(BVPL) - Phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC tại Hội nghị toàn quốc “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”...
Hội nghị hội tụ trí tuệ, tâm huyết của toàn Ngành Kiểm sát nhân dân
(BVPL) - Phát biểu khai mạc của đồng chí Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC tại Hội nghị toàn quốc “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”.
Đ/c Nguyễn Hoà Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC phát biểu tại Hội nghị toàn quốc
“Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện KSND năm 2002, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”.
- Kính thưa Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương
- Kính thưa Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội
- Kính thưa các quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể các đồng chí!
Trước hết, cho phép tôi thay mặt ngành Kiểm sát nhân dân nhiệt liệt chào mừng đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí đại biểu khách quý; các cơ quan thông tấn, báo chí, cùng toàn thể các đồng chí đã đến dự Hội nghị toàn quốc “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003” của ngành Kiểm sát nhân dân. Xin trân trọng cảm ơn và gửi tới các đồng chí lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc.
Kính thưa các đồng chí!
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa 13, VKSND tối cao được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng Dự án Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) và Dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đây là nhiệm vụ to lớn và quan trọng. Bởi lẽ, hai Dự án luật này có tầm ảnh hưởng rộng lớn và sâu sắc đến đời sống xã hội, đến kỷ cương phép nước, đến quyền lợi công dân, đến nền tư pháp mạnh vì công lý.
Luật tổ chức VKSND được ban hành năm 2002, Bộ luật TTHS được ban hành năm 2003. Thời gian qua, thực tiễn thi hành cho thấy, Luật đã đi vào cuộc sống, đặt nền tảng pháp lý cho tổ chức và hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Viện kiểm sát nhân dân nói riêng, góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy vậy, thực tiễn cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Như: Vấn đề phân định rành mạch các chức năng cơ bản của TTHS (chức năng buộc tội – chức năng bào chữa – chức năng xét xử); Quy định về vai trò, thẩm quyền, sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan, các chủ thể, các cấp tiến hành tố tụng; Quy định các cơ chế để bảo đảm cho quá trình tiến hành tố tụng được công khai, minh bạch, dân chủ. Đổi mới tổ chức VKSND và làm rõ nội dung, phạm vi, phương thức thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, cũng như những nhiệm vụ khác do Luật giao cho ngành Kiểm sát nhân dân v.v…
Chuẩn bị cho Hội nghị này, VKSND tối cao đã triển khai nhiều hoạt động phục vụ công tác xây dựng pháp luật. Bao gồm: Đôn đốc báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật của các bộ, ngành Trung ương (Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Luật sư); Tiến hành tổng kết điểm tại 7 tỉnh, thành phố, đại diện cho các vùng, miền trong cả nước; Rà soát các văn bản pháp luật liên quan và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; Tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế; Tham quan, học tập kinh nghiệm nước ngoài; Nghiên cứu và biên dịch các Bộ luật tương tự của nhiều quốc gia v.v… Trên cơ sở đó, dự thảo Báo cáo tổng kết, định hướng sửa đổi và gợi ý thảo luận của 2 Dự án luật để trình Hội nghị. Những việc làm đó thể hiện thái độ nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm đầy đủ của Viện kiểm sát nhân dân đối với quá trình xây dựng 2 dự án Luật.
Kính thưa các đồng chí!
Để thực hiện các Dự án Luật, cần phải tổng kết, đánh giá toàn diện thực tiễn thi hành Luật 10 năm qua. Trên cơ sở đó, đề xuất nội dung, phương hướng sửa đổi, các giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quy định của Luật cũng như trong thực tiễn thi hành. Hội nghị tổng kết của chúng ta hôm nay hướng đến mục tiêu đó và nằm trong khuôn khổ hoạt động của Ban soạn thảo xây dựng 2 Dự án Luật quan trọng này.
Hội nghị sẽ được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội. Đây là những định hướng quan trọng để chúng ta tiếp thu và tổ chức thực hiện khi tổng kết và dự thảo Luật.
Lần đầu tiên, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị có sự tham gia của Viện trưởng 3 cấp kiểm sát. Theo tinh thần “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, đây là dịp để có thể tập hợp được đầy đủ ý kiến của cả Viện kiểm sát cấp huyện, nơi giải quyết 91% tổng số án hình sự mỗi năm và của cả Viện kiểm sát tối cao, nơi giải quyết các loại án có tính chất, quy mô đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, vượt ra ngoài khuôn khổ quốc gia.
Tổng kết thi hành hai bộ luật là công việc hết sức quan trọng, gắn chặt với việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Ngành. Vì vậy, đòi hỏi các đồng chí phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, bằng tất cả kiến thức, kinh nghiệm của mình để tham gia thảo luận, đề xuất, kiến nghị những nội dung mà các đồng chí hằng trăn trở, tâm niệm qua thực tiễn. Phương pháp tổ chức Hội nghị cũng cần hết sức khoa học, nghiêm túc, tận dụng thời gian, tạo cơ hội để thu nạp nhiều nhất ý kiến của các đại biểu từ mọi miền, mọi cấp với những nội dung vừa toàn diện, vừa trọng tâm, trọng điểm. Theo đó, sau phiên khai mạc, Hội nghị sẽ chia thành nhiều Tổ để thảo luận dưới sự chỉ đạo của các đồng chí Lãnh đạo Viện và Ủy viên Ủy ban kiểm sát VKSND tối cao.
Kính thưa các đồng chí!
Các đại biểu tại Hội nghị toàn quốc
Tại Hội nghị này, triển khai thực hiện Nghị quyết số 522b/NQ-UBTVQH13 ngày 16 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về trang phục và cấp hàm của Viện kiểm sát nhân dân, chúng ta báo cáo nhân dân cả nước diện mạo mới của ngành Kiểm sát nhân dân. Đây là sự quan tâm to lớn của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng Ngành. Là điều kiện thuận lợi để Viện kiểm sát nhân dân từng bước phát triển chính quy; đề cao kỷ cương, kỷ luật; tạo sự tôn nghiêm khi thực thi công vụ. Hôm nay, trong trang phục mới, chúng ta đã trịnh trọng tổ chức Lễ chào cờ tại Quảng trường Ba Đình lịch sử; kính cẩn nghiêng mình viếng Bác và thầm hứa với Bác sẽ thực hiện nghiêm túc lời dạy của Người “Cán bộ kiểm sát phải: Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Hội nghị của chúng ta sẽ hội tụ được trí tuệ, tâm huyết của toàn Ngành và chắc chắn thành công tốt đẹp.
Theo tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Hội nghị toàn quốc “Tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003”.
Kính chúc đồng chí Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đồng chí đại biểu khách quý, cùng toàn thể đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!