Vừa qua, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức Hội thảo về pháp luật hình sự và tố tụng tư pháp Việt Nam - Hoa Kỳ. Đại diện các cơ quan Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương...
Hội thảo pháp luật hình sự về tố tụng tư pháp Việt Nam - Hoa Kỳ
Vừa qua, tại Hà Nội, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức Hội thảo về pháp luật hình sự và tố tụng tư pháp Việt Nam - Hoa Kỳ. Đại diện các cơ quan Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, một số tỉnh ủy, thành ủy... tham dự Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe Đại diện Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương giới thiệu Tổng quan về hệ thống tư pháp hình sự Việt Nam và những quy định mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Hình sự và về hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Các chuyên gia của Hoa Kỳ trình bày các tham luận: Tổng quan về hệ thống tư pháp hình sự Hoa Kỳ và vai trò của thẩm phán trong quá trình tố tụng tranh tụng tại Hoa Kỳ; vai trò của Công tố viên trong quá trình tố tụng tranh tụng, những thách thức đặt ra đối với công tác bào chữa cho bị can, bị cáo phạm tội hình sự ở Hoa Kỳ; cơ chế trợ giúp pháp lý cho bị can, bị cáo phạm tội hình sự không có điều kiện mời luật sư và một số đối tượng đặc biệt.
Quang cảnh Hội thảo
Theo Báo cáo tổng quan, Bộ luật Hình sự năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có nhiều quy định mới đảm bảo phát huy vai trò của Bộ luật hình sự trong việc bảo vệ và thúc đẩy các nhân tố tích cực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phát triển một cách lành mạnh; xử lý nghiêm các hành vi xâm hại các quyền con người, quyền công dân như: Bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại; thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù và giảm hình phạt tử hình; bổ sung chính sách xử lý đối với người dưới 18 tuổi; chính sách hình sự đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội; bổ sung đối tượng được loại trừ trách nhiệm hình sự về hành vi che giấu tội phạm...
Đặc biệt, Bộ luật hình sự năm 2015 trong phần các tội phạm về chức vụ đã sửa đổi cơ bản, tập trung vào 08 vấn đề lớn, cụ thể: (1) Điều chỉnh khái niệm tội phạm về chức vụ để xử lý tội phạm tham nhũng trong lĩnh vực tư; đồng thời, bổ sung hành vi tham nhũng trong lĩnh vực tư ở tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và tội đưa hối lộ; (2) Điều chỉnh hợp lý mức định lượng tài sản bị chiếm đoạt trong hầu hết các tội phạm trong Chương này cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng trong tình hình mới; (3) Điều chỉnh một số cấu thành tội phạm, bổ sung của hối lộ là "lợi ích phi vật chất" trong một số tội; (4) Bổ sung hình phạt tiền là hình phạt chính và hình phạt cải tạo không giam giữ, đồng thời điều chỉnh mức hình phạt trong một số tội; (5) Tách các tình tiết định tính "gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng" quy định trong cùng một khung hình phạt trong một số tội để quy định trong các khung hình phạt khác nhau, đồng thời cụ thể hóa tất cả các tình tiết định tính này bằng các thiệt hại cụ thể.
Pháp luật hình sự và tố tụng tư pháp của Hoa Kỳ cũng được trình bày tại Hội thảo. Theo đó, Hiến pháp Hoa Kỳ thiết lập 3 nhánh cơ quan độc lập và bình đẳng: Nhánh lập pháp, nhánh hành pháp và nhánh tư pháp. Điều III Hiến pháp thiết lập Tòa án tối cao và cho phép Quốc hội thành lập các tòa án cấp dưới. Hiện có 13 tòa phúc thẩm liên bang và 94 tòa sơ thẩm liên bang. Ngoài ra còn có các tòa án liên bang chuyên trách như Tòa án thương mại quốc tế và Tòa án phá sản. Các tòa án liên bang có thẩm quyền hạn chế và đa số các vụ việc ở Hoa Kỳ được xét xử bởi các tòa án của bang.
Đặc điểm nổi trội trong hệ thống tố tụng Hoa Kỳ là áp dụng mô hình tố tụng tranh tụng. Luật sư đóng vai trò thiết yếu trong hệ thống tố tụng này, chịu trách nhiệm trình bày các chứng cứ và các lập luận pháp lý để bảo vệ cho thân chủ trước tòa án. Dựa trên sự trình bày của luật sư, thẩm phán sơ thẩm hoặc bồi thẩm đoàn xác định các tình tiết của vụ án và áp dụng pháp luật để đi đến phán quyết. Thẩm phán không tham gia vào việc điều tra tội phạm. Họ được bổ nhiệm suốt đời và chỉ có thể bị bãi nhiệm thông qua thủ tục luận tội, trong đó Hạ nghị viện đưa ra các cáo buộc và Thượng nghị viện tiến hành xét xử. Sự bảo vệ này cho phép các thẩm phán liên bang xét xử độc lập mà không chịu sự can thiệp hay ảnh hưởng của chính trị hay bên ngoài.
Sự bảo vệ của pháp luật dành cho bị cáo gồm: Áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội; quyền được xét xử công bằng và công khai; quyền có luật sư và quyền bào chữa; quyền được xét xử nhanh chóng; quyền tranh tụng; quyền xuất trình chứng cứ và quyền không bị buộc phải đưa ra chứng cứ tự buộc tội mình. Điểm đặc biệt trong tố tụng tư pháp Hoa Kỳ là có chế định "thương lượng nhận tội". Chế định này chỉ được áp dụng khi có cơ sở thực tiễn và một loạt các nguyên tắc như: không được thực thi công lý quá hà khắc, phải có lý do chính đáng cho các cáo buộc phạm tội; không được đưa ra cáo buộc vượt quá hành vi phạm tội thực tế nhằm giành lợi thế trong thương lượng nhận tội và không được giấu giếm chứng cứ gỡ tội và các tài liệu loại trừ độ tin cậy của nhân chứng.
Nguyễn Phương Thảo
;