CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thông báo kết luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo

20/07/2013
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 23-7-2013, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã ký Thông báo (số 13-TB/BCĐTW) kết luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Trang thông tin điện tử VKSND tối cao trân trọng giới thiệu toàn văn Thông báo nà...
Thông báo kết luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo
 

Ngày 23-7-2013, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đã ký Thông báo (số 13-TB/BCĐTW) kết luận của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tại Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo. Trang thông tin điện tử VKSND tối cao trân trọng giới thiệu toàn văn Thông báo này:

Ngày 17-7-2013, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 3 nhằm kiểm điểm, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) 6 tháng đầu năm, bàn nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2013; cho ý kiến về kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo Kế hoạch 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết TW 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; cho ý kiến chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

 

Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chủ trì Phiên họp

Sau khi nghe Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo trình bày dự thảo các văn bản, ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Chỉ đạo dự họp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu kết luận như sau:

I. Về tình hình, kết quả công tác PCTN 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2013

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước có những mặt chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Ban Chỉ đạo đã có bước chuyển đổi sang mô hình hoạt động mới và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN có hiệu lực từ ngày 01-02-2013 là tiền đề chính trị, pháp lý quan trọng đối với công tác PCTN.

Với sự quan tâm của Trung ương, của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân, trên cơ sở kế thừa và phát huy kết quả của những năm trước, công tác PCTN trong 6 tháng đầu năm 2013 có bước tiến mới, nền nếp và bài bản hơn, đạt được kết quả tích cực trên một số mặt, như: đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện thể chế; thành lập, củng cố tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo; thành lập các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy; thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và vai trò của báo chí đối với PCTN. Thêm vào đó, tác động tích cực từ kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) kết hợp với việc phát hiện, khởi tố, điều tra một số vụ án lớn đã có tác dụng phòng ngừa, răn đe rõ rệt. Những kết quả đó đã tạo nên hiệu ứng tích cực, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở trong công tác PCTN.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn đang là vấn đề nghiêm trọng, công tác PCTN vẫn còn nhiều hạn chế, như: một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN; công tác tuyên truyền tuy có chuyển biến nhưng định hướng thông tin tuyên truyền chưa đạt kết quả như mong muốn; việc ban hành một số văn bản dưới luật phục vụ công tác PCTN còn chậm; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, đôn đốc các khâu, các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm chưa được thường xuyên, liên tục; tiến độ xử lý một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm còn chậm; việc phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng còn ít so với thực trạng tình hình tham nhũng; công tác giám định tư pháp phục vụ xử lý án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng còn nhiều bất cập.

Công tác PCTN là cuộc đấu tranh gian nan, phức tạp và hết sức khó khăn, vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đòi hỏi sự kiên trì, kiên quyết, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước mắt, từ nay đến cuối năm 2013, Ban Chỉ đạo thống nhất 08 nhiệm vụ nêu trong dự thảo Báo cáo, trong đó cần tập trung thực hiện có hiệu quả các công việc trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội để PCTN theo Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, trong đó các cơ quan liên quan phối hợp với Ban Nội chính Trung ương sớm hoàn thành, trình Ban Bí thư ký ban hành các quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, hoàn thành trong Quý IV năm 2013.

Hai là, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác PCTN; xét xử kịp thời, nghiêm minh những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Ba là, chỉ đạo tăng cường công tác phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; trong Quý III, tập trung xử lý dứt điểm một số vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm theo đúng quy định của pháp luật.

Bốn là, tăng cường chỉ đạo định hướng thông tin tuyên truyền về PCTN; chỉ đạo xử lý vi phạm quy định về quản lý, cung cấp thông tin và những hành vi lợi dụng việc tuyên truyền về PCTN để vu khống, gây mất đoàn kết nội bộ. 

Năm là, các thành viên Ban Chỉ đạo trên từng cương vị công tác chủ động triển khai nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo phân công, cụ thể hóa chủ trương của Ban Chỉ đạo thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành mình; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN của các bộ, ngành, địa phương được phân công theo dõi, phụ trách.

Sáu là, tiếp tục củng cố tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương, hoàn thành việc thành lập và đi vào hoạt động của các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trong tháng 7 năm 2013; tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả một năm triển khai thực hiện các quy định mới của Đảng, Nhà nước về công tác PCTN.

 

Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Phiên họp

II. Về việc triển khai, thực hiện Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)

Kế hoạch 08-KH/TW ngày 12-3-2012 của Bộ Chính trị không đề cập việc kiểm tra công tác PCTN nói chung mà chỉ tập trung kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN. Về cơ bản, Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch kiểm tra, giám sát và thành lập 07 Đoàn công tác do một số đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo làm trưởng đoàn theo đề xuất của Ban Nội chính Trung ương. Đây là công việc rất quan trọng, là một bước tiếp tục cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI). Thông qua đợt kiểm tra, giám sát lần này phát hiện hạn chế, yếu kém, vướng mắc trong hoạt động thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhằm đưa ra biện pháp khắc phục kịp thời để nâng cao hiệu quả công tác PCTN; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước trong công tác PCTN.

Giao Ban Nội chính Trung ương tiếp thu ý kiến của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo tại Phiên họp, bám sát yêu cầu của Bộ Chính trị tại Kế hoạch 08-KH/TW ngày 12-3-2012 để hoàn chỉnh kế hoạch, đề cương, danh sách các Đoàn công tác, lấy ý kiến tham gia lần cuối của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo trước khi trình đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành.

III. Về một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm

Thời gian qua, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan tiến hành tố tụng từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều cố gắng trong phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và phối hợp xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng còn khác nhau, Luật giám định tư pháp chưa có nghị định hướng dẫn và một số quy định của pháp luật chưa đủ rõ nên tiến độ xử lý các vụ án trọng điểm còn chậm so với yêu cầu. Vấn đề này cần phải được khắc phục kịp thời.

Ban Chỉ đạo chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chỉ đạo chứ không làm thay công việc của các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật. Ban Chỉ đạo có quyền đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo, phối hợp các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ, việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Trong trường hợp cần thiết, Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo về chủ trương xử lý đối với một số vụ, việc cụ thể nhằm bảo đảm việc xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, đáp ứng yêu cầu chính trị. Theo đó, Ban Chỉ đạo thảo luận và thống nhất:

1. Đưa 08 vụ án, 02 vụ việc tham nhũng và kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo đề nghị của Ban Nội chính Trung ương tại Phiên họp này vào diện Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm, không để kéo dài.

2. Trong quá trình tố tụng, các thành viên Ban Chỉ đạo là người đứng đầu các cơ quan phải chủ động chỉ đạo xử lý dứt điểm theo đúng trách nhiệm, quyền hạn của mình. Đối với những vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, trong quá trình tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng còn có ý kiến khác nhau về quan điểm xử lý hoặc có vướng mắc, Ban Chỉ đạo thống nhất phương thức xử lý theo 3 cấp độ (mức) như sau:

- Một là, giao Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp liên ngành, thống nhất hướng xử lý.

- Hai là, trường hợp các cơ quan vẫn chưa thống nhất thì giao đồng chí Thường trực Ban Bí thư, phụ trách công tác nội chính chủ trì họp liên ngành bàn hướng xử lý tiếp.

- Ba là, trường hợp vẫn tiếp tục còn những ý kiến khác nhau, giao Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo đề xuất tập thể Thường trực Ban Chỉ đạo (gồm Trưởng Ban và các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo) chỉ đạo về chủ trương, định hướng xử lý.

3. Đối với các vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm nhưng chưa rõ dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng hoặc các loại án khác có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, giao Ban Nội chính Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tiến hành xác minh, nghiên cứu và tham mưu Thường trực Ban Bí thư chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật.

4. Giao Ban cán sự đảng Chính phủ tập trung chỉ đạo trong quý III năm 2013 ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giám định tư pháp, trong đó lưu ý quy định rõ danh mục giám định, thành phần tham gia hội đồng giám định, thời hạn giám định, thời gian tối đa phải cử giám định viên kể từ khi nhận được yêu cầu.

5. Giao Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo xây dựng thông tư liên tịch thi hành một số điều của Bộ luật hình sự về các tội tham nhũng, kinh tế đang có vướng mắc, nhất là một số hành vi mới phát sinh trong các quan hệ kinh tế, xã hội hiện nay mà điều luật trước đây chưa quy định cụ thể dẫn đến chưa thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.

6. Trong tình hình hiện nay, để tăng cường tác dụng răn đe và xét thấy cần thiết phải nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, Ban Chỉ đạo yêu cầu:

- Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo nghiên cứu, quy định tiêu chí được hưởng án treo theo hướng siết chặt điều kiện cho hưởng án treo đối với các bị cáo phạm tội tham nhũng (căn cứ Điều 60 Bộ luật hình sự);

- Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo nghiên cứu, quy định tiêu chí xét đặc xá theo hướng siết chặt điều kiện đề nghị đặc xá đối với các phạm nhân phạm tội tham nhũng nghiêm trọng (căn cứ Điều 10 Luật đặc xá);

- Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo nghiên cứu, quy định việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị can, bị cáo phạm tội tham nhũng cho đến khi xét xử xong vụ án; trừ các trường hợp được quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự.

Trên đây là nội dung kết luận Phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Đề nghị các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

Nguồn: Trang thông tin tổng hợp Ban Nội chính Trung ương

 

Tìm kiếm