CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

HỘI THẢO QUỐC TẾ BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP

09/07/2013
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 08/7/2013, tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Chương trình hợp tác kỹ thuật về quyền con người Việt Nam - Australia thuộc Ủy ban nhân quyền Australia tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì hội thảo...
HỘI THẢO QUỐC TẾ BẢO ĐẢM QUYỀN CON NGƯỜI
TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP
 
 
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực
Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu chỉ đạo hội thảo
Ngày 08/7/2013, tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Chương trình hợp tác kỹ thuật về quyền con người Việt Nam - Australia thuộc Ủy ban nhân quyền Australia tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự và chủ trì hội thảo. Cùng dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Tư pháp, Văn phòng Luật sư Quang Minh Nam và một số đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Về phía Australia có bà Sarah Jane McGrath, Giám đốc Chương trình của Ủy ban nhân quyền Australia; ông Hon James Wood AO QC, Chủ tịch Ủy ban Cải cách pháp luật bang New South Wales; bà Kara Shead, Công tố viên cao cấp Viện công tố New South Wales tham dự hội thảo.
 
Bà Sarah Jane MrGrath, Giám đốc Chương trình của Ủy ban nhân quyền Australia phát biểu tại hội thảo
Theo các tham luận của đại biểu tại hội thảo, một trong những định hướng chủ đạo của cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay là hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự nhằm bảo đảm một cách đầy đủ và vững chắc các quyền con người theo hướng ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Nhu cầu này xuất phát từ tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng trên tất cả mọi lĩnh vực. Việc bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự không chỉ là mối quan tâm của từng quốc gia mà còn là vấn đề toàn cầu. Vì vậy, việc tìm kiếm những cơ sở pháp lý chung, những chuẩn mực pháp lý chung trong quá trình cải cách và hoàn thiện tố tụng hình sự là một việc làm cần thiết.
 
GS. TSKH. Đào Trí Úc, Chủ tịch Hội đồng ngành luật Đại học Quốc gia Hà Nội trình bày tham luận
Tại hội thảo, các chuyên gia của Việt Nam và Australia trình bày các tham luận về Luật tố tụng hình sự và vấn đề bảo đảm quyền con người trong tố tụng hình sự hai nước như: Luật Chứng cứ thống nhất và hệ thống tư pháp hình sự Australia; Quyền con người và quy trình truy tố của Australia; Tổ chức, chức năng của Viện Công tố New South Wales, quyền của nạn nhân và nhân chứng trong quá trình truy tố; Yêu cầu của pháp luật quốc tế và cải cách tư pháp ở Việt Nam đối với vấn đề bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự; Cải cách tư pháp ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với việc sửa đổi các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Cải cách tư pháp ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra đối với việc hoàn thiện chế định người bào chữa.
 
Ông Hon James Wood AO QC, Chủ tịch Ủy ban Cải cách pháp luật bang New South Wales trình bày tham luận
 
 
PGS. TS. Nguyễn Thái Phúc, Giám đốc Học viện Tư pháp trình bày tham luận
 
 
Bà Kara Shead, Công tố viên cao cấp Viện Công tố New South Wales trình bày tham luận
 
 
Toàn cảnh hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Viện trưởng Thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai cám ơn Chương trình Hợp tác kỹ thuật về quyền con người Việt Nam - Australia đã hỗ trợ để Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện thành công hội thảo; đánh giá cao tham luận của các chuyên gia quốc tế và Việt Nam về quyền con người trong tố tụng hình sự. Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực nhấn mạnh, Việt nam đang trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách toàn diện và sâu sắc trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; từ đổi mới cơ chế quản lý kinh tế đến cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp… Một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp được Đảng, Nhà nước Việt Nam đề ra và kiên trì thực hiện đó là bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tố tụng hình sự. Phó Viện trưởng Thường trực Hoàng Nghĩa Mai nêu rõ, tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và cải cách tư pháp giai đoạn hiện nay đang đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân như: Cần có cơ chế bảo đảm tốt hơn quyền của những người tham gia tố tụng, đặc biệt là cơ chế bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Luật sư tham gia tố tụng, thực hiện tranh tụng dân chủ tại phiên tòa; quy định hợp lý quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tố tụng trên cơ sở nhận thức đúng về các chức năng cơ bản của TTHS (chức năng buộc tội, chức năng bào chữa, chức năng xét xử) trong mô hình tố tụng nước ta. Giải quyết được những vấn đề nêu trên sẽ góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền tư pháp dân chủ, công bằng, nghiêm minh, bảo vệ công lý; tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan và người tiến hành tố tụng trong phát hiện, xử lý tội phạm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong tiến trình cải cách tư pháp của Việt Nam.
Trường Giang
Tìm kiếm