CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Sửa đổi Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp

28/05/2014
Cỡ chữ:   Tương phản
(NDĐT)- Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi)...

Sửa đổi Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp 

 

 (NDĐT)- Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Tạo cơ sở pháp lý đổi mới toàn diện

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực tiễn mười năm thi hành Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND), Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, Pháp lệnh tổ chức Viện Kiểm sát quân sự năm 2002 đã cho thấy những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ.

Cũng theo đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Hiến pháp năm 2013 đã có những nội dung mới quan trọng về chế định VKSND; đồng thời, bổ sung, làm rõ những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của VKSND, đòi hỏi phải được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).

Do đó, sửa đổi Luật Tổ chức VKSND theo yêu cầu cải cách tư pháp nhằm tạo cơ sở pháp lý đổi mới toàn diện về hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc hoạt động, chuẩn hóa các chức danh tư pháp và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự giám sát bên trong và bên ngoài hệ thống, nhất là sự giám sát của các cơ quan dân cử...

Dự thảo Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi) gồm bảy chương, 13 mục, 107 điều. So với Luật hiện hành, dự thảo giảm bốn chương, tăng thêm 57 điều. Trong đó, sửa đổi 73 điều, bổ sung 34 điều mới, không có điều nào được giữ nguyên. Dự thảo Luật đã thu hút Luật Tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011) và Pháp lệnh tổ chức Viện Kiểm sát quân sự năm 2002.

Dự thảo luật cụ thể hóa các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, các quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành KSND, tháo gỡ nhiều khó khăn của thực tiễn.

Một trong những nội dung mới cơ bản của dự thảo Luật là làm rõ vị trí, vai trò của VKSND trong mối quan hệ phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước. Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND được xác định là thiết chế kiểm soát hoạt động tư pháp, có trách nhiệm phối hợp, kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, thi hành án; đồng thời, chịu sự giám sát của nhân dân và cơ quan dân cử.

Ngoài ra, dự thảo Luật cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, Dự thảo Luật đã xác định rõ các nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản của VKSND trong phát hiện, xử lý vi phạm trong hoạt động tư pháp; trách nhiệm quyết định việc áp dụng các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân; tăng cường vai trò của VKSND trong các lĩnh vực phi hình sự; trong việc giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp.

Phù hợp với đặc điểm Việt Nam

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội Nguyễn Văn hiện, dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp mới, một số định hướng cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND, Viện Kiểm sát quân sự, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

UBTP cơ bản tán thành với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật. Tuy nhiên, để thể chế hóa rõ hơn quy định của Hiến pháp mới và các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cần bổ sung quan điểm về cơ cấu, tổ chức bộ máy, cán bộ của VKS phải được tổ chức khoa học, gọn nhẹ, hiệu quả; kết hợp hài hòa giữa tính độc lập tuân theo pháp luật của mỗi cấp VKS, của mỗi kiểm sát viên với sự chỉ đạo của Viện trưởng và sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSNDTC; bảo đảm phù hợp với đặc điểm cụ thể của Việt Nam, đủ điều kiện và năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Quan điểm này cần được quán triệt, thể hiện xuyên suốt trong các chế định, quy định của dự thảo Luật.

Ngoài ra, còn có những vấn đề có ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức VKSND cấp huyện hay khu vực, vai trò của Ủy ban kiểm sát, nhiệm kỳ - tuổi nghỉ hưu của kiểm sát viên, tổ chức và thẩm quyền - trách nhiệm thực hiện công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm của VKSND.

Ngoài ra, UBTP đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, quy định rõ hơn các vấn đề dưới đây.

Trước hết, tiếp tục làm rõ nội dung và mối quan hệ giữa nguyên tắc “Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân” với nguyên tắc “Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” trong Hiến pháp mới để tạo cơ sở cho việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm sát viên, của Viện trưởng Viện Kiểm sát trong các đạo luật tố tụng và sự chỉ đạo trên thực tiễn của Viện trưởng đối với kiểm sát viên khi thực thi nhiệm vụ.

Tiếp đó, cần làm rõ hơn để quy định cụ thể phạm vi, nội dung thẩm quyền của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, trong lãnh đạo, chỉ đạo VKSND cấp dưới thực hiện chức năng, nhiệm vụ và công tác tổ chức, cán bộ; bảo đảm phù hợp với Điều 107 của Hiến pháp mới.

Cuối cùng, làm rõ các tiêu chí nhằm xác định cụ thể số lượng kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vì dự thảo Luật quy định con số này không quá 25 người nhưng không lý giải rõ, chưa đủ cơ sở thuyết phục.

Ngân Anh
Tìm kiếm