Ngày 24/11/2009, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khai mạc trọng thể Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc. Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đại diện các Bộ ngành Trung ương; dự Hội nghị có đại biểu là đại diện Đại sứ quán 10 nước ASEAN và Trung Quốc, cùng đại biểu 63 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân dân tối cao, lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp thứ hai.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trân trọng gửi tới bạn đọc toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị và bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Khai mạc Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6, Hà Nội, Việt Nam
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu chào mừng Hội nghị
Ngày 24/11/2009, Viện kiểm sát nhân dân tối cao khai mạc trọng thể Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc.Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Minh Triết, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, đồng chí Lê Hồng Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an và đại diện các Bộ ngành Trung ương; dự Hội nghị có đại biểu là đại diện Đại sứ quán 10 nước ASEAN và Trung Quốc, cùng đại biểu 63 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân dân tối cao, lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp thứ hai.
Trang tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao trân trọng gửi tới bạn đọc toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị và bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu
PHÁT BIỂU CỦA NGÀI NGUYỄN MINH TRIẾT, CHỦ TỊCH NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM TẠI HỘI NGHỊ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT, VIỆN TRƯỞNG VIỆN CÔNG TỐ CÁC NƯỚC ASEAN VÀ TRUNG QUỐC LẦN THỨ 6
Thưa các Quý vị đại biểu
Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6. Thay mặt Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi gửi tới các vị Trưởng đoàn và các vị khách quý lời chào mừng tốt đẹp nhất. Tôi tin tưởng rằng, đến dự Hội nghị này, các vị khách quý sẽ thật sự hài lòng về sự đón tiếp thân tình, cởi mở của nước chủ nhà Việt Nam.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có những thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp. Hợp tác nhằm đối phó với những thách thức của khủng hoảng kinh tế, những diễn biến bất thường của thiên tai, dịch bệnh, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, khủng bố, tội phạm ma túy đang là mối quan tâm của Chính phủ các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.
Xuất phát từ vị trí địa lý, quá trình lịch sử và nền văn hóa có nhiều điểm tương đồng, Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã cùng nhau xây đắp tình hữu nghị, quan hệ hợp tác truyền thống, và đang phấn đấu nâng mối quan hệ hợp tác này lên tầm cao mới, phát triển toàn diện trên tất cả các mặt, cả bề rộng và chiều sâu với tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau.
ASEAN ngày nay đã trở thành tổ chức hợp tác khu vực toàn diện, một thực thể chính trị, kinh tế, an ninh gắn kết và năng động; là nhân tố quan trọng hàng đầu đối với việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và hợp tác vì sự phát triển khu vực. Các nước thành viên của Hiệp hội đã thông qua Hiến chương ASEAN, đồng thời, Quốc hội của 10 nước trong Hiệp hội cũng đã phê chuẩn Hiến chương ASEAN, tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho việc hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Mối quan hệ ngày càng tốt đẹp giữa các nước ASEAN và Trung Quốc đã và đang tạo tiền đề thuận lợi cho hợp tác ngày càng phát triển. Việc tăng cường trao đổi kinh nghiệm, hợp tác về khoa học, giáo dục, lao động, bảo vệ môi trường, hoạt động tư pháp, chống tội phạm xuyên quốc gia là minh chứng sinh động về hiệu quả của sự liên kết, hợp tác song phương và đa phương giữa các nước này.
Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả của các cơ quan tư pháp ASEAN với Trung Quốc, trong đó có sáng kiến tổ chức Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Công tố trưởng cơ quan Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần đầu tiên vào năm 2004. Trải qua 5 kỳ hội nghị, các nước ASEAN và Trung Quốc tiếp tục đưa ra các sáng kiến mới nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, thực chất và hiệu quả giữa cơ quan Kiểm sát, cơ quan Công tố các nước.
Những thách thức, khó khăn trong quá trình toàn cầu hóa và những hệ quả trực tiếp của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là những nước nghèo, kém phát triển. Ở những nước đó, xuất hiện những nguy cơ đáng lo ngại như kinh tế suy giảm, tình trạng thất nghiệp gia tăng, phân hóa giàu nghèo ngày càng sâu sắc, giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống bị xáo trộn, tội phạm xuyên quốc gia diễn biến phức tạp. Trước thực trạng này đòi hỏi Chính phủ các nước phải tăng cường phối hợp khắc phục khủng hoảng kinh tế, chú trọng chính sách an ninh xã hội, quan tâm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan tư pháp, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, bảo vệ quyền tự do và dân chủ của công dân của mỗi nước.
Thưa quý vị đại biểu
Trong những thời điểm khó khăn đó, chúng ta đã đoàn kết, hợp tác cùng nhau phấn đấu vì lợi ích chung. Đến nay tình hình ở mỗi nước đều có những chuyển biến tích cực. Riêng Việt Nam, năm 2009 GDP tăng trưởng khoảng 5%, chính trị ổn định, hoạt động đối ngoại được tăng cường, đời sống nhân dân được đảm bảo. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tiến hành cải cách hoạt động tư pháp một cách thận trọng nhưng mạnh mẽ và đã thu được những kết quả bước đầu. Hệ thống pháp luật hình sự, dân sự, pháp luật tố tụng về tư pháp ngày càng hoàn thiện, hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp Việt Nam được đổi mới, trình độ nghiệp vụ cán bộ tư pháp ngày càng nâng cao, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp với các nước trong khu vực và trên thế giới tiếp tục được mở rộng.
Mới đây, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Tương trợ tư pháp và một số luật quan trọng khác trong hoạt động tư pháp. Các luật này nhanh chóng đi vào cuộc sống và trở thành cơ sở vững chắc cho các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và mở rộng quan hệ hợp tác giữa cơ quan tư pháp Việt Nam với cơ quan tư pháp các nước trong hoạt động đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong bộ máy các cơ quan nhà nước của Việt Nam. Trong tiến trình cải cách tư pháp, Viện kiểm sát Việt Nam đã có bước đổi mới về tổ chức bộ máy, chức năng và nhiệm vụ, góp phần nâng cao về năng lực, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm hình sự. Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Nhà nước Việt Nam giao trọng trách là cơ quan đầu mối trong việc chuẩn bị đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước, các tổ chức quốc tế; cơ quan đầu mối trong việc tiếp nhận và chuyển giao các yêu cầu về tương trợ tư pháp hình sự với các nước có liên quan.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị này với mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, hữu nghị, hiểu biết với cơ quan kiểm sát, cơ quan công tố các nước ASEAN và Trung Quốc. Hội nghị sẽ thảo luận sáng kiến mới trong phối hợp đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia trong tình hình hiện nay.
Nhân dịp này, tôi đề nghị lãnh đạo cơ quan Kiểm sát, Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc cần đa dạng hóa hình thức, nội dung trao đổi kinh nghiệm về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, xây dựng cơ chế tin cậy trong việc cung cấp và tiếp nhận thông tin về tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia giữa các nước.
Ngoài Hội nghị cấp cao thường niên, cơ quan Kiểm sát, cơ quan Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cụ thể nhằm giải quyết những yều cầu trước mắt cũng như đề ra chiến lược lâu dài. Thiết lập các cơ chế để nghiên cứu và dự báo dài hạn về diễn biến tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp phối hợp hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, các thỏa thuận song phương và đa phương.
Cơ quan Kiểm sát, cơ quan Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc tăng cường việc trao đổi đoàn công tác ở tất cả các cấp nhằm học tập, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng tổ chức bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo các chuyên gia giỏi trong lĩnh vực tư pháp quốc tế.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam phối hợp cùng cơ quan Kiểm sát, cơ quan Công tố ASEAN và Trung Quốc thường xuyên trao đổi kết quả nghiên cứu xây dựng pháp luật của mỗi nước để thu hẹp khoảng cách về những vấn đề còn khác nhau trong các khái niệm, nguyên tắc pháp luật nhằm đạt được sự thống nhất cao trong hoạt động tương trợ tư pháp quốc tế.
Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, Viện kiểm sát nói riêng; tạo mọi điều kiện để các cơ quan tư pháp thực hiện nghiêm túc các cam kết của Việt Nam với các nước trong lĩnh vực tư pháp. Viện kiểm sát tối cao Việt Nam chủ động tích cực tham gia vào các thể chế chung phối hợp giữa các nước trong đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm cao, sự hợp tác có trách nhiệm của các cơ quan Kiểm sát, cơ quan Công tố các nước tham gia Hội nghị này, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức, góp phần xây dựng khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng bền vững trong thế kỷ 21.
Chúc hội nghị thành công tốt đẹp.
Chúc Quý vị hạnh phúc.