CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng: “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất coi trọng vai trò của Kiểm sát viên”

20/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng khẳng định như vậy tại hội thảo tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Kiểm sát viên (KSV) VKSND (2002 - 2007). Hội thảo này do VKSNDTC phối hợp với dự án DANIDA tổ chức tại Quảng Ninh trong các ngày 16 và 17/8/2008. Cùng dự và chỉ đạo hội thảo với Viện trưởng Trần Quốc Vượng có Phó Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKS Quân sự Trung ương Trần Phước Tới. Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (VKSNDTC) Dương Xuân Khính cho biết, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh KSV VKSNDTC ngày 4/10/2002 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát.
Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng:
“Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất coi trọng vai trò của Kiểm sát viên”
 
 
 

Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng khẳng định như vậy tại hội thảo tổng kết 5 năm thi hành Pháp lệnh Kiểm sát viên (KSV) VKSND (2002 - 2007). Hội thảo này do VKSNDTC phối hợp với dự án DANIDA tổ chức tại Quảng Ninh trong các ngày 16 và 17/8/2008. Cùng dự và chỉ đạo hội thảo với Viện trưởng Trần Quốc Vượng có Phó Viện trưởng VKSNDTC, Viện trưởng VKS Quân sự Trung ương Trần Phước Tới. Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (VKSNDTC) Dương Xuân Khính cho biết, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh KSV VKSNDTC ngày 4/10/2002 thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát. Đây cũng là thành quả của gần 50 năm xây dựng ngành Kiểm sát, từng bước khẳng định sự trưởng thành của đội ngũ KSV đồng thời xác định trách nhiệm pháp lý nặng nề của VKSND và KSV các cấp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua 5 năm thực hiện Pháp lệnh trên, tuyệt đại đa số KSV được bổ nhiệm có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, có ý thức đấu tranh bảo vệ pháp chế thống nhất, giữ vững phẩm chất đạo đức, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ… Trình độ pháp lý của KSV các cấp cũng được nâng lên rõ rệt. Tuy vậy, qua 5 năm thực hiện, Pháp lệnh KSV VKSND đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc. Đây cũng chính là vấn đề được các đại biểu tham dự hội thảo quan tâm, tranh luận sôi nổi. Liên quan đến vấn đề xác định vị trí và trách nhiệm pháp lý của KSV, Điều 1 Pháp lệnh quy định: “KSV là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp”. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định như vậy đã gắn KSV với các phương thức công tác kiểm sát, cho rằng chỉ có những lĩnh vực công tác đó mới thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKS, còn một số nhiệm vụ quan trọng khác như: công tác tham mưu, tổng hợp, nghiên cứu khoa học, thanh tra, đào tạo nghiệp vụ kiểm sát, tổ chức cán bộ hợp thành hệ thống tổ chức bộ máy trong ngành KSND sẽ không cần KSV và đây là một bất hợp lý. Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 3, VKSNDTC) Nguyễn Quốc Công lại có quan điểm khác khi cho rằng: “KSV là một chức danh pháp lý, được bổ nhiệm để thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp nên cần một tỷ lệ nhất định”. Về ngạch KSV, theo Viện trưởng VKSND TP.Hà Nội, Đặng Văn Khanh, việc quy định chức danh KSV gắn với địa giới hành chính, mỗi cấp VKSND chỉ có một loại KSV như hiện nay là chưa phù hợp với nguyên tắc lãnh đạo tập trung, thống nhất và không thuận lợi cho việc điều động, luân chuyển cán bộ. Đồng quan điểm, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ninh Đỗ Lê Duy cho rằng, do quy định ngạch KSV gắn với cấp hành chính nên khi điều động KSV cấp trên xuống công tác ở VKS cấp dưới phải hạ ngạch KSV để xếp ngạch lương thấp hơn theo quy định của Chính phủ dẫn đến tâm lý không phấn khởi đối với KSV được điều động. Ông Duy nêu thực tế, thời gian qua, VKS Quảng Ninh điều động 9 KSV cấp tỉnh xuống giữ chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS cấp huyện đã gặp khá nhiều khó khăn trong công tác động viên tư tưởng đối với KSV được giao nhiệm vụ mới. Để tháo gỡ vướng mắc này, các đại biểu đề nghị nên quy định có 3 ngạch KSV là KSV cao cấp, KSV chính (hoặc KSV trung cấp) và KSV. Theo đó, ở VKSDNTC sẽ có KSV cao cấp, KSV chính và một số KSV; ở VKS cấp tỉnh có một số KSV cao cấp, KSV chính và KSV; VKS cấp huyện có một số KSV chính và KSV. Quy định như vậy sẽ tạo thuận lợi cho công tác điều động, luân chuyển và thực hiện chính sách cán bộ. Trong khi đó, bàn về vấn đề nhiệm kỳ KSV, đã xuất hiện hai luồng ý kiến khác nhau. Viện trưởng VKSND tỉnh Sơn La Hoàng Su Bình và một số đại biểu khác cho rằng nên quy định bổ nhiệm không kỳ hạn đối với chức danh KSV. “Trường hợp đã được bổ nhiệm KSV nhưng sau đó có vi phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị bãi nhiệm. Đây là việc làm đương nhiên và bình thường” - Viện trưởng VKSND tỉnh Nam Định bổ sung. Tuy nhiên, Thủ trưởng Cơ quan điều tra VKSNDTC Phạm Huy Thận cho rằng, cần cân nhắc việc bỏ ngay quy định bổ nhiệm có thời hạn. Vụ trưởng Vụ 3 Nguyễn Quốc Công phân tích thêm: “Quy định bổ nhiệm có thời hạn cũng có mặt tích cực bởi đó là dịp để rà soát lại đội ngũ”. Giải pháp ông Công nêu ra là nên nâng thời hạn bổ nhiệm lại lên, có thể là 10 năm thay vì 5 năm như quy định hiện hành. Phát biểu tại Hội thảo, Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng khẳng định, qua 5 năm thực hiện Pháp lệnh, đội ngũ KSV VKSND đã có chuyển biến mạnh mẽ cả về lượng và chất; thẩm quyền cũng như trách nhiệm của KSV được quy định rõ ràng hơn. Đề cập đến vấn đề sửa đổi Pháp lệnh này, Viện trưởng Trần Quốc Vượng cho rằng, việc sửa đổi là một tất yếu của quá trình phát triển nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn cho việc hoàn thiện, kiện toàn đội ngũ KSV để phục vụ công cuộc cải cách tư pháp. Tuy nhiên, việc sửa đổi này phải xuất phát trên nguyên tắc công tác cán bộ là công tác của Đảng, do Đảng lãnh đạo; xuất phát từ đặc thù của hoạt động Kiểm sát là “trải dài” hoạt động ở các giai đoạn tố tụng đồng thời quán triệt chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. “Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất coi trọng vai trò của KSV, do vậy khi sửa đổi Pháp lệnh KSV, cần tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của KSV trong hoạt động của ngành Kiểm sát để qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng KSV”.

Văn Trung

 
 
Tìm kiếm