CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hoạt động của Tiến sỹ Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng VKSNDTC tại Nhật Bản

25/10/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
Nhận lời mời của Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Pháp luật, Bộ Tư pháp Nhật Bản, từ ngày 30/9 đến 09/10/2008, Tiến sỹ Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã thực hiện chuyến công tác tại Nhật Bản. Trong thời gian tại Nhật Bản, Tiến sỹ Khuất Văn Nga đã tiếp kiến Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện Công tố tối cao Nhật Bản và có các buổi làm việc với lãnh đạo của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Pháp luật, Vụ Pháp luật Hình sự, Cơ quan Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; Viện Công tố khu vực Tokyo, Viện Công tố cấp cao Osaka, Viện Công tố khu vực Osaka, các giáo sư, nhà nghiên cứu pháp luật và đại diện Bộ Ngoại giao, cơ quan truyền thông Nhà nước của Nhật Bản.
Hoạt động của Tiến sỹ Khuất Văn Nga,
Phó Viện trưởng VKSNDTC tại Nhật Bản
 
 
(Tiến sỹ Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng VKSNDTC Việt Nam
và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản ngài EISVKE MoRi tại Tôkyô - Nhật Bản)
Nhận lời mời của Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Pháp luật, Bộ Tư pháp Nhật Bản, từ ngày 30/9 đến 09/10/2008, Tiến sỹ Khuất Văn Nga, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đã thực hiện chuyến công tác tại Nhật Bản. Trong thời gian tại Nhật Bản, Tiến sỹ Khuất Văn Nga đã tiếp kiến Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Viện trưởng Viện Công tố tối cao Nhật Bản và có các buổi làm việc với lãnh đạo của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Pháp luật, Vụ Pháp luật Hình sự, Cơ quan Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; Viện Công tố khu vực Tokyo, Viện Công tố cấp cao Osaka, Viện Công tố khu vực Osaka, các giáo sư, nhà nghiên cứu pháp luật và đại diện Bộ Ngoại giao, cơ quan truyền thông Nhà nước của Nhật Bản.
Chương trình làm việc của Tiến sỹ Khuất Văn Nga tập trung vào ba nội dung chính sau: Giới thiệu cho các quan chức và các chuyên gia Nhật Bản về những nội dung cơ bản, quan trọng trong cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp ở Việt Nam; Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp của Nhật Bản; Bàn thảo các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực pháp luật giữa VKSNDTC Việt Nam và các cơ quan tư pháp Nhật Bản.
Trong các ngày 2/10/2008 tại trụ sở Viện Công tố tối cao Nhật Bản tại Tokyo và ngày 7/10/2008 tại trụ sở Viện Công tố cấp cao khu vực Osaka, Tiến sỹ Khuất Văn Nga đã có hai bài trình bày với các chủ đề “Những thay đổi lớn của cải cách tư pháp Việt Nam trong 20 năm đổi mới và tổ chức, hoạt động của Viện kiểm sát trong thời kỳ đó và sau năm 2010” và “Một số vấn đề cơ bản của cải cách tư pháp liên quan đến hệ thống tố tụng hình sự Việt Nam” trước cử tọa gồm 100 khách mời là các quan chức cao cấp của ngành Tư pháp Nhật Bản bao gồm cả Viện trưởng Viện Công tố tối cao, đại diện Ủy ban Cải cách tư pháp của Nội các, thẩm phán, công tố viên, các giáo sư đại học, chuyên gia nghiên cứu pháp luật có uy tín của Nhật Bản. Trong phần thuyết trình của mình, Tiến sỹ Khuất Văn Nga đã đề cập đến một loạt vấn đề liên quan đến cải cách tư pháp ở Việt Nam bao gồm, bối cảnh kinh tế-xã hội tạo tiền đề cho cải cách tư pháp và những thành quả Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực xây dựng pháp luật sau 20 năm đổi mới đất nước; giới thiệu về hệ thống Viện kiểm sát và định hướng cho việc hoàn thiện Viện kiểm sát trong thời gian tới; giới thiệu về hệ thống luật tố tụng hình sự, những cải cách trong luật tố tụng hình sự và định hướng cho việc sửa đổi Bộ luật Tố tụng Hình sự áp dụng sau năm 2010. Ngoài ra, theo yêu cầu của phía Nhật Bản, Tiến sỹ Khuất Văn Nga đã trình bày sâu về thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường dân sự cùng với việc giải quyết vụ án hình sự và cơ chế xét xử với Hội thẩm nhân dân ở Việt Nam. Trong phần giải đáp sau khi trình bày, nhiều câu hỏi của các chuyên gia Nhật Bản về các vấn đề pháp luật chung của Việt Nam liên quan đến chính sách hình sự; vấn đề bồi thường cho người bị oan trong tố tụng hình sự; thẩm quyền, chức năng của Viện Kiểm sát trong điều tra hình sự, trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; vấn đề tăng cường tranh tụng trong phiên tòa hình sự…cũng như một số thắc mắc về những trường hợp cụ thể liên quan đến chính sách pháp luật của Việt Nam đối với việc đình công tại các nhà máy liên doanh, việc trốn ở lại nước ngoài của người lao động, tu nghiệp sinh Việt Nam… cũng đã được Tiến sỹ Khuất Văn Nga phân tích và trả lời thấu đáo. 
Toàn bộ bài trình bày của Tiến sỹ Khuất Văn Nga sẽ được công bố tại Tạp chí chuyên khảo của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Pháp luật, Bộ Tư pháp Nhật Bản. Nghiên cứu cho thấy cải cách tư pháp ở Nhật Bản đã bắt đầu từ những năm 1990, khi nước Nhật lâm vào cuộc suy thoái kinh tế. Cuộc cải cách tư pháp lần thứ ba này được tiến hành đồng bộ với những cải cách hành chính, cải cách kinh tế và tập trung vào ba lĩnh vực chính là tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động tố tụng, rút ngắn thời hạn xét xử các vụ án hình sự, dân sự và tăng cường số lượng cán bộ tư pháp. Với mục tiêu xây dựng một nền tư pháp hiệu quả và thân thiện hơn với người sử dụng, điểm nhấn trong cải cách tư pháp của Nhật Bản là thực hiện thủ tục xét xử có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân đối với những vụ án nghiêm trọng và áp dụng thủ tục giải quyết vấn đề dân sự cùng với việc giải quyết vụ án hình sự, khuyến khích sự tham gia của người bị hại trong thủ tục tố tụng. Đáng chú ý, việc áp dụng hệ thống xét xử mới (từ tháng 5/2009) sẽ làm thay đổi căn bản tính chất của việc xét xử hình sự ở Nhật Bản, vốn bị coi là kéo quá dài, phức tạp và vẫn dựa nhiều vào chứng cứ tại hồ sơ tài liệu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hội thẩm tham gia xét xử và giảm tải cho các cơ quan tư pháp, các nhà cải cách đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm rút ngắn thời gian xét xử và làm cho việc xét xử được tập trung, đơn giản hơn như ban hành Luật về đẩy nhanh thời gian xét xử (2004) quy định thời hạn xét xử sơ thẩm không được quá 2 năm, xét xử liên tục; áp dụng thủ tục xét xử tuyên án ngay đối với những vụ án ít nghiêm trọng (2006); và áp dụng thủ tục “sắp xếp trước khi xét xử” (2005) nhằm giản lược các vấn đề được đưa ra xem xét tại phiên tòa. Thủ tục xét xử mới đã đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan tư pháp. Trước tình hình đó, Viện Công tố Nhật Bản đã chủ động có những biện pháp chuẩn bị kỹ từ khâu điều tra, chuẩn bị xét xử và đặc biệt là kỹ năng trình bày của Công tố viên trước phiên tòa.
Những ý tưởng và cách thức tổ chức thực hiện các nội dung của cải cách tư pháp ở Nhật Bản là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam.        Trao đổi với Tiến sỹ Khuất Văn Nga, lãnh đạo cấp cao các cơ quan tư pháp Nhật Bản đều đánh giá cao hiệu quả mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan tư pháp Nhật Bản với VKSNDTC Việt Nam thông qua chương trình trao đổi chuyên gia và các hoạt động của dự án JICA và khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác. Trong thời gian tới, hai bên sẽ phối hợp để thiết kế các chương trình hợp tác phù hợp với điều kiện thực tế của mình, tập trung vào hỗ trợ việc xây dựng Bộ luật Tố tụng Hình sự sửa đổi của Việt Nam. Ngoài ra, phía Nhật cũng mong muốn có được sự hợp tác đầy đủ và hiệu quả của VKSNDTC Việt Nam trong việc thực hiện các ủy thác tương trợ tư pháp về hình sự thuộc thẩm quyền của VKSNDTC.
Kết thúc chuyến nghiên cứu, trong bài trả lời phỏng vấn của Đài truyền hình Trung ương Nhật Bản NHK được phát sóng trong chương trình thời sự ngày 07/10/2008, Tiến sỹ Khuất Văn Nga đã đánh giá cao sự giúp đỡ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước và kết quả hợp tác giữa các cơ quan tư pháp hai nước trong việc xây dựng pháp luật và đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam thời gian vừa qua. Ca ngợi tinh thần sáng tạo, kinh nghiệm chuyên môn và tác phong làm việc nghiêm túc, tỷ mỷ của các chuyên gia Nhật Bản, Tiến sỹ Khuất Văn Nga cũng đồng thời khẳng định mong muốn của phía Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với Nhật Bản trong tương lai trên cơ sở quan hệ đối tác chiến lược đã được hai Nhà nước xác định.
Tin và ảnh: PV     
 
 
 
 
Tìm kiếm