Ngày 05/7/2022, tại Hà Nội, Chương trình Hợp tác ASEAN - Australia Phòng, chống mua bán người (ASEAN - ACT) tổ chức Hội thảo tập huấn “Truyền thông chiến lược và chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống mua bán người tại Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan Chính phủ và đối tác của Chương trình ASEAN - ACT hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và phòng chống mua bán người tại Việt Nam, bao gồm: Bộ Công an; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tối cao; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Tổ chức trẻ em Rồng Xanh.
Tham gia giảng dạy, tập huấn tại Hội thảo có các chuyên gia đến từ Chương trình ASEAN - ACT; Vụ Bình đẳng giới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; các nhà báo có kinh nghiệm trong công tác truyền thông về phòng chống mua bán người.
Chương trình ASEAN - Australia phòng, chống mua bán người là một dự án được thực hiện trong vòng 10 năm (2018 - 2028) nhằm tiếp nối những nỗ lực của Chính phủ Australia trong việc tăng cường ứng phó tư pháp hình sự đối với tội phạm mua bán người, thực hiện công ước ASEAN về phòng chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái (Công ước ACTIP) giữa các thành viên ASEAN, đồng thời hỗ trợ quan hệ đối tác cấp khu vực và cấp quốc gia.
Chương trình ASEAN - ACT do Chính phủ Australia tài trợ và đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt. Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Australia về việc thực hiện Chương trình ASEAN - ACT tại Việt Nam được Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, đại diện cho hai Chính phủ, ký kết ngày 23/8/2019.
Tại Việt Nam, Chương trình hướng đến hỗ trợ nhu cầu phát triển của Chính phủ Việt Nam, tăng cường hiệu quả công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án mua bán người và hỗ trợ bảo vệ nạn nhân bị mua bán.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sỹ Lucia Pietropaoli, Giám đốc chương trình ASEAN - ACT cấp khu vực nhấn mạnh, Hội thảo tập huấn được tổ chức nhằm nêu lên thực trạng mua bán người, phân tích những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến tình trạng mua bán người tại Việt Nam và các nước trong khu vực, trong đó nêu bật tầm quan trọng, vai trò của truyền thông đối với công tác phòng chống mua bán người. Thông qua Hội thảo nhằm nâng cao tính hiệu quả của các hoạt động truyền thông với nhóm người có nguy cơ cao bị mua bán, bao gồm người lao động di cư, dân tộc thiểu số hoặc những người có khó khăn về kinh tế.
Chương trình ASEAN - ACT ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ cũng như các cơ quan hữu quan của Việt Nam trong công tác phòng chống mua bán người. Với nền tảng vững chắc và kinh nghiệm lâu dài trong hoạt động truyền thông và tuyên truyền, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, truyền thông về mua bán người cần phải có sự tham gia của các yếu tố kỹ thuật liên quan đến nền tảng số để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phù hợp với xu hướng thời đại. Do vậy, thông qua Hội thảo, Chương trình ASEAN - ACT mong muốn có thể chia sẻ kinh nghiệm của các nước trên thế giới về cách tiếp cận vấn đề, phương thức truyền thông để giúp Việt Nam nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động truyền thông về phòng chống mua bán người.
Tại Hội thảo, đại biểu tham dự tập huấn được nghe các chuyên gia giới thiệu những nội dung sau: Một số xu hướng và yếu tố tác động đến tình hình mua bán người tại khu vực ASEAN và Việt Nam; tổng quan về truyền thông nâng cao nhận thức và vận động chính sách trong công tác phòng chống mua bán người tại Việt Nam; truyền thông chiến lược về phòng chống mua bán người; nguyên tắc đạo đức trong truyền thông về mua bán người; các cách thức tiếp cận truyền thông nhằm thay đổi hành vi và phòng ngừa mua bán người; số hoá hoạt động truyền thông…
Tại Hội thảo tập huấn, các đại biểu cũng đã tham gia các phiên thảo luận về những mô hình, hoạt động truyền thông phòng chống mua bán người đang được thực hiện tại Việt Nam; phân tích những mô hình hiệu quả, mô hình chưa thực sự hiệu quả và tìm ra nguyên nhân của những hạn chế, bất cập; khó khăn, vướng mắc trong thiết kế, xây dựng, thực hiện các chiến dịch truyền thông nhằm phòng chống mua bán người.
Trên cơ sở các kiến thức và nội dung được chia sẻ, đại biểu tham dự tập huấn đã có các phần thực hành nhằm áp dụng các kiến thức về kỹ thuật truyền thông, kỹ năng thiết kế, xây dựng chiến dịch truyền thông, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về phòng chống mua bán người.