CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân

28/09/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 27/9/2021, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo, Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp và tương đơng các đơn vị thuộc VKSND tối cao; Trưởng phòng một số đơn vị thuộc Văn phòng, Cục Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin (Cục 2) VKSND tối cao; lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội. Hội nghị được tổ chức trực tuyến, nối từ điểm cầu VKSND tối cao tới hơn 800 điểm cầu các đơn vị trong toàn Ngành.

Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Như Hùng, Cục trưởng Cục 2 VKSND tối cao đã quán triệt Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân và trình bày Báo cáo tóm tắt về thực trạng và giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Báo cáo tóm tắt về thực trạng và giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân đánh giá, hạ tầng kỹ thuật trong Ngành đã được đầu tư tương đối đầy đủ, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác. Tuy nhiên, phần lớn đã khá cũ, một số máy móc thiết bị đã hết khấu hao, hay hỏng hóc, hoạt động không ổn định; việc bảo trì, bảo dưỡng chưa được thực hiện thường xuyên; việc sửa chữa, thay thế có lúc chưa kịp thời.

Đồng chí Nguyễn Như Hùng, Cục trưởng Cục 2 trình bày báo cáo tại Hội nghị

Cơ sở dữ liệu của ngành KSND cũng rất lớn, đa dạng về tính chất, quy mô và có yêu cầu khác nhau về cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng; đã từng bước được quan tâm số hóa, tuy nhiên, mức độ số hóa còn thấp, chủ yếu các nhóm cơ sở dữ liệu vẫn đang được hình thành, tồn tại dưới dạng thức truyền thống là văn bản giấy. Hạn chế lớn nhất là mức độ số hóa thấp, thiếu đồng bộ, thiếu liên thông, chưa được quản lý một cách có hệ thống, khoa học và có khả năng chia sẻ,...

Về các phần mềm ứng dụng do VKSND tối cao đầu tư, được triển khai đồng bộ đến các cấp Kiểm sát, trong khoảng 10 năm trở lại đây, VKSND tối cao đã xây dựng, phát triển gần 20 phần mềm dùng chung cho toàn Ngành. Nhìn chung, phần lớn các phần mềm đã phát huy hiệu quả trong thực tế sử dụng, góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử, từng bước số hóa, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và hoạt động nghiệp vụ, nhất là về cập nhật, cung cấp số liệu thống kê, báo cáo, phát hành, luân chuyển văn bản trên hệ thống,…

Vấn đề bảo đảm an toàn hệ thống, an toàn, an ninh thông tin cũng được được quan tâm, chú trọng. VKSND tối cao đã ban hành Quy chế và nhiều văn bản quy định, hướng dẫn về nội dung này; đồng thời, tiến hành nhiều đợt kiểm tra; chưa để xảy ra sự cố nghiêm trọng. Tuy nhiên, về khả năng, điều kiện kỹ thuật còn hạn chế; chưa có cán bộ được đào tạo chuyên sâu về an ninh mạng; chưa có phòng kỹ thuật giám sát, điều hành,…

Toàn cảnh Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, đồng chí Nhiếp Văn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục 2 VKSND tối cao đã phổ biến tới đại biểu tham dự Hội nghị Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng của VKSND (ban hành kèm theo Quyết định số 245/QĐ-VKSTC ngày 29/7/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao).

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Kiểm sát nhân dân được Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tối cao xác định là một trong những nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian tới, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của toàn Ngành. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 17/5/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Đồng chí Nhiếp Văn Ngọc, Phó Cục trưởng Cục 2
phổ biến Quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng của VKSND

Nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; tăng cường trách nhiệm kỷ luật công vụ trong tổ chức thực hiện. Người đứng đầu các đơn vị phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo về công nghệ thông tin, chuyển đổi sổ tại đơn vị mình; kết quả thực hiện là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, thi đua khen thưởng,… Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số với chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của các cấp trong Ngành.

Tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của toàn Ngành. Xác định rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành là nhiệm vụ quan trọng, bắt buộc của các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. Từng bước kiện toàn, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác công nghệ thông tin của các đơn vị trong toàn Ngành.

Đồng chí Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hoá,
Bộ Thông tin và Truyền thông tham luận tại Hội nghị

Bảo đảm hạ tầng kỹ thuật; xây dựng, chuẩn hoá cơ sở dữ liệu; xây dựng lộ trình nâng cấp, phát triển, nâng cao chất lượng phần mềm ứng dụng. Tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; tham mưu giúp lãnh đạo VKSND tối cao trong việc đầu tư các dự án về công nghệ thông tin bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

TG
Tìm kiếm