Nhận lời mời của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và được sự đồng ý của Chủ tịch nước, từ ngày 20 đến ngày 27/07/2009, Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam do đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn đã đi thăm và làm việc tại Trung Quốc.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Trung Quốc, Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hội đàm với đồng chí Tào Kiến Minh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc; thăm và nghiên cứu về công tác đào tạo cán bộ tại Học viện Kiểm sát quốc gia ở Bắc Kinh; thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Kinh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thiểm Tây, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Đông và Viện kiểm sát nhân dân các thành phố Phật Sơn, Thâm Quyến, Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông.
BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI TRONG QUAN HỆ HỢP TÁC HỮU NGHỊ
GIỮA VKSNDTC VIỆT NAM VÀ VKSNDTC TRUNG QUỐC
Đồng chí Tào Kiến Minh, Viện trưởng VKSNDTC Trung Quốc
tiếp đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng VKSNDTC Việt Nam.
Nhận lời mời của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và được sự đồng ý của Chủ tịch nước, từ ngày 20 đến ngày 27/07/2009, Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam do đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn đã đi thăm và làm việc tại Trung Quốc.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Trung Quốc, Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hội đàm với đồng chí Tào Kiến Minh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc; thăm và nghiên cứu về công tác đào tạo cán bộ tại Học viện Kiểm sát quốc gia ở Bắc Kinh; thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Kinh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thiểm Tây, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Đông và Viện kiểm sát nhân dân các thành phố Phật Sơn, Thâm Quyến, Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông.
Chuyến thăm chính thức và làm việc tại Trung Quốc của Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam lần này nhằm củng cố và phát triển quan hệ hợp tác giữa Viện kiểm sát hai nước, trao đổi với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước Trung Quốc và ASEAN lần thứ 6 tại Việt Nam, trao đổi về việc hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cán bộ giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc.
Đồng chí Tào Kiến Minh, Viện trưởng VKSNDTC Trung Quốc
chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam.
Tại buổi hội đàm với đồng chí Tào Kiến Minh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc, đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã cảm ơn Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đón tiếp Đoàn nồng hậu, chân thành và thắm tình đoàn kết hữu nghị. Đồng chí Trần Quốc Vượng đã giới thiệu với đồng chí Tào Kiến Minh về tình hình và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm đổi mới, về kết quả thực hiện cải cách tư pháp ở Việt Nam, về chức năng, nhiệm vụ, kết quả hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam và nhấn mạnh việc tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam với Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc là nhu cầu khách quan trên nền tảng quan hệ hợp tác láng giềng hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc do hai Đảng, hai Nhà nước cùng nhân dân hai nước xây dựng và vun đắp từ nhiều năm qua. Từ khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ký Bản Thoả thuận hợp tác vào ngày 17/01/2000 tại thủđô Bắc Kinh, mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai ngành Kiểm sát được tăng cường và không ngừng phát triển. Thay mặt Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam, đồng chí Trần Quốc Vượng trân trọng cảm ơn Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc đã tạo điều kiện để nhiều Đoàn đại biểu của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam sang nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc.
Đồng chí Mộc Bình, Viện trưởng VKSND thành phố Bắc Kinh,
Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam.
Đồng chí Tào Kiến Minh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc đã nhiệt liệt chào mừng đồng chí Trần Quốc Vượng dẫn đầu Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam sang thăm Trung Quốc lần này. Đồng chí Tào Kiến Minh nói: "Cả đồng chí và đồng chí Trần Quốc Vượng đều được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhiệm kỳ này, tuy chưa gặp mặt nhưng có cảm giác rất gần gũi như anh em trong nhà, như đã có quan hệ thân thiết với nhau từ lâu. Trung Quốc và Việt Nam có rất nhiều nét tương đồng, truyền thống hữu nghị giữa hai nước được nhiều đời Lãnh đạo Đảng, Nhà nước của hai nước chăm lo vun đắp để phát triển, trong đó có quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các cơ quan tư pháp của hai nước, nhất là từ sau năm 1990 đến nay. Đồng chí Tào Kiến Minh cho rằng từ khi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước ký Bản Thoả thuận hợp tác thì quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam ngày càng phát triển. Việc cử các Đoàn qua lại thăm, học tập kinh nghiệm lẫn nhau và tôn trọng, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực đã khẳng định điều đó. Việc Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đăng cai Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước Trung Quốc và ASEAN lần thứ 6 là biểu hiện cụ thể của việc duy trì, phát triển quan hệ hợp tác giữa hai ngành Kiểm sát hai nước nói riêng và quan hệ hợp tác giữa các Viện kiểm sát, Viện Công tố trong khu vực nói chung".
Đồng chí Tào Kiến Minh thông báo với Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam về Kế hoạch 5 năm cải cách tư pháp ở Trung Quốc với mục tiêu xây dựng các cơ quan tư pháp đạt ba yêu cầu "công bằng, quyền uy và hiệu quả cao" để duy trì một nền tư pháp mạnh và dân chủ. Trong kế hoạch cải cách tư pháp, Trung Quốc không né tránh khuyết điểm và chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác với các cơ quan tư pháp của các nước.
Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc được tổ chức ở 4 cấp: Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Viện kiểm sát nhân dân cấp Châu (gồm một số huyện trong khu vực), Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện và Viện kiểm sát nhân dân cấp Khu của thành phố thuộc tỉnh). Viện kiểm sát nhân dân Trung Quốc được giao nhiệm vụ điều tra các vụ án tham nhũng và tội phạm chức vụ, do loại tội phạm này xẩy ra trong lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội, Viện kiểm sát có chức năng giám sát việc tuân theo pháp luật nên thực hiện nhiệm vụ này sẽ có kết quả tốt hơn.
Đồng chí Thạch Thiếu Hiệp, Giám đốc Học viện Kiểm sát quốc gia thuộc VKSNDTC Trung Quốc
chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam.
Tại buổi thăm và làm việc với Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc, Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã nghe đồng chí Thạch Thiếu Hiệp, Giám đốc Học viện giới thiệu về chủ trương và quy mô đào tạo cán bộ tại Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc. Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc có 2 cơ sở và 25 Phân viện ở các tỉnh, thành phố. Hai cơ sở Học viện Kiểm sát quốc gia ở Trung ương do Viện kiểm sát nhân dân tối cao trực tiếp chỉđạo; còn 25 Phân viện ở các tỉnh, thành phố do Học viện Kiểm sát quốc gia chỉ đạo nội dung, các Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố có Phân viện đóng trụ sở trực tiếp quản lý về mọi mặt. Cơ sở thứ nhất Học viện Kiểm sát quốc gia được xây dựng từ những năm 90 với diện tích trên 40.000 m2 nhưng đến nay không đủ điều kiện đáp ứng các yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Kiểm sát; vì vậy Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hơn 500 triệu nhân dân tệ cho việc xây dựng cơ sở thứ hai của Học viện Kiểm sát quốc gia và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2010. Cơ sở vật chất của Học viện Kiểm sát quốc gia và các Phân viện được đầu tư, trang bị khá hiện đại, từ các giảng đường, hội trường để tổ chức các cuộc tập huấn nghiệp vụ đều có thiết bị nghe nhìn, hệ thống thiết bị công nghệ thông tin hiện đại và đầy đủ. Học viện Kiểm sát quốc gia và các Phân viện đều có Trung tâm nghiên cứu khoa học nghiệp vụ, có khu thể thao giải trí cho giáo viên và học viên với tiêu chuẩn quốc tế. Các phòng nghỉ cho học viên được đầu tư trang bị theo tiêu chuẩn khách sạn 3 sao trở lên. Toàn bộ chi phí cho đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và chi phí cho học viên khi về học tại Học viện Kiểm sát quốc gia và các Phân viện đều do ngân sách Nhà nước đài thọ. Đồng chí Giám đốc Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc cho biết, sau cải cách tư pháp năm 2001, Trung Quốc quy định những người muốn vào làm việc tại Viện kiểm sát, Toà án, cơ quan tư pháp và làm Luật sư thì phải qua kỳ thi tư pháp toàn quốc. Đối tượng dự thi là những người đã tốt nghiệp Đại học Luật và các Đại học khác, trong đó có cả những người có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ. Những người dự thi phải thi các môn: Luật Hình sự, Luật tố tụng hình sự, Luật Thương mại, Lý luận tổng hợp và Phân tích án lệ. Quốc hội Trung Quốc đã giao cho Bộ Tư pháp đứng ra tổ chức cuộc thi này có sự phối hợp, hỗ trợ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao; Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm ra đề thi, chấm thi và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp kỳ thi tư pháp quốc gia cho những người trúng tuyển.
Đồng chí Hồ Thái Bình, VKSNDTC tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc
chụp ảnh lưu niệm với Đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam.
Căn cứ vào kết quả kỳ thi tư pháp toàn quốc, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao tuyển chọn người vào Ngành đểđưa đi đào tạo nghiệp vụ kiểm sát tại Học viện Kiểm sát quốc gia từ 3 tháng trở lên do Viện kiểm sát nhân dân tối cao quản lý (Ngành Toà án đưa đi đào tạo nghiệp vụ toà án tại Học viện Thẩm phán quốc gia do Toà án nhân dân tối cao quản lý, Hội Luật gia tổ chức thực tập cho các Luật sư tương lai tại các Trường của Hội Luật gia). Các học viên của các lớp đào tạo nghiệp vụ kiểm sát tại Học viện Kiểm sát quốc gia và các Phân viện sẽđược học tập và nghiên cứu về lý luận, nghiệp vụ kiểm sát (nghiệp vụ công tố, điều tra tội phạm chức vụ, kiểm sát hình sự, kiểm sát dân sự, phòng chống tội phạm...).
Hiện nay Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc được giao 3 nhiệm vụ chủ yếu là: Đào tạo nghiệp vụ kiểm sát cho những người tốt nghiệp kỳ thi tư pháp quốc gia được tuyển vào Viện kiểm sát, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Kiểm sát viên của toàn Ngành và bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cho Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp. Với các chương trình đào tạo trên và với quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc là các cán bộ Kiểm sát nếu chưa qua đào tạo thì không được bổ nhiệm, không được thăng chức, nên trong 5 năm tới, Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc phải đào tạo cho 240.000 cán bộ Kiểm sát toàn quốc.
Trong thời gian 18 tháng tới đây, Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc tiến hành bồi dưỡng nghiệp vụ cho 3.000 Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện (mỗi lớp trong thời gian 10 ngày). Các Viện trưởng Viện kiểm sát cấp huyện sẽđược bồi dưỡng nghiệp vụ với các chuyên đề như: Tính đặc thù của Viện kiểm sát cấp huyện; mô hình phát triển của Viện kiểm sát Trung Quốc; các kiến thức mới về cải cách tư pháp; việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà các Kiểm sát viên thường gặp; kinh nghiệm xử lý các sự kiện đột biến, khủng hoảng; việc xử lý các thông tin do cơ quan thông tin đại chúng nêu có liên quan đến trách nhiệm của Viện kiểm sát; kinh nghiệm làm việc với các cơ quan báo chí.v.v.
Hiện nay, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát Trung Quốc có 4 bậc: Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp Châu và Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Các Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới muốn được thăng cấp thành Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp trên phải qua chương trình đào tạo 2 tháng tại Học viện Kiểm sát quốc gia. Trong ngành Kiểm sát Trung Quốc, việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại Học viện Kiểm sát quốc gia được thực hiện theo phương châm lấy Kiểm sát viên đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Kiểm sát viên; vì vậy các giảng viên của Học viện Kiểm sát quốc gia và các Phân viện đều được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên nếu đủ tiêu chuẩn Kiểm sát viên theo quy định. Với quy định này, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc tuyển chọn lực lượng giảng viên rất kỹ càng và đã xây dựng, ổn định được đội ngũ giảng viên có chất lượng tốt tại Học viện Kiểm sát quốc gia và các Phân viện. Hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc thực hiện việc luân chuyển các giảng viên về làm Kiểm sát viên ở các Viện kiểm sát địa phương để có kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời tuyển chọn Kiểm sát viên ở các Viện kiểm sát địa phương có khả năng làm công tác giảng dạy về Học viện Kiểm sát quốc gia và các Phân viện làm giảng viên.
Học viện kiểm sát quốc gia Trung Quốc có quan hệ hợp tác về đào tạo cán bộ với nhiều Viện kiểm sát, Cơ quan Công tố các nước trên thế giới như: Pháp, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ôt-xtơ-rây-lia, Ca-na-đa... Đồng chí Giám đốc Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc hy vọng trong thời gian tới có sự hợp tác về đào tạo với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá cao về kinh nghiệm và kết quả đào tạo của Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc, nhất trí chủ trương tăng cường hợp tác đào tạo cán bộ giữa ngành Kiểm sát của hai nước và đề nghị Học viện Kiểm sát quốc gia Trung Quốc tạo điều kiện giúp đỡ Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam trong công tác đào tạo cán bộ.
Đồng chí Trịnh Hồng, Viện trưởng và đồng chí Đồng Uẩn,
Phó VKSND tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc chụp ảnh lưu niệm
với Đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam.
Trong các chương trình đến thăm và làm việc với Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Kinh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thiểm Tây, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Đông và Viện kiểm sát nhân dân các thành phố Phật Sơn, Thâm Quyến, Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông; Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã được Lãnh đạo Viện kiểm sát các địa phương nói trên đón tiếp trang trọng, thắm tình đoàn kết hữu nghị.
Đồng chí Mộc Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Kinhđã báo cáo với đồng chí Trần Quốc Vượng cùng Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát địa phương và cho rằng quan hệ hợp tác giữa Viện kiểm sát Trung Quốc và Viện kiểm sát Việt Nam là quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt; được Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước quan tâm, do đó cần có sự hợp tác có hiệu quả giữa các Viện kiểm sát địa phương của hai nước với nhau.
Đồng chí Hồ Thái Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thiểm Tây đã đã báo cáo với đồng chí Trần Quốc Vượng cùng Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát địa phương. Theo đồng chí Hồ Thái Bình, Thiểm Tây là vùng đất ở Tây Bắc Trung Quốc, trong các thời đại phong kiến trước đây, Thiểm Tây được 13 triều đại phong kiến chọn làm kinh đô trong đó có các triều đại nhà Tần, Nhà Đường, nhà Minh, nhà Hán... dưới lòng đất Thiểm Tây có 73 vị Hoàng đế của các triều đại phong kiên Trung Quốc an nghỉ. Thiểm Tây hiện nay có 110 trường Đại học và gần 60 trường Trung học với hơn 1 triệu học sinh theo học tại các trường này. Kinh tế Thiểm Tây phát triển mạnh với tốc độ tăng trưởng trên 11%, GDP năm 2008 của Thiểm Tây là 600 tỷ nhân dân tệ. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thiểm Tây có 260 cán bộở cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và trên 6.600 cán bộở 122 Viện kiểm sát cơ sở (gồm 10 Viện kiểm sát thành phố thuộc tỉnh, 1 Viện kiểm sát cấp Châu, 107 Viện kiểm sát cấp huyện, 2 Viện kiểm sát chuyên môn và 2 Cơ quan kiểm sát biệt phái tại Trại giam). Đồng chí Hồ Thái Bình mong muốn được đón tiếp nhiều Đoàn cán bộ Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam sang thăm tỉnh Thiểm Tây và thành phố Tây An.
Đồng chí Trịnh Hồng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Đông rất vui mừng khi được đón tiếp và gặp lại các đồng chí Việt Nam trong Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam thăm Quảng Đông lần này. Từ năm 2005 đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Đông đã đón tiếp 7 Đoàn đại biểu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam sang thăm và làm việc tại Quảng Đông. Theo đồng chí Trịnh Hồng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Đông có 155 Viện kiểm sát cơ sở (gồm 22 Viện kiểm sát nhân dân cấp thành phố thuộc tỉnh và 133 Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện). Toàn ngành Kiểm sát Quảng Đông có hơn 12.000 cán bộ. Sau 30 năm phục hồi Viện kiểm sát (từ sau cách mạng văn hoá ở Trung Quốc), Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Đông đã phát triển về mọi mặt và là nơi đầu tiên thí điểm tổ chức Cục chống tham nhũng và Trung tâm tin báo tội phạm trong bộ máy của Viện kiểm sát, kinh nghiệm đó hiện nay được áp dụng trong tất cả các Viện kiểm sát địa phương của Trung Quốc. Đồng chí Trịnh Hồng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao hai nước tăng cường hợp tác với nhau trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia và trong công tác đào tạo cán bộ; đồng thời tạo điều kiện để các Viện kiểm sát địa phương của hai nước phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với nhau.
Đoàn đại biểu VKSNDTC Việt Nam làm việc với Ban Giám đốc
Học viện Kiểm sát quốc gia thuộc VKSNDTC Trung Quốc.
Tại ba thành phố Phật Sơn, Thâm Quyến và Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông; các đồng chí: Liêu Đông Minh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Phật Sơn, Bạch Tân Triều, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thâm Quyến, Vương Phúc Thành, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Quảng Châu đã đón tiếp, chiêu đãi Đoàn trọng thị và báo cáo với đồng chí Trần Quốc Vượng cùng Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam về tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát địa phương.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Trung Quốc, Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam được Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát địa phương của Trung Quốc đón tiếp rất trọng thị, thể hiện quan hệ truyền thống hữu nghị tốt đẹp giữa hai ngành Kiểm sát của hai nước. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã mời đồng chí Tào Kiến Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc sang thăm Việt Nam và dự Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước Trung Quốc và ASEAN lần thứ 6 tại Việt Nam. Đồng chí Tào Kiến Minh khẳng định sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc sang dự Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước Trung Quốc và ASEAN lần thứ 6 tại Việt Nam và hy vọng có thể đến thăm các Viện kiểm sát địa phương của Việt Nam.
Đồng chí Vương Phúc Thành, Viện trưởng VKSND thành phố
Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc tiếp đồng chí
Trần Quốc Vượng, Viện trưởng VKSNDTC Việt Nam.
Trong thời gian thăm và làm việc tại Trung Quốc, Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao được sự giúp đỡ, phối hợp tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh và Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu;các thành viên của Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam giữ được đúng nguyên tắc trong quan hệ quốc tế và thể hiện tình cảm hữu nghị với bạn.
Chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc của Đoàn đại biểu Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc.
Lại Hợp Việt
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, VKSNDTC