CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

NỮ KIỂM SÁT VIÊN TIÊU BIỂU VÙNG TÂY BẮC

11/06/2008
Cỡ chữ:   Tương phản
(ĐCSVN)- Lặng lẽ mà ngát hương giống như những bông hoa giữa núi rừng Tây Bắc, chị Lò Thị Hoa đã mang đến Hội nghị Kiểm sát viên tiêu biểu Ngành Kiểm sát Nhân dân lần thứ Nhất những tâm sự bộc bạch của mình về sự gian khổ, khó khăn cùng những trăn trở và nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của một kiểm sát viên.

 NỮ KIỂM SÁT VIÊN TIÊU BIỂU VÙNG TÂY BẮC

 (ĐCSVN)- Lặng lẽ mà ngát hương giống như những bông hoa giữa núi rừng Tây Bắc, chị Lò Thị Hoa đã mang đến Hội nghị Kiểm sát viên tiêu biểu Ngành Kiểm sát Nhân dân lần thứ Nhất những tâm sự bộc bạch của mình về sự gian khổ, khó khăn cùng những trăn trở và nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ của một kiểm sát viên.
Chị là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở xã Thân Thuộc, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Tốt nghiệp Cao đẳng Kiểm sát, chị về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.
Chẳng cần nói thì mọi người cũng hình dung được những khó khăn, gian khổ của người cán bộ vùng dân tộc miền núi. Với một người cán bộ nữ, điều đó càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, thế nhưng chị Hoa vẫn sắp xếp được công việc gia đình và nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ, chức trách của mình. Từ huyện lỵ đến các xã vùng sâu, vùng xa, Kiểm sát viên chị nhiều khi phải sử dụng nhiều phương tiện khác nhau và có khi phải mất từ 3 đến 4 ngày mới có thể đến được nơi làm nhiệm vụ. Khi thì có xe máy, khi thì phải đi xe đạp và nhiều khi phải đi bộ mới vào đến thôn bản. Việc đi bộ hàng ngày để khám nghiệm hiện trường hoặc đi tống đạt cáo trạng đối với chị là việc thường xuyên trong những năm qua. Trong những điều kiện như vậy, nếu không có lòng yêu ngành, yêu nghề, nếu không có nghị lực và ý chí thì khó có thể hoàn thành nhiệm vụ. Có thể nói đối với chị, những khó khăn nêu trên vừa là thử thách, vừa là điều kiện rèn luyện ý chí và bản lĩnh cho các Kiểm sát viên vùng núi cao chị.
Đến được thôn bản đã khó, giải thích và tuyên truyền cho mọi người dân hiểu về pháp luật còn khó hơn nhiều bởi Than Uyên là huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh, kinh tế chưa phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Từ năm 2004, kể từ khi huyện Than Uyên thuộc tỉnh Lào Cai được sát nhập về tỉnh Lai Châu, tình hình vi phạm, tội phạm trên địa bàn huyện luôn có những diễn biến khá phức tạp, số vụ việc vi phạm, tội phạm luôn đứng đầu trong số các huyện, thị của tỉnh Lai Châu hiện nay, hàng năm Viện kiểm sát Nhân dân huyện đã thụ lý trên 100 vụ án hình sự. Cùng với các đồng chí Kiểm sát viên, cán bộ trong Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Than Uyên, chị đã thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện còn nhiều khó khăn phức tạp ấy.
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử chị và các đồng nghiệp đã thực sự gặp khó khăn khi gặp các vụ án có bị cáo là người dân tộc ít người. Phiên dịch là khâu khó khăn nhất, do vậy, chị phải vừa làm vừa học, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân huyện vùng núi cao phải nghiên cứu để tìm hiểu phong tục tập quán của các dân tộc ít người thì mới làm tốt được nhiệm vụ.
Hơn 8 năm trong nghề, chị đã trực tiếp kiểm sát điều tra hàng trăm vụ án, tiếp xúc với hàng trăm bị can. Mỗi vụ án, mỗi con người đều để lại trong chị những suy tư riêng. Chị chỉ còn biết cố gắng để không có trường hợp nào bị oan sai. Để có được kết quả đó, chị đã chú trọng nghiên cứu hồ sơ vụ án, rèn luyện kỹ năng tham gia xét xử tại phiên tòa, chú trọng việc xây dựng bản luận tội, chuẩn bị đề cương xét hỏi và dự kiến những tình huống diễn biến tại phiên tòa để chủ động và thực hiện tốt nhiệm vụ tại phiên tòa. Tập trung theo dõi diễn biến tại phiên toà, nhất là lời khai của những người tham gia tố tụng tại phiên toà; nắm bắt những ý kiến của bị cáo và những người tham gia tố tụng để chuẩn bị cho việc tranh luận theo tinh thần cải cách tư pháp.
Theo chị, để có thể làm tốt công việc của một kiểm sát viên, đặc biệt là trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà sơ thẩm hình sự, trước hết là phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án, nắm chắc các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án để chuẩn bị tham gia phiên toà. Nếu Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà sơ thẩm là người đã trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án thì là một điều hết sức thuận lợi trong việc nắm chức tiến độ và nội dung vụ án.
Đối với những vụ án nghiệm trọng, phức tạp nhất thiết Kiểm sát viên phải trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án; nhất thiết phải trực tiếp kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường hoặc tham gia thực nghiệm điều tra. Qua đó sẽ củng cố thêm được niềm tin vào những chứng cứ đã thu được trong quá trình điều tra; có điều kiện kiểm định, đối chiếu với những chứng cứ còn chưa vững chắc và có thể giải quyết các vấn đề còn mâu thuẫn, chưa thống nhất. Trên cơ sở này, giúp cho Kiểm sát viên nắm vững nội dung vụ án và các diễn biến khách quan của vụ án để có những phương án giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong quá trình xử lý vụ án.
Để chuẩn bị tham gia phiên toà được tốt, trước khi chuyển vụ án sang Toà án truy tố, Kiểm sát viên cần rà soát lại toàn bộ hồ sơ vụ án đã lập trong quá trình điều tra, truy tố; đánh giá tổng quát các chứng cứ đã thu thập được, cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội; trên cơ sở đó cần đầu tư thích đáng cho việc xây dựng bản dự thảo luận tội và chuẩn bị đề cương xét hỏi, dự kiến diễn biến và những tình huống phát sinh tại phiên toà một cách kỹ lưỡng. Những công việc trên đây là một yêu cầu phải thực hiện đối với Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà sơ thẩm; chỉ có như vậy Kiểm sát viên mới có đủ tự tin, giữ vững bản lĩnh và có phương pháp tốt để xử lý các tình huống xảy ra tại phiên toà.
Khi tham dự phiên toà, Kiểm sát viên là người đại diện cho Viện Kiểm sát Nhân dân. Vì vậy, Kiểm sát viên cần có phong thái tự tin, nghiêm túc, trang phục gọn gàng, thực hiện đúng các quy định của Ngành. Đối với các Kiểm sát viên là nữ cần chú ý việc trang điểm sao cho lịch sự, nhẹ nhàng, không nên gây ấn tượng mạnh về cách trang điểm nhưng tạo được niềm tin và sự tôn trọng của những người tham dự phiên toà.
Chính sự cẩn trọng và nhiệt tình của chị đã góp phần vào việc nâng cao chất lượng công tác kiểm sát điều tra của đơn vị, khắc phục được tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Bên cạnh đó, chị đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện trong việc đảm bảo các hồ sơ đưa ra truy tố có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Với những nỗ lực của bản thân, chị đã được Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao tặng nhiều Bằng khen; được Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lào Cai và Liên đoàn Lao động tỉnh Lai Châu tặng bằng khen về thành tích thi đua cá nhân. Và vinh dự hơn, chị được chọn là một trong 156 gương mặt kiểm sát viên tiêu biểu toàn quốc được Chủ tịch nước tuyên dương và tặng bằng khen ngày 2-3 vừa qua.
Khi được hỏi về cảm nghĩ của chị sau khi nhận được phần thưởng này, chị nói: “Với một cán bộ nữ vùng dân tộc như tôi, được bổ nhiệm là Kiểm sát viên đã là một vinh dự lớn, nhận được bằng khen lần này là niềm ao ước của tôi bấy lâu nay. Điều đó thể hiện sự ghi nhận của Lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân đối với kết quả phấn đấu, rèn luyện của cá nhân tôi. Hơn nữa, lần đầu tiên được gặp Chủ tịch nước, được chụp ảnh lưu niệm cùng và được gặp nhiều đồng nghiệp ở khắp mọi miền Tổ quốc đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi sẽ có nhiều chuyện để kể cho bạn bè, người thân sau chuyến đi này.”

Những tâm sự bộc bạch của chị Thoa cùng những kinh nghiệm trong thực tế công tác mà chị chia sẻ cùng đồng nghiệp trong ngày tuyên dương ấy đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người.                     

                                                                                 (Theo báo đin tĐCSVN)   Hiền Hoà

Tìm kiếm