Từ ngày 1/1/2019, 10 Luật có hiệu lực thi hành gồm: Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung 11 Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch;...
Từ ngày 1/1/2019, 10 Luật có hiệu lực thi hành gồm: Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung 11 Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Quốc phòng; Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Thể dục, thể thao.
Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Một trong những nội dung chính của Luật An ninh mạng nằm ở Chương II quy định về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Nội dung của chương này thể hiện đầy đủ các biện pháp, hoạt động bảo vệ tương xứng với mức độ quan trọng của hệ thống thông tin này. Trong đó, nêu ra tiêu chí xác định, lĩnh vực liên quan, quy định các biện pháp như: Thẩm định an ninh mạng, đánh giá điều kiện, kiểm tra, giám sát an ninh mạng và ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia.
Nghiêm cấm làm lộ danh tính của người tố cáo
Với 9 chương, 67 điều, Luật Tố cáo quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ và hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Luật quy định nguyên tắc là việc giải quyết tố cáo phải kịp thời, chính xác, khách quan, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục và thời hạn theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết tố cáo phải bảo đảm an toàn cho người tố cáo; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.
Những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của luật là: Cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người tố cáo; thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc giải quyết tố cáo; tiết lộ họ tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo; làm mất, làm sai lệch hồ sơ, tài liệu vụ việc tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo; không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật, sách nhiễu, gây phiền hà cho người tố cáo, người bị tố cáo;..
Sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh
Luật Quy hoạch xác định quy hoạch phải là việc sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Luật điều chỉnh chung cho tất cả các loại quy hoạch trên phạm vi cả nước về lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; trách nhiệm quản lý nhà nước về quy hoạch.
Với bố cục gồm 6 chương, 59 điều và 3 phụ lục, Luật Quy hoạch có các quy định cụ thể liên quan đến hệ thống quy hoạch và mối liên hệ giữa các loại quy hoạch; nguyên tắc chủ yếu trong hoạt động quy hoạch; nội dung quy hoạch; tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch; thẩm quyền quyết định và phê duyệt quy hoạch; trách nhiệm quản lý nhà nước và thông tin quy hoạch;…
Loại bỏ những giấy phép trái quy luật kinh tế thị trường
Nội dung chủ yếu của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật liên quan đến quy hoạch là bãi bỏ các quy hoạch sản phẩm, như quy hoạch công nghiệp hóa chất, quy hoạch công nghiệp dược,… đang tồn tại. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để loại bỏ những giấy phép trái quy luật kinh tế thị trường và là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Luật gồm 12 điều, trong đó có 11 điều sửa đổi 11 Luật, bao gồm: Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Trẻ em và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành luật.
Bước đột phá khi bãi bỏ quy hoạch sản phẩm, hàng hóa
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ... đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh...
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch gồm 31 điều, trong đó có 30 điều quy định việc sửa đổi 37 luật và 1 điều quy định hiệu lực thi hành.
Kết hợp quốc phòng với KTXH và KTXH với quốc phòng
Với 7 Chương và 40 điều, Luật Quốc phòng quy định nguyên tắc, chính sách; hoạt động cơ bản về quốc phòng; tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm; lực lượng vũ trang nhân dân; bảo đảm quốc phòng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức; quyền và nghĩa vụ của công dân về quốc phòng.
Một trong những điểm đáng chú ý của Luật này là quy định về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng được nêu ở Điều 15. Theo quy định tại điều này, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng là sự gắn kết mọi hoạt động quốc phòng với các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có sự thống nhất quản lý, điều hành của Nhà nước để góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội. Điều 15 của Luật cũng đã nêu rõ các nhiệm vụ kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng.
Liên kết theo chuỗi để nâng cao giá trị rừng
Luật Lâm nghiệp quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp; chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp; phân loại rừng; những hành vi bị nghiêm cấm; quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; sử dụng rừng; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm…
Luật quy định về xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng.
Luật cũng quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có chặt, phá, khai thác, lấn, chiếm rừng trái quy định của pháp luật; Đưa chất thải, hoá chất độc hại, chất nổ, chất cháy, chất dễ cháy vào rừng trái quy định, công cụ, phương tiện vào rừng trái quy định của pháp luật; chăn, dắt, thả gia súc, vật nuôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng, rừng mới trồng; Săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật; hủy hoại tài nguyên rừng, hệ sinh thái rừng, công trình bảo vệ và phát triển rừng; vi phạm các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng, phòng, trừ sinh vật gây hại rừng, quản lý các loài ngoại lai xâm hại, dịch vụ môi trường rừng…
Quản lý nhà nước về thủy sản
Luật Thủy sản (sửa đổi) có bố cục gồm 9 chương với 105 điều quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản hoặc có liên quan đến hoạt động thủy sản; quản lý nhà nước về thủy sản.
Theo Luật, những hành vi cấm trong hoạt động thủy sản gồm: Hủy hoại nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú của các loài thủy sản; Cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản; lấn, chiếm, gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu bảo tồn biển; khai thác, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình và các hoạt động khác ảnh hưởng đến môi trường sống, nguồn lợi thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển; tàu cá, tàu biển và phương tiện thủy khác hoạt động trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng; khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản…
Luật cũng dành 1 chương (Chương VI) quy định về kiểm ngư, trong đó nêu rõ chức năng của kiểm ngư là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện chức năng bảo đảm thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Luật Đo đạc và bản đồ
Luật Đo đạc và bản đồ quy định về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ; công trình hạ tầng đo đạc; thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; điều kiện kinh doanh dịch vụ đo đạc và bản đồ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ. Luật Đo đạc và bản đồ gồm 9 chương và 61 điều.
Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao
Luật Thể dục, thể thao khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; sửa đổi tên gọi của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thể dục thể thao để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Luật bổ sung quy định về chính sách ưu đãi khi các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác công trình thể thao phục vụ hoạt động thể thao quần chúng; chính sách miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục thể thao tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Chí Kiên
(chinhphu.vn)