CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập

19/01/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-CP về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội.

Sau hơn 35 năm đổi mới đất nước, thị trường lao động Việt Nam đã có bước phát triển cả về quy mô và chất lượng, từng bước hiện đại, bền vững và hội nhập quốc tế. Hệ thống thể chế, chính sách thị trường lao động được hoàn thiện; chất lượng việc làm ngày càng cải thiện; từng bước chính thức hóa việc làm phi chính thức; cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ. Năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên, đóng góp quan trọng vào những thành tựu về kinh tế - xã hội Việt Nam đạt được trong thời gian qua.

Tuy nhiên, thị trường lao động nước ta phát triển chưa đủ mạnh để giải phóng mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được nhiều việc làm theo hướng bền vững, mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ giữa các vùng, khu vực, ngành nghề và nhân lực chất lượng chưa cao. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã làm cho thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề. Cùng với thị trường hàng hoá - dịch vụ, tài chính, tiền tệ, khoa học - công nghệ và thị trường bất động sản, thị trường lao động được xác định là một thị trường trọng yếu của nền kinh tế và cần được đổi mới, đẩy mạnh phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Để xây dựng và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội, Chính phủ đề ra mục tiêu như sau: Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong đó, các yếu tố của thị trường lao động được phát triển đồng bộ và hiện đại; chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức, vận hành thị trường lao động được nâng cao. Thị trường lao động đóng vai trò chủ động trong huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong nước với thị trường lao động của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Để thực hiện mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục quán triệt thực hiện đồng bộ, thống nhất, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Hoàn thiện khung pháp lý, rà soát sửa đổi các quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường lao động đúng hướng, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường sự công khai, minh bạch của các chủ thể tham gia thị trường. Tiếp tục nội luật hóa và quy định cụ thể các tiêu chuẩn lao động phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế. Nghiên cứu, đề xuất ban hành, sửa đổi các chính sách để hạn chế thất nghiệp, nâng cao chất lượng lao động. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho lực lượng lao động

Phục hồi và ổn định thị trường lao động. Khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối, cung ứng lao động. Rà soát, đánh giá, sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; các tổ chức đánh giá kỹ năng nghề. Tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ, mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số

Thúc đẩy tạo việc làm bền vững và sử dụng hiệu quả lực lượng lao động. Trong đó, tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế tạo nhiều việc làm bền vững; Tập trung thực hiện các giải pháp để phân luồng, nâng cao chất lượng nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Tổ chức đào tạo, cung ứng kịp thời nhân lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ. Đầu tư phát triển hệ thống kết nối cung - cầu lao động, công tác dự báo cung - cầu lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội. Hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động

Nâng cao nhận thức, nhất là người đứng đầu một số cơ quan bộ, ngành, địa phương, đơn vị về vai trò, tầm quan trọng phát triển thị trường lao động; chủ động có giải pháp hiệu quả để đảm bảo và phát triển thị trường lao động bền vững. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền bài bản, kịp thời, liên tục, nâng cao nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động và các chủ thể tham gia thị trường lao động; đảm bảo ổn định và phát triển thị trường lao động.

HQ
Tìm kiếm