Sáng 12/7, theo chương trình phiên họp thứ 24, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN về việc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quôc hội đề nghị cần phân tích, đánh giá tính sâu sát, phù hợp, thực chất và hiệu quả của công tác tiếp xúc cử tri để thấy được những điểm cần sửa đổi trong nghị quyết, những điểm chấn chỉnh trong công tác thực hiện.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN.
Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác tổng kết, nghiên cứu, rà soát của Ban Dân nguyện. Việc tham gia tổng kết đánh giá và xây dựng báo cáo đã có sự phối hợp rất chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và đặc biệt với sự tham gia rất tích cực của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cơ bản thống nhất với nhiều nội dung trong báo cáo, các ý kiến ghi nhận báo cáo của Ban Dân nguyện được chuẩn bị kỹ lưỡng có đánh giá khá đầy đủ, chi tiết, có phân tích sát thực.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc nghiên cứu, rà soát, tổng kết Nghị quyết 525 về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội rất cần thiết. Bởi Nghị quyết này được ban hành từ ngày 27/9/2012, có hiệu lực từ 1/1/2013. Đến nay cũng đã thực hiện được 10 năm và cũng có rất nhiều quy định trong các luật, nghị quyết của Quốc hội đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới với nhiều quy định cụ thể và quy định mới khác với các quy định trong Nghị quyết liên tịch này. Cho nên việc tổng kết, nghiên cứu, rà soát là rất cần thiết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng khẳng định.
Đồng thời đây cũng là dịp để đánh giá, nhìn lại những mặt được, mặt chưa được, những vấn đề cần tiếp tục phát huy, những vấn đề cần khắc phục để nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri. Đây cũng là thực hiện nhiệm vụ, vai trò của đại biểu Quốc hội trong giữ mối liên hệ mật thiết cử tri, phản ánh ý kiến, nguyện vọng, tâm tư của cử tri, theo dõi, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri.
Bên cạnh đó, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phân tích sâu hơn một số nội dung để có định hướng sửa đổi, bổ sung.
Thực tiễn công tác tiếp xúc cử tri rất phong phú và linh hoạt
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chia sẻ, qua thực tiễn tham gia Quốc hội, tham gia hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc họi và dự một số phiên chuyên đề với các Đoàn đại biểu Quốc hội khác cho thấy công tác tiếp xúc cử tri rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay như báo cáo đánh giá chủ yếu tiếp xúc trước kỳ họp và sau kỳ họp, còn tiếp xúc chuyên đề, tiếp xúc nơi làm việc, nơi cư trú rất ít. Tiếp xúc chuyên đề được 3%, nơi cư trú khoảng hơn 1%. Các địa phương cũng làm rất khác nhau. Hiện cũng chưa có giải thích làm rõ cách xác định buổi tiếp xúc cử tri, cuộc tiếp xúc cử tri để có được thống kê đồng bộ giữa các địa phương để có số liệu chính xác. Các địa phương đang thống kê rất khác nhau. Cách thống kê không cùng một tiêu chí cho nên có những tỉnh thống kê 10 năm chỉ có mấy chục cuộc, trong khi đó có tỉnh hàng nghìn cuộc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ rõ.
Thực tế cách thức tổ chức các địa phương cũng đang làm rất khác nhau. Có địa phương tổ chức cho các đại biểu luận chuyển đi tiếp xúc cử tri đi khắp các huyện; có địa phương phân công đại biểu tiếp xúc cử tri cố định; có địa phương tổ chức theo nhóm đại biểu, có địa phương đi tập thể, đi đến đơn vị bầu cử. Bên cạnh đó, cách thức tổ chức điều hành tại hội nghị tiếp xúc cử tri cũng rất khác nhau. Có có nơi Mặt trận Tổ quốc ở huyện điều hành; có nơi Mặt trận Tổ quốc chỉ khai mạc, còn lại giao cho Đoàn đại biểu Quốc hội điều hành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng đây là vấn đề cần phải phân tích sâu thêm bởi thực tiễn cho thấy công tác tiếp xúc cử tri rất phong phú, rất linh hoạt và mỗi hình thức có một tác dụng của nó và ứng phó với tình huống xảy ra.
Thành phần cử tri tham dự cũng khác nhau giữa các địa phương. Có nơi hệ thống Mặt trận Tổ quốc tổ chức làm việc đến tận thôn, tổ dân phố, lắng nghe ý kiến cử tri sau đó tổng kết lại thành văn bản. Sau đó, tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội mỗi xã cử đại diện là những người có trình độ, chuẩn bị sẵn sàng để nói đến những việc của Quốc hội, nói về cơ chế, chính sách. Cũng có địa phương mở rộng thông báo rộng rãi đến người dân để tham gia nhưng phần lớn tại cuộc này người dân nói về tranh chấp đất đai ở cơ sở, ở phường, ở xã, ở địa phương, hầu như không nói chuyện của Quốc hội….Đây là những vấn đề cần được làm rõ trong tổng kết để có hướng dẫn thống nhất, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.
Cần làm rõ những nội dung cần phải sửa đổi trong nghị quyết, những vấn đề cần phải chấn chỉnh trong tổ chức thực hiện
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần phân tích làm rõ thực trạng mà báo cáo đã nêu về "số lượng các cuộc tiếp xúc cử tri tại nơi cư trú, nơi công tác, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố nơi đại biểu ứng cử chiếm tỷ lệ quá thấp so với tổng số cuộc tiếp xúc cử tri". Theo Tổng Thư ký Quốc hội, cần lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả trên, từ đó nghiên cứu, đánh giá chuyên sâu để có giải pháp phù hợp trong quy định mới.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cần có quy định cụ thể, hướng dẫn cho việc tổ chức tiếp xúc cử tri chung giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Mặt khác, Nghị quyết 525 cũng chưa quy định về hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp với trực tiếp, tổng hợp ý kiến cử tri tại các kỳ họp bất thường…cần phải nghiên cứu để tính toán thêm.
Để có thể hoàn thiện thêm vấn đề này trong quá trình chuẩn bị sửa đổi nghị quyết tới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị tiếp tục làm rõ hơn những hạn chế và bất cập trong từng nội dung do quy định của nghị quyết bất cập hay do công tác tổ chức thực hiện. Bởi xác định rõ vấn đề này mới có hướng giải pháp và sửa đổi, bổ sung, cập nhật nghị quyết. Vấn đề nào do tổ chức thực hiện phải có giải pháp chấn chỉnh đối với công tác triển khai thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích, hình thức tiếp xúc cử tri khác như tại nơi cư trú, nơi làm việc hay là tiếp xúc cử tri theo đối tượng, theo chuyên đề, theo lĩnh vực, tiếp xúc cử tri ở ngoài địa bàn đại biểu Quốc hội ứng cử còn ít là một trong những tồn tại, hạn chế được báo cáo nêu ra. Báo cáo phản ánh đúng thực trạng. Tuy nhiên, Nghị quyết đã quy định rất đầy đủ tất cả những hình thức tiếp xúc cử tri này. Vấn đề là đại biểu Quốc hội không có nhu cầu tiếp xúc cử tri ở ngoài địa bàn mình ứng cử. Việc tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú cũng không hoàn toàn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của đại biểu cho nên đại biểu Quốc hội cũng không có đề xuất. Như vậy đây là bất cập của nghị quyết quy định chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ hay là do công tác tổ chức thực hiện hay là thực tiễn như thế là điều cần phải đánh giá sâu hơn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ.
Hay việc báo cáo nhận định "tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức, nội dung chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri còn đơn điệu", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng những việc này không phải do quy định của Nghị quyết. Nghị quyết đã quy định đầy đủ về việc trước kỳ họp thì tiếp xúc cử tri sẽ tập trung vào những vấn đề gì, sau kỳ họp thì tập trung vào những vấn đề gì. Nghị quyết cũng quy định tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, cử tri nêu những vấn đề về tâm tư nguyện vọng gửi gắm đến Quốc hội, đến các cơ quan Trung ương, những vấn đề đề nghị các cơ quan Trung ương cần quan tâm giải quyết. Trong thực tiễn rất nhiều trường hợp cử tri chỉ quan tâm sâu đến những vấn đề cơm áo gạo tiền trực tiếp của mình, vấn đề đầu tư hạ tầng, điện, đường, trường, trạm ở nơi mình sinh sống hay là những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của mình mà pháp luật quy định nhưng chưa được thực hiện tốt, còn vấn đề kiến nghị mang tầm vĩ mô cũng có nhưng rất ít. Đó là thực tiễn và không phải là bất cập của Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chỉ rõ.
Do đó, những vấn đề này cần phải có phân tích, đánh giá sâu hơn trong báo cáo này để thấy được những gì cần phải sửa đổi trong nghị quyết sắp tới, những gì cần phải chấn chỉnh trong công tác thực hiện.
Sửa đổi quy định về tiếp xúc cử tri: Bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cần phải rà soát và tổng hợp đầy đủ hơn để sau này có cơ sở thể hiện trong nghị quyết mới quy định về những nội dung cải tiến đổi mới liên quan đến việc tiếp xúc cử tri, đến việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và đặc biệt là công tác giải quyết kiến nghị cử tri và giám sát kiến nghị của cử tri mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã triển khai thực hiện, nhất là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, công tác dân nguyện hàng tháng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đã giải quyết rất nhiều, rất nhanh, rất kịp thời nhiều kiến nghị cử tri. Hiện nay, đã không phải chờ đến kỳ họp mới giải quyết mà là giải quyết ngay từng tháng cho nên hiệu quả giải quyết tăng lên. Hay việc xem xét báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cũng có rất nhiều đổi mới. Nếu như trước báo cáo về kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chỉ gửi cho đại biểu Quốc hội bằng văn bản. Đến khoá XIV thì báo cáo này được trình bày trước Quốc hội trước phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Từ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đến nay và tiếp tục kế thừa trong Quốc hội khóa XV thì báo cáo này được đưa lên trình bày trong phiên khai mạc, gắn với báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội để tổ chức phiên thảo luận tại hội trường về báo cáo giám sát giải quyết kiến nghị cử tri và được dư luận, cử tri đồng tình rất cao. Qua tiếp xúc cử tri sau kỳ họp cho thấy, cử tri hoan nghênh và đánh giá rất cao vấn đề này bởi đây là những vấn đề sát sườn với quyền lợi của cử tri, tiếng nói cử tri, được đại biểu Quốc hội thảo luận, được Quốc hội xem xét. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng những cải tiến đổi mới này cần phải có hình thức ghi nhận.
Có cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thêm, thời điểm hiện nay, dù không có COVID-19 nhưng vẫn áp dụng và nhận thấy việc tiếp xúc cử tri trực tuyến, tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp trực tuyến được tiến hành hiệu quả. Hay vận động bầu cử phát trên cả đài phát thanh, truyền hình để người dân dù có đang đi làm ngoài đồng ruộng vẫn nghe được, vẫn theo dõi được.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị của Ban Dân nguyện, các ý kiến tại phiên họp và đề nghị tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó có thêm đánh giá việc quán triệt thực hiện nghị quyết, giám sát việc thực hiện nghị quyết, đánh giá tính sâu sát, phù hợp, thực chất, thiết thực và hiệu quả của công tác tiếp xúc cử tri; đồng thời nêu ra quan điểm lớn cần sửa đổi, bổ sung; những nội dung chính, chính sách lớn cần phải sửa đổi, bổ sung.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý thêm về mặt nội dung cần nhấn mạnh việc phải sửa đổi, bổ sung nghị quyết tới đây phải quán triệt đầy đủ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Chủ tịch Quốc hội nêu rõ yêu cầu bám sát quy định pháp luật để có đánh giá tổng kết đồng thời có hướng sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm đạt yêu cầu sâu sát, phù hợp, thực chất, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, vừa bảo đảm linh hoạt, thích ứng, sáng tạo của từng địa phương vừa bảo đảm tính thống nhất trong đa dạng./.