Ngày 25/9/2010, Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự Lễ gắn biển Phố mang tên đồng chí Trần Hữu Dực (nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giai đoạn từ năm 1976 – 1981) do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức. Cùng dự buổi Lễ có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, Nguyễn Dĩnh. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, học sinh, sinh viên các trường đóng trên địa bàn huyện Từ Liêm tham dự buổi Lễ.
Phố Trần Hữu Dực, đoạn từ đường Lê Đức Thọ đến Cung điền kinh Hà Nội, khu đô thị Mỹ Đình II, huyện Từ Liêm, Hà Nội, là một trong 03 tuyến phố do thành phố Hà Nội gắn biển đợt này...
LÃNH ĐẠO VKSND TỐI CAO DỰ LỄ
GẮN BIỂN PHỐ TRẦN HỮU DỰC
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng thường trực
VKSND tối cao phát biểu tại buổi Lễ
Ngày 25/9/2010, Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao dự Lễ gắn biển Phố mang tên đồng chí Trần Hữu Dực (nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, giai đoạn từ năm 1976 – 1981) do Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức. Cùng dự buổi Lễ có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, Nguyễn Dĩnh. Đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, học sinh, sinh viên các trường đóng trên địa bàn huyện Từ Liêm tham dự buổi Lễ.
Phố Trần Hữu Dực, đoạn từ đường Lê Đức Thọ đến Cung điền kinh Hà Nội, khu đô thị Mỹ Đình II, huyện Từ Liêm, Hà Nội, là một trong 03 tuyến phố do thành phố Hà Nội gắn biển đợt này. Đây là hoạt động văn hoá ý nghĩa trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, thể hiện tình cảm tri ân công lao của thế hệ hôm nay với các nhà yêu nước, nhà hoạt động cách mạng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước và Thủ đô Hà Nội.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao giới thiệu với bạn đọc toàn văn phát biểu của đồng chí Phó Viện trưởng thường trực Viện kiểm sát nhân dân tối cao Hoàng Nghĩa Mai và một số hình ảnh tại Lễ gắn biển phố mang tên đồng chí Trần Hữu Dực.
PHÁT BIỂU
CỦA LÃNH ĐẠO VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO TRONG
BUỔI LỄ GẮN BIỂN PHỐ MANG TÊN ĐỒNG CHÍ TRẦN HỮU DỰC
TẠI THỦĐÔ HÀ NỘI
(Ngày 25/9/2010)
_________
Kính thưa các vị đại biểu khách quý !
Thưa thân quyến gia đình đồng chí Trần Hữu Dực !
Thưa các đồng chí và các bạn !
Hôm nay, chúng ta tổ chức trọng thể Lễ gắn biển Phố mang tên đồng chí Trần Hữu Dực, người chiến sỹ trung kiên của Đảng, người lãnh đạo mẫu mực của ngành Kiểm sát nhân dân cho một đường phố của Thủ đô Hà Nội, đúng vào dịp cả nước tưng bừng các hoạt động kỷ niệm những sự kiện trọng đại về chính trị, lịch sử, văn hoá, hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam kỷ niệm 50 năm xây dựng và trưởng thành. Cho phép tôi thay mặt Ban Cán sự đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi lời cám ơn sâu sắc tới Thành uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố Hà Nội và huyện Từ Liêm đã tổ chức chu đáo sự kiện quan trọng này.
Kính thưa các đồng chí và các bạn!
Là nhà cách mạng lão thành với trên 60 năm tham gia hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Hữu Dực đã được Đảng, Nhà nước giao nhiều trọng trách quan trọng. Trong bất cứ hoàn cảnh, nhiệm vụ, cương vị công tác nào, đồng chí luôn một lòng vì sự nghiệp cách mạng, nêu cao truyền thống kiên cường của người đảng viên cộng sản; không quản ngại khó khăn, gian khổ, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta, đóng góp tích cực vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước.
Tháng 7/1976, tại kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa VI đồng chí Trần Hữu Dực được bầu cử chức vụ Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong điều kiện đất nước mới thống nhất, cả nước chung tay khắc phục những hậu quả nặng nề của gần 30 năm chiến tranh và tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Với cương là người vị đứng đầu ngành Kiểm sát, đồng chí đã lãnh đạo toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Trưởng thành từ phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, đồng chí luôn quán triệt và chỉ đạo ngành Kiểm sát nhân dân phải nắm vững, nâng cao tính Đảng, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đồng chí xác định: Để đảm bảo cho pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh, pháp chế xã hội chủ nghĩa được giữ vững là nhiệm vụ rộng lớn, đòi hỏi ngành Kiểm sát phải đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể và quần chúng nhân dân để hoàn thành nhiệm vụ.
Đồng chí Trần Hữu Dực luôn quan tâm, chỉ đạo công tác tổ chức cán bộ nhằm mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất đạo đức của ngành Kiểm sát nhân dân. Coi trọng chất lượng, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác. Đồng chí luôn nhắc nhở cán bộ lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp phải quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về kiện toàn tổ chức, cải tiến phương pháp, chế độ làm việc, thực hiện tốt quy hoạch tổ chức cán bộ, xây dựng bộ máy ngành Kiểm sát nhân dân đủ mạnh đểđáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Với phương châm: Nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức, năng lực của cán bộ theo kịp với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, đồng chí Trần Hữu Dực rất quan tâm về công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tinh thông về nghiệp vụ, vững vàng về chính trị, trong đó đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, Kiểm sát viên, tăng cường đoàn kết nội bộ xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh. Đồng chí chỉđạo trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát các cấp phải không ngừng học tập, rèn luyện, thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ kiểm sát: Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn.
Trong quan hệ đối ngoại, Viện trưởng Trần Hữu Dực luôn coi trọng và phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa Viện kiểm sát Việt nam với Viện kiểm sát nhiều nước trên thế giới, tăng cường quan hệ hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm của mỗi nước.
Giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1981, dưới sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Hữu Dực, ngành Kiểm sát nhân dân đã thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho; góp phần tích cực trong việc bảo vệ pháp chế, bảo vệ Đảng và thành quả cách mạng của đất nước. Đồng chí Trần Hữu Dực là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, về truyền thống nhân nghĩa, về đức tính thuỷ chung, lòng nhân ái, về tác phong giản dị, trung thực, khiêm tốn để mỗi chúng ta học tập.
Việc Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển đường phố mang tên đồng chí Trần Hữu Dực là sự ghi nhận công lao của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời cũng là vinh dự, là niềm tự hào của ngành Kiểm sát nhân dân. Tưởng nhớ công lao của đồng chí Trần Hữu Dực, người lãnh đạo của ngành Kiểm sát nhân dân, Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao và toàn thể cán bộ, công chức toàn Ngành nguyện tiếp tục phấn đấu, xây dựng, phát triển ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, trái tim của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chúng tôi cũng trân trọng đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm xây dựng phố Trần Hữu Dực trở thành tuyến phố sạch đẹp, văn minh tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội.
Xin kính chúc các đồng chí đại biểu cùng toàn thể các đồng chí và các bạn sức khoẻ, thành đạt.
Xin trân trọng cảm ơn!
Một số hình ảnh tại Lễ gắn biển phố Trần Hữu Dực:
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng thường trực
VKSND tối cao kéo băng biển phố mang tên đồng chí Trần Hữu Dực
Phố Trần Hữu Dực, Hà Nội
Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện trưởng thường trực
VKSND tối cao chụp ảnh lưu niệm với đại biểu tham dự buổi Lễ
Ban biên tập - ảnh: Trần Tùng