệ nhân dân trong việc phát hiện, tố giác tội phạm, do đó nhân dân chưa mạnh dạn tố giác tội phạm.
 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Phong phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Cao Bằng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị. Công tác CCTP của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, án tồn đọng giảm, các loại án được giải quyết đúng theo quy định của pháp luật. Đề nghị Ban CCTP tỉnh tiếp thu ý kiến đóng góp của các ban, ngành trung ương và thực hiện hiệu quả  các giải pháp khắc phục.
Đàm Liễu
Tìm kiếm