Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 16/10/2020 gồm những nội dung chính sau: VKSND tỉnh Hải Dương khai giảng lớp tập huấn kỹ năng ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can và thu thập, xử lý dữ liệu điện tử; VKSND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Tòa án tỉnh xét xử vụ án hình sự sơ thẩm đánh bạc nghìn tỷ; VKSND thành phố Đà Nẵng khai giảng lớp bồi dưỡng chuyên sâu về kiểm sát án hình sự…
VKSND tỉnh Hải Dương: Thực hiện Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng công chức năm 2020, ngày 13/10/2020, VKSND tỉnh Hải Dương phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức khai giảng Lớp tập huấn kỹ năng ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can và thu thập, xử lý dữ liệu điện tử đối với công chức nghiệp vụ VKSND hai cấp tỉnh Hải Dương.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai giảng, đồng chí Nguyễn Hoàng Dương, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, trong những năm qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Hải Dương luôn quan tâm thực hiện nhiều biện pháp tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, không để xảy ra oan, sai, đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội, hoặc Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội.
Quy định việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can và thu thập, xử lý dữ liệu điện tử là những nội dung mới được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 nhằm hạn chế những sai phạm có thể xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo sự minh bạch, quyền công dân, con người trong hoạt động tố tụng hình sự, việc giải quyết vụ án hình sự được khách quan. Việc ghi âm, ghi hình trong hỏi cung bị can bắt buộc phải thực hiện từ ngày 01/01/2020 (theo quy định của Thông tư liên tịch số 03/2018). Tuy nhiên, đến nay việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, như thiếu các cơ sở vật chất, đặc biệt là kỹ năng của công chức trong việc sử dụng các trang thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh.
Lớp tập huấn được chia làm hai lớp, mỗi lớp học trong 3 ngày, thời gian kể từ ngày 13/10/2020 đến hết ngày 18/10/2020. Nội dung chương trình tập huấn gồm 5 chuyên đề:
- Chuyên đề 1: Kỹ thuật ghi hình, ghi âm trong hỏi cung.
- Chuyên đề 2: Thu thập thông tin không gian mạng.
- Chuyên đề 3: Kỹ thuật xử lý, nâng cao chất lượng hình ảnh.
- Chuyên đề 4: Khôi phục dữ liệu đã bị xóa, mất trong các thiết bị điện tử.
- Chuyên đề 5: Kỹ năng thu thập, xử lý chứng cứ, dữ liệu điện tử.
VKSND tỉnh Quảng Bình: Trong thời gian gần đây, tệ nạn cờ bạc trên toàn quốc nói chung và địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng diễn biến phức tạp. Tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng internet có xu hướng gia tăng, xuất hiện tại nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Trong hai ngày 13 - 14/10/2020, VKSND tỉnh Quảng Bình phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh tổ chức xét xử vụ án Nguyễn Hoàng Quân cùng 23 đồng phạm bị truy tố về các tội “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc” theo Điều 321 và Điều 322 Bộ luật Hình sự.
Trước đó, từ tháng 10/2018 đến tháng 10/2019, Nguyễn Hoàng Quân đăng ký làm đại lý cấp 1 của ứng dụng game KingFun, tạo lập tên nhân vật là “TrumGoWin90”. Sau đó Quân lôi kéo các đồng phạm, mở nhiều tài khoản game đại lý cấp 1 và cấp 2, đồng thời mở 8 tài khoản của các ngân hàng đăng ký dịch vụ rút tiền Banking để giao dịch mua bán điểm game đổi thưởng. Nguyễn Hoàng Quân sử dụng các số điện thoại hotline quảng cáo trên facebook và giao diện của ứng dụng KingFun để thu hút và liên lạc với các con bạc.
Cùng thời gian trên, các đối tượng liên hệ và nhận làm đại lý cấp 2 cho Quân gồm: Lê Thanh Huy, Hoàng Ngọc Trung, Trương Thị Ngọc Uyên đều ở tỉnh Quảng Bình và Trịnh Văn Hải ở tỉnh Ninh Bình cùng đồng phạm mở các tài khoản ngân hàng, nhiều tài khoản game Kingfun trên không gian mạng nhằm tổ chức các chiếu bạc online, kết quả thắng - thua được đổi từ tiền ảo (gọi là King) ra tiền thật và ngược lại.
Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên hình phạt cho 23 bị cáo, trong đó có 9 bị cáo là những đồng phạm thứ yếu có vai trò không đáng kể và đủ điều kiện được hưởng án treo; áp dụng hình phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền nộp vào ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng.
VKSND thành phố Đà Nẵng: Sáng ngày 15/10/2020, VKSND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng “Kỹ năng xây dựng Bản cáo trạng, tham gia xét hỏi, luận tội và tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự; số hóa hồ sơ án hình sự” với sự tham gia của 80 học viên đến từ Viện kiểm sát hai cấp thành phố Đà Nẵng.
Phát biểu tại Lễ khai giảng, đồng chí Lê Tiến, Viện trưởng VKSND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh mục đích của khóa học nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có kỹ năng nghiệp vụ thành thạo, nhất là nghiệp vụ giải quyết các vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng chí yêu cầu các học viên nêu cao tinh thần tự nghiên cứu, tự đào tạo, mạnh dạn chia sẻ những kinh nghiệm, trao đổi khó khăn, vướng mắc để được giải đáp, phục vụ hiệu quả cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Theo kế hoạch, khóa học sẽ diễn ra trong 2 ngày 15 – 16/10/2020.
VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Ngày 14/10/2020, VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tham dự Hội nghị triển khai chính sách trợ giúp pháp lý năm 2020 tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ do Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức.
Cán bộ, Kiểm sát viên VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tham gia cùng Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tư vấn pháp luật về hình sự, dân sự, trình tự yêu cầu trợ giúp pháp lý… Trong đó, tập trung tuyên truyền các biện pháp phòng, chống tội phạm về xâm hại tình dục trẻ em; mua bán người, ma túy; phát tờ rơi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho hơn 200 người dân tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ.
Năm 2020, VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định, một trong những nội dung trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Trên cơ sở đó, VKSND tỉnh tích cực phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai chính sách trợ giúp pháp lý, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật đối với các tầng lớp nhân dân; góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Trong hai ngày 14 - 15/10/2020, Đoàn cứu trợ VKSND tỉnh Thừa Thiên - Huế do đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Viện trưởng VKSND tỉnh dẫn đầu đã trao quà ứng cứu kịp thời cho bà con vùng trũng của các huyện Phú Vang và Phú Lộc.
Đoàn đã trao trực tiếp 500 suất quà cứu trợ (tổng trị giá 150 triệu đồng) cho những hộ ở vùng lũ. Mỗi suất quà trị giá 300.000 đồng gồm mì tôm, bánh mỳ, xúc xích, sữa, bánh ngọt, nước uống đóng chai để kịp thời cung ứng cho người dân tại các khu vực bị ngập sâu, vùng rốn lũ của tỉnh. Số tiền trên có được từ sự đóng góp của cán bộ, công chức VKSND hai cấp tỉnh Thừa Thiên - Huế và vận động thêm các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh hỗ trợ.
Đến thời điểm hiện tại, mặc dù nước lũ đang xuống, nhưng nhiều nhà dân trên địa bàn các huyện vẫn còn ngập nước. Tình hình mưa lũ trong những ngày tới vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó khăn phía trước còn nhiều. Những gói quà cứu trợ thể hiện tinh thần “Tương thân tương ái”, chia sẻ những khó khăn trước mắt của người dân các xã vùng lũ. Trong thời gian tới, VKSND tỉnh sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn hỗ trợ cho bà con vùng sâu, vùng xa để họ sớm ổn định cuộc sống sau lũ.