CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Chủ tịch nước chủ trì phiên họp 19 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương

15/03/2015
Cỡ chữ:   Tương phản
(ĐCSVN) – Sáng 14/3, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tiến hành Phiên họp thứ 19 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo....

 Chủ tịch nước chủ trì phiên họp 19 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương 

 
(ĐCSVN) – Sáng 14/3, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tiến hành Phiên họp thứ 19 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tham dự Phiên họp có: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Lê Thị Thu Ba và các thành viên Ban Chỉ đạo.
 
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo phiên họp.
Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo cho ý kiến về Đề án Mô hình tố tụng dân sự, Đề án Mô hình tố tụng hành chính do Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) trình; Đề án tạm giữ, tạm giam và Luật tổ chức cơ quan điều tra do Đảng ủy Công an Trung ương trình.
Tham gia đóng góp ý kiến vào các Đề án Luật, các ý kiến cơ bản thống nhất với sự cần thiết ban hành 4 Đề án Luật trên nhằm thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp và cụ thể hóa nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong các luật hiện hành...
Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự
Đối với dự án Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi), một nội dung nhận được sự quan tâm của các thành viên Ban Chỉ đạo là bảo đảm nguyên tắc tranh trụng trong tố tụng dân sự.
Thường Trực Ban Chỉ đạo cho rằng việc tranh tụng phải được thực hiện trong suốt quá trình từ khi thụ lý vụ án đến kết thúc việc xét xử, trong đó xác định đúng và rõ vai trò của từng chủ thể tiến hành và tham gia tố tụng; quy định cụ thể trình tự, thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ của đương sự, quyền được biết chứng cứ của bên kia giao nộp cho Tòa án hoặc Tòa án thu thập được làm cơ sở cho việc tranh trụng… Đồng thời, đề nghị bổ sung thủ tục tố tụng tranh tụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm vì vấn đề này chưa được quy định trong dự thảo Bộ luật.
 
Phiên họp 19 Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. (Ảnh: TH)
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhận định cả 2 Dự án Luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) đã cố gắng cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng, tuy nhiên nguyên tắc tranh trụng tại phiên tòa phúc thẩm, giám đốc thẩm và cơ chế bảo đảm nguyên tắc như thế nào lại chưa được làm rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ của đương sự, công khai chứng cứ ngay phiên sơ thẩm, đây là vấn đề căn bản để bảo đảm nguyên tắc tranh tụng.
Về phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện, đa số ý kiến Thường trực Ban Chỉ đạo tán thành với loại ý kiến thứ nhất đề nghị TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện. Bởi nếu TAND cấp huyện giải quyết các khiếu kiện các khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện sẽ khó tránh khỏi việc vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử, đồng thời căn cứ vào kết quả thụ lý xét xử án hành chính thời gian qua, cũng không gây tình trạng quá tải cho TAND cấp tỉnh.
Cho rằng việc trao thẩm quyền cho Tòa án cấp tỉnh trên 1 cấp để bảo đảm tính khách quan, tránh lệ thuộc của của thẩm phán với cơ quan hành chính, mới nghe thì hợp lý, song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ ra quy định như vậy sẽ mâu thuẫn với chính dự thảo vì TAND cấp tỉnh lại vẫn xét xử quyết định của Chủ tịch, UBND cấp tỉnh, đồng thời cũng dồn việc cho TAND cấp tỉnh. Còn nếu để TAND cấp cao xét xử khiếu kiện đối với quyết định hành chính của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì lại trái với quy định của Luật tổ chức TAND không được xét xử các vụ án sơ thẩm. “ Tôi đề nghị cân nhắc, nghiên cứu kỹ”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Không đồng tình với quy định trên, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Bởi hiện nay đang quy định theo hướng tăng thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAND xét xử độc lập, nếu quy định như Dự án Luật sẽ gây khó khăn nếu xét xử ở vùng sâu, vùng xa.
Đổi mới rõ hơn mô hình  tạm giữ, tạm giam
Cho ý kiến vào Đề án” Công tác tạm giữ, tạm giam và một số định hướng xây dựng Luật tạm giữ, tạm giam”, các ý kiến cho rằng Đề án cơ bản đã quán triệt và thể chế hóa được chủ trương cải cách tư pháp về đổi mới công tác giam giữ; cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ quyền con người, quyền công dân; đồng thời đã khái quát được cơ cấu tổ chức, kết quả tình hình công tác quản lý tạm giam, tạm giữ thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung chưa được quy định đầy đủ như: quyền được bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự cho người bị oan sao trong tạm giữ, tạm giam; trách nhiệm của cơ sở TGTG trong quá trình quản lý…Trên cơ sở đó, đề nghị cần bổ sung những nội dung này vào dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, Đề án cơ bản vẫn giữ nguyên mô hình tổ chức các trại tạm giam, tạm giữ như hiện nay, trại tạm giam cấp tỉnh chưa rõ thuộc sự quản lý của lực lượng nào. “Đề nghị cần bổ sung quy định về mô hình tổ chức cơ quan tạm giữ, tạm giam theo hướng tổ chức cơ quam tạm giữ, tạm giam độc lập với cơ quan điều tra để bảo đảm sự độc lập, khách quan, có sự kiểm soát lẫn nhau, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật trong quá trình tạm giữ, tạm giam”, Thường trực Ban Chỉ đạo nêu rõ.

Nhất trí với ý kiến về sự cần thiết xây dựng Luật tạm giam, tạm giữ, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Công Hồng đề nghị Đề án phân tích cụ thể hơn điểm mạnh, điểm yếu của mô hình hiện tại, khắc phục được những hạn chế, bất cập của mô hình hiện tại, bảo đảm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và bảo về quyền con người, quyền công dân.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo đánh giá các Đề án trên đã được Ban cán sự đảng TANDTC và Đảng ủy Công an Trung ương chuẩn bị công phu, nghiêm túc, thể chế hóa được nhiều chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, cụ thể hóa nhiều quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức TAND 2014, đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong hoạt động tố tụng và tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong các luật hiện hành…

Chủ tịch nước yêu cầu cần tiếp tục rà soát nội dung các Đề án trên cho phù hợp với Hiến pháp và thống nhất với một số Luật mới được Quốc hội thông qua, chấp hành theo chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp và phù hợp với thực tiễn và các cam kết quốc tế Việt Nam tham gia. 

Về một số ý kiến còn khác nhau, Chủ tịch nước đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, chỉnh lý, hoàn thiện, báo cáo cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới./.
Thu Hằng
Tìm kiếm