CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023

11/08/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 124/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2023.

Nghị quyết nêu rõ, trong tháng 8 và các tháng tiếp theo đến cuối năm 2023, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, phối hợp chặt chẽ, thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; nắm chắc tình hình để chủ động, linh hoạt trong điều hành, có các giải pháp đúng và trúng để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; nỗ lực phấn đấu để hoàn thành đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm.

- Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trên các lĩnh vực; kiên quyết, kiên trì khắc phục triệt để tình trạng né tránh, không giải quyết kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền, đùn đẩy trách nhiệm, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc. Thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí phải chính xác, khách quan; chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả những vấn đề được báo chí, dư luận và người dân, doanh nghiệp quan tâm, phản ánh, đề xuất.

Tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5; chủ động, tích cực chuẩn bị chu đáo, đảm bảo tiến độ, chất lượng các nội dung trình Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII và Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tập trung rà soát toàn diện các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện những quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc để sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 689/TTg-PL ngày 29/7/2023. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nâng cao trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm về chất lượng, tiến độ các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, Ngành mình.

Đồng thời, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, quyết liệt rà soát và cương quyết cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là việc định giá đất, điều chỉnh và phê duyệt quy hoạch, hoàn thuế giá trị gia tăng... Thúc đẩy các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Nghiên cứu, chủ động có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bằng các chương trình, dự án, giải pháp cụ thể.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thế giới và hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong nước, thường xuyên phân tích, dự báo, cập nhật kịch bản tăng trưởng để kịp thời kiến nghị các giải pháp cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Khẩn trương nghiên cứu việc xây dựng Nghị quyết trong tháng 8/2023 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng, thúc đẩy liên kết vùng gắn với tăng cường xúc tiến đầu tư.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu các giải pháp hướng dẫn địa phương kiểm soát, chống thất thu thuế đối với dịch vụ ăn uống, hoạt động kinh tế đêm...; trước mắt, tập trung triển khai tại một số trung tâm du lịch lớn trước khi nhân rộng trên toàn quốc.

Theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong việc thanh toán nghĩa vụ gốc, lãi đến hạn trong Quý III năm 2023 để chủ động đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả xử lý khó khăn, vướng mắc trong trường hợp cần thiết.

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục điều hành chủ động, kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp, hiệu quả các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp tình hình; triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.

- Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời có giải pháp quản lý, điều tiết sản xuất nhằm ổn định cung cầu, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng và hàng hóa thiết yếu khác; bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống, không để việc tăng giá đột biến. Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cung ứng năng lượng than, dầu, khí thiên nhiên hóa lỏng, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, bảo đảm đúng thời hạn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023.

Bên cạnh đó, thực hiện hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; giữ vững, củng cố các thị trường truyền thống và mở rộng hơn nữa thị trường mới, tiềm năng; đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; thúc đẩy và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) giữa Việt Nam và các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) phù hợp với các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Việt Nam; thực hiện các thủ tục để có thể khởi động đàm phán các FTA với Ai Cập, Nam Phi, các nước Nam Mỹ.

Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để phát triển mạnh thị trường trong nước, mở rộng kích cầu tiêu dùng; nâng cao hiệu quả quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; tiếp tục rà soát, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, khai thác khoáng sản..., bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo dõi, giám sát chặt chẽ, dự báo, cảnh báo kịp thời các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai nguy hiểm, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, cung cấp thông tin đến các cơ quan, địa phương, người dân để chủ động chỉ đạo, ứng phó hiệu quả; kiểm tra, đánh giá các tai biến địa chất, môi trường, xác định nguyên nhân, giải pháp bảo đảm an toàn cho người dân.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu trình Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền giải quyết trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội đối với người cao tuổi từ 75 đến 80 tuổi; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi, bảo đảm tương quan chính sách với các đối tượng khác.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Cơ sở dữ liệu an sinh xã hội, kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo chi trả qua tài khoản cho 100% đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội đã có tài khoản (đã đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money,...) từ ngân sách nhà nước, bảo đảm chính xác, nhanh chóng, kịp thời; hoàn thành trong tháng 9/2023.

- Bộ Nội vụ theo dõi chặt chẽ quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 tại các địa phương, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, bảo đảm mục tiêu, lộ trình thực hiện trong năm 2023, 2024; kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn các nhiệm vụ liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nhất là việc kiện toàn tổ chức bộ máy và giải quyết dôi dư đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị và vấn đề trụ sở, tài sản công... tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Đồng thời, đôn đốc các Bộ, cơ quan khẩn trương ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm tại các bộ, cơ quan, làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo vị trí việc làm, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ các hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các vấn đề vượt thẩm quyền. Chuẩn bị kỹ các nội dung, báo cáo, dự án luật trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.

Nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung tính năng của Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch điện tử theo hướng phân quyền quản trị đến cấp huyện. Chỉ đạo Sở Tư pháp các địa phương không yêu cầu người dân cung cấp bản sao Căn cước công dân khi làm thủ tục liên thông Đăng ký khai sinh và các giấy tờ cần thiết khác.

- Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, nhất là Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII; các đoàn khách quốc tế, các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam; hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Chủ động nắm chắc, đánh giá, dự báo sát tình hình, kịp thời tham mưu lãnh đạo Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia. Làm tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh thông tin, an ninh kinh tế, an ninh mạng, an ninh xã hội, an ninh tại các địa bàn chiến lược. Tập trung trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó cứu nạn, cứu hộ và phòng chống thiên tai.

Mặt khác, tổ chức triển khai nhanh, có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân để thực hiện thống nhất, đồng bộ, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.

- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương triển khai linh hoạt, đồng bộ, hiệu quả các hoạt động đối ngoại cấp cao trong các tháng cuối năm. Tích cực tham gia và phát huy hiệu quả vai trò của Việt Nam tại các tổ chức và cơ chế hợp tác đa phương như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, hợp tác Tiểu vùng Mê Công...

Khẩn trương xây dựng và hoàn thiện các đề án, báo cáo về phát triển quan hệ với các đối tác quan trọng; chủ trương, định hướng ứng xử với các sáng kiến của các nước lớn. Rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã ký trong các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023 các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả.

- Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số; bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin, tốc độ truy cập mạng băng thông rộng phục vụ chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06; sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác chuyển đổi số ở cấp quốc gia, cấp Bộ, Ngành và địa phương.

Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách, tăng cường thông tin đậm nét về các quyết sách của Đảng, Quốc hội, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, Ngành, địa phương; tuyên truyền phản ánh khách quan, làm nổi bật các kết quả đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đến nay, các thành tựu về bảo đảm quyền con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, quyền của người dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Định hướng tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, mô hình phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, cách làm hay, tiên tiến...

File đính kèm
TH
Tìm kiếm