CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

NGƯỜI KIỂM SÁT VIÊN VƯỢT QUA THỬ THÁCH SỐ PHẬN

28/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
Anh là Nguyễn Thanh Sơn - Kiểm sát viên VKSNDTC thuộc Viện thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm (THQCTKSXXPT) tại TP. HCM.Nguyễn Thanh Sơn xuất thân trong gia đình gắn bó nhiều với ngành Kiểm sát. Cha của anh là ông Nguyễn Văn Thìn, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh hưởng từ người cha, cùng niềm yêu thích của mình, anh quyết định thi vào ngành Kiểm sát. Vươn lên từ chính nỗ lực của mình.
NGƯỜI KIỂM SÁT VIÊN VƯỢT QUA THỬ THÁCH SỐ PHẬN
 
 
Anh Nguyễn Thanh Sơn đang làm việc tại cơ quan
 
Trong cuộc đời của mình, anh không may bị bệnh nặng, nhưng bằng lòng yêu nghề, sự động viên to lớn từ đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, anh đã vượt qua bệnh tật, trở thành Kiểm sát viên ưu tú. Anh là Nguyễn Thanh Sơn - Kiểm sát viên VKSNDTC thuộc Viện thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm (THQCTKSXXPT) tại TP. HCM.Nguyễn Thanh Sơn xuất thân trong gia đình gắn bó nhiều với ngành Kiểm sát. Cha của anh là ông Nguyễn Văn Thìn, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ảnh hưởng từ người cha, cùng niềm yêu thích của mình, anh quyết định thi vào ngành Kiểm sát. Vươn lên từ chính nỗ lực của mình. Nhưng cũng chính vì cha anh từng giữ chức vụ cao trong ngành, nên Nguyễn Thanh Sơn luôn cảm thấy bị áp lực. Anh tâm sự: “Tôi rất sợ bị người khác hiểu lầm và cho rằng những gì mình đạt được là do dựa vào cha. Vì vậy, để vượt qua áp lực đó, tôi luôn nỗ lực, cố gắng để tự khẳng định mình, để chứng minh rằng tất cả những gì đạt được đều là do năng lực và sự tự thân phấn đấu của mình chứ không phải dựa dẫm vào cha mình. Cha tôi cũng rất nghiêm khắc. Ông không hề “nâng đỡ” mà để tôi bình đẳng như mọi người”. Năm 1980, tốt nghiệp trường Trung cấp Kiểm sát, Nguyễn Thanh Sơn được điều về công tác tại VKSND huyện Hoài Đức- Hà Nội. Bốn năm sau, anh được kết nạp Đảng, được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp. Năm 1985, anh học Đại học Pháp lý tại Hà Nội. Học xong, anh về công tác tại Phòng điều tra thẩm cứu VKS Hà Nội. Anh tâm sự: “Hai năm làm công tác điều tra tôi học được rất nhiều, nhất là việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ. Đây cũng là vấn đề cốt lõi để chứng minh tội phạm. Và sau này, chính những gì học được từ hoạt động điều tra đã giúp tôi thận trọng, khách quan và sắc sảo hơn khi làm công tác kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử, hiểu rõ giá trị của chứng cứ trong chứng minh một vụ án. Tôi tâm sự với bạn bè rằng: Trong hai năm điều tra, tôi học được rất nhiều, nhưng sâu sắc nhất chỉ đúng hai chữ đó là chứng cứ”.Một năm sau, Nguyễn Thanh Sơn được bổ nhiệm là Kiểm sát viên trung cấp. Lúc đó, anh mới 28 tuổi, còn rất trẻ. Năm 1992, anh là Phó Văn phòng phụ trách tổng hợp của VKSND thành phố Hà Nội. Năm 1993, anh chuyển công tác vào Viện phúc thẩm tại thành phố Hồ Chí Minh. 5 năm sau, năm 1998, anh được bổ nhiệm Kiểm sát viên VKSND Tối cao. Năm đó, anh 38 tuổi, là Kiểm sát viên trẻ của Ngành lúc đó.Vượt qua bệnh tật Năm 1999, không may anh bị bệnh nặng, sức khoẻ và tinh thần suy sụp. Thời gian này anh đang công tác tại THQCTKSXXPT TP. HCM. Lúc đó, anh đã có gia đình và hai con nhỏ. Hai vợ chồng anh cùng ở ngành Kiểm sát. Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, vất vả. Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… đã góp tiền giúp anh chữa bệnh. Hơn 10 tháng nằm điều trị ở các bệnh viện lớn, bệnh tình không giảm, anh bắt đầu chán nản và bi quan. Anh Sơn nhớ lại: “Lúc đó, mình rất chán nản, bế tắc, đã nghĩ đến chuyện viết đơn xin nghỉ việc. nhưng nhờ sự động viên, quan tâm của các đồng chí trong đơn vị, sự chăm sóc, an ủi của người thân và bạn bè, mình đã gượng dậy được. Lúc biết mình bị bệnh, đồng chí Lê Thành Dương, lúc đó là Phó Viện trưởng (nay là Viện trưởng Viện THQCTKSXXPT tại thành phố Hồ Chí Minh) đã đến thăm. Khi thấy mình nằm bệt một chỗ, cơ thể suy nhược, tinh thần suy sụp, anh Dương nói: “Cậu hãy đi làm đi, hãy lên cơ quan cùng anh em. Làm được bao nhiêu việc cũng được, nhưng nên làm để có môi trường vui hơn…”. Mình nghe theo và nhờ công việc, tinh thần mình bớt chán nản, bệnh tật phần nào giảm bớt…”.Khi anh đang chữa bệnh ở Hà Nội, đồng chí Hà Mạnh Trí lúc đó là Viện trưởng VKSNDTC, đã tới thăm gia đình anh. Anh thổ lộ: “Lúc đó, tôi không có nhà, chỉ nghe gia đình kể lại, nhưng đó là nguồn động viên to lớn với tôi. Nếu không có nguồn động viên tinh thần to lớn đó, chắc gì tôi đã vượt qua được bệnh tật”. Một niềm vui nữa với gia đình anh Sơn là cậu con trai đầu của anh vừa đậu vào trường Đại học Luật. Trăn trở cùng ngành Kiểm sátHai mươi tám năm gắn bó với ngành Kiểm sát đã để lại trong anh nhiều kỉ niệm khó quên. Anh từng tham gia phá nhiều vụ án lớn, phức tạp. Nhưng điều đọng lại trong anh vẫn là những ưu tư, trăn trở về sự phát triển của ngành Kiểm sát đã gắn bó máu thịt với gia đình anh tới hai thế hệ. Anh Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: hiện nay một số ít các kiểm sát viên trẻ ngại tranh tụng trước toà, ngại tranh cãi với luật sư. Anh Sơn lập luận: “ Sự tham gia của luật sư tại phiên toà là quan trọng. Vì vậy, chúng ta cần xem ý kiến tranh luận của luật sư là cần thiết. Thông qua những ý kiến tranh luận của luật sư mà chúng ta thấy rõ hơn, có quan điểm đúng đắn hơn về vụ án đó. Vấn đề không phải là buộc tội mà là làm sáng tỏ một cách khách quan về vụ án đó. từ đó mà tránh được án oan sai…”. Nói về chất lượng tranh tụng, anh Sơn cho rằng chất lượng tranh tụng phụ thuộc nhiều yếu tố. Nhưng điều quyết định vẫn là chất lượng kiểm sát, điều tra và chất lượng hồ sơ. Nhận xét về đồng nghiệp của mình, đồng chí Lê Thành Dương, Viện trưởng Viện THQCTKSXXPT tại thành phố Hồ Chí Minh, nói: “Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn là một kiểm sát viên rất có năng lực, có tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn, trung thực. Đồng chí Sơn là người cẩn thận, có uy tín và có những đề xuất tốt. Có những vụ án phức tạp, đồng chí Sơn có những đề xuất rất sâu và hợp lý. Điều đáng biểu dương nhất là dù bị bệnh nặng nhưng đồng chí đã phấn đấu tốt với một ý chí kiên cường để chiến thắng bệnh tật”.
 
Nguyễn Văn Thịnh
 
 
Tìm kiếm