Theo báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng, quán triệt và thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2008, ngành Kiểm sát đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết đấu tranh, xử lý các hành vi phạm tội; phối hợp thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
THÁO GỠ VƯỚNG MẮC, NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP
(Đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
trình bày báo cáo tại kỳ họp)
Chiều ngày 23/10, tại phiên họp QH ở hội trường, các cơ quan thuộc lĩnh vực tư pháp đã lần lượt báo cáo công tác năm 2008 và nhiệm vụ năm 2009. Để có thể thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu đề ra, nhiều kiến nghị đã được nêu lên.
Theo báo cáo của Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng, quán triệt và thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết về phát triển kinh tế – xã hội, Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2008, ngành Kiểm sát đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp, cải cách hành chính; phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật kiên quyết đấu tranh, xử lý các hành vi phạm tội; phối hợp thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần thực hiện chủ trương của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Ngay từ đầu năm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng có biện pháp khắc phục tình trạng bỏ lọt tội phạm, hạn chế xảy ra oan, sai; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong các lĩnh vực kinh tế -xã hội; nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên toà; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực trong công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, vụ án hành chính; kiểm sát thi hành án. Phối hợp với các cơ quan tư pháp giải quyết kịp thời những bức xúc của người dân đối với các phán quyết của cơ quan tư pháp không có căn cứ, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hình sự, dân sự và thi hành án.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Viện kiểm sát các địa phương tập trung sơ kết các chuyên đề rút kinh nghiệm các vụ án, bị can đã đình chỉ điều tra do không phạm tội; các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; các vụ án bị tuyên huỷ để điều tra, xét xử lại và các bị cáo Toà án tuyên không phạm tội trong các giai đoạn xét xử; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự; đánh giá chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đẩy mạnh việc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho các Kiểm sát viên trong công tác đấu tranh với tội phạm có tổ chức, tội phạm lợi dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao hiệu quả công tác trong năm và những năm tiếp theo. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về áp dụng các biện pháp kiềm chế lạm phát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm đầu cơ, buôn lậu, trốn thuế. Viện kiểm sát các cấp tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan trong công tác đấu tranh phòng, chống việc lợi dụng sự biến động của thị trường tài chính, giá cả để đầu cơ, trục lợi, buôn lậu, trốn thuế, sử dụng những thành tựu công nghệ cao để phạm tội.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo tiếp tục triển khai cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, mở cuộc vận động lớn trong toàn Ngành để tuyển chọn những Kiểm sát viên tiêu biểu và tổ chức Hội nghị Kiểm sát viên tiêu biểu lần thứ nhất nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân; chỉ đạo Viện kiểm sát thành phố Hà Nội và Viện kiểm sát các địa phương kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, ổn định điều kiện làm việc của cơ quan, đơn vị do chia tách hoặc thành lập mới khi điều chỉnh địa giới hành chính; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, đáp ứng kịp với yêu cầu cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế; kiên quyết xử lý những cán bộ vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng đề nghị sửa đổi một số quy định pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại theo hướng quy định rõ thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn và các điều kiện cần thiết để có thể thực hiện tốt chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực này. Quy định chặt chẽ thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, tránh tình trạng coi giám đốc thẩm, tái thẩm như một cấp xét xử. Đặc biệt là người dân không chấp nhận văn bản giải quyết khiếu nại cuối cùng trong khi pháp luật chưa có quy định về vấn đề này. Trên cơ sở tổng kết vấn đề bồi thường theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm sửa đổi, bổ sung những bất hợp lý về cơ chế bồi thường, có hướng dẫn khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại và bồi thường thiệt hại trong tố tụng dân sự cùng lĩnh vực khác; trách nhiệm cụ thể bồi thường do người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra. Quan tâm hơn nữa đến tổ chức bộ máy làm công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cả về số lượng và chất lượng, có chế độ đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ làm công tác này.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao-Trương Hòa Bình kiến nghị: Hiện nay khối lượng công việc của Tòa án đang trong tình trạng quá tải, sẽ sớm trình đề án đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tách Tòa dân sự thành Tòa dân sự và Tòa giải quyết các tranh chấp về đất đai. Như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong giải quyết các yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án dân sự. Những năm gần đây, số lượng các vụ án tăng, tính chất ngày càng phức tạp, áp lực công việc lớn, trong khi Tòa án phải triển khai nhiều nhiệm vụ về cải cách tư pháp. Vì vậy Tòa án đang xây dựng đề án biên chế cán bộ trong tình hình mới. Những hạn chế, bất cập về chế độ, chính sách đặc biệt là tiền lương cùng điều kiện sinh hoạt, làm việc còn thiếu thốn nên gặp khó khăn, vướng mắc trong tuyển dụng cán bộ, tạo nguồn bổ nhiệm Thẩm phán và quản lý, giáo dục cán bộ trong ngành. Hoạt động của Tòa án mang tính đặc thù nhưng kinh phí chi thường xuyên chỉ như các cơ quan hành chính. Do đó cần sớm nghiên cứu, sửa đổi định mức chi phí thường xuyên cho các tòa án cũng như xây dựng quy hoạch cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị Quốc hội chấp thuận việc thí điểm xã hội hóa công tác thi hành án dân sự; miễn thi hành đối với các khoản thu cho ngân sách không quá 500.000 đồng. Quốc hội chỉ đạo xây dựng, ban hành Luật Thi hành án dân sự và Luật Thi hành án hình sự đúng tiến độ; sửa đổi Bộ Luật hình sự theo hướng điều chỉnh chính sách hình sự: giảm hình phạt tử hình, giảm hình phạt tù và mức hình phạt tù đối với một số loại phạm tội, tăng việc áp dụng các hình phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền… Quan tâm đầu tư ngân sách, tập trung xây dựng trụ sở, kho vật chứng và ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng, cải tạo các trại giam, tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở dạy nghề trong trại giam, góp phần giải quyết những khó khăn về cơ sở giam giữ và dạy nghề cho phạm nhân.
H.Long