CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Cơ quan điều tra VKSND tối cao đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp

04/05/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong thời gian tới, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là cải thiện chất lượng, hiệu quả đào tạo, gắn lý luận với thực tiễn công tác của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Hoạt động điều tra tội phạm của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao là hoạt động điều tra mang tính đặc thù. Việc nâng cao trình độ và kỹ năng nghiệp vụ điều tra cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp; tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp. Chính vì vậy, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, công tác xây dựng đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra là yêu cầu cấp thiết.

1. Sự cần thiết của công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra

- Chủ trương, qucan điểm của Đảng:

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đã đề ra các nhiệm vụ về xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh. Nghị quyết nêu rõ: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo… theo hướng cập nhật các kiến thức mới về chính trị, pháp luật, kinh tế, xã hội, có kỹ năng nghề nghiệp và kiến thức thực tiễn, có phẩm chất, đạo đức trong sạch, dũng cảm đấu tranh vì công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Tiếp đó, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đã đưa ra một số nhiệm vụ chủ yếu, trong đó có nhiệm vụ: … Tăng cường năng lực các cơ sở đào tạo cán bộ chống tội phạm thuộc các bộ, ngành chuyên môn; xây dựng chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ chống tội phạm vững vàng về chính trị, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tốt yêu cầu của công tác này.

Tại Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, trong đó có nội dung: … Vẫn còn một số cán bộ tư pháp phẩm chất chính trị, ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Các quan điểm, chủ trương của Đảng nêu trên cho thấy vai trò quan trọng của việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp nói chung, đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra nói riêng. Vì vậy, tăng cường năng lực cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra là một nhiệm vụ quan trọng trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

- Quy định của pháp luật:

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (viết tắt là BLTTHS năm 2015), Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm tiến hành các hoạt động và thủ tục làm rõ sự thật vụ án, chứng minh hành vi phạm tội để đưa tội phạm ra xét xử và trừng phạt nghiêm minh trước pháp luật. Điều tra vụ án hình sự, đặc biệt là vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp; tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp có tính chất phức tạp do đối tượng phạm tội đều có trình độ về pháp luật nhất định; áp lực về thời gian hay yêu cầu phối hợp với nhiều lực lượng và quá trình điều tra phải tuân thủ hết sức nghiêm ngặt các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự. Những quy định mới của BLTTHS năm 2015 như: Bổ sung Cán bộ điều tra vào diện người tiến hành tố tụng (các Điều 38, 172); tăng quyền và trách nhiệm của Điều tra viên (các Điều 37, 42, 47); việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can (Điều 183), việc tham gia tố tụng của Điều tra viên tại phiên tòa (Điều 296)… đặt ra yêu cầu phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ, kiến thức chuyên môn, kiến thức pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

Bên cạnh kiến thức, kinh nghiệm về các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, giam giữ, thi hành án và một số hoạt động tư pháp khác, Điều tra viên, Cán bộ điều tra còn phải có kỹ năng để tiến hành các biện pháp điều tra như thu giữ, bảo quản, xử lý tài liệu, vật chứng, lấy lời khai, hỏi cung, đối chất...

Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 cũng quy định chặt chẽ, cụ thể hơn về tiêu chuẩn trình độ, năng lực, phẩm chất của Điều tra viên; bổ sung chức danh Cán bộ điều tra là người tiến hành tố tụng; thực hiện hoạt động tố tụng trong khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Theo đó, khoản 1 Điều 46, khoản 1 Điều 59 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 về tiêu chuẩn của Điều tra viên, Cán bộ điều tra đã bổ sung tiêu chí “có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Đây là một điều chỉnh kịp thời, bên cạnh yêu cầu giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra phải có bản lĩnh vững vàng, có đạo đức cách mạng để vượt qua những thử thách, cám dỗ từ các lợi ích trong quá trình tham gia hoạt động điều tra.

2. Thực tiễn công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Trong thời gian qua, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo và tự đào tạo, phổ biến kỹ năng, kinh nghiệm điều tra để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác phát hiện, xử lý tội phạm thuộc thẩm quyền, phối hợp với các trường đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành, các cơ quan chức năng chuyên môn, như: Học viện Cảnh sát nhân dân; Đại học Kiểm sát Hà Nội; Phòng giám định kỹ thuật hình sự - Bộ Quốc phòng; Phòng giám định hình sự - Bộ Công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội; các nhà khoa học, người có kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động điều tra để đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra hình sự, giảng dạy, truyền đạt lý luận, kinh nghiệm thực tiễn về hoạt động điều tra cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra. Một số khóa đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước đã được tổ chức như: Khóa đào tạo về phòng chống tham nhũng, rửa tiền và tội phạm mạng tại Hungary; khóa học lãnh đạo phòng, chống tham nhũng trong khu vực công tại Thái Lan; đào tạo ngắn hạn về tội phạm học, pháp y và an ninh mạng; bồi dưỡng ngắn hạn chuyên sâu về kỹ thuật hình sự; kỹ năng thực hiện các biện pháp điều tra; kỹ năng kiểm sát công tác thi hành án dân sự tại Đại học Kiểm sát Hà Nội; bồi dưỡng kỹ thuật hình sự...

Các phương tiện, điều kiện về trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ cho hoạt động thực tế trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng như: Máy ảnh, máy quay phim, súng, đạn, còng, roi điện, danh bản, chỉ bản, dụng cụ khám nghiệm, dụng cụ bơi, võ thuật, trích xuất dữ liệu điện tử từ máy vi tính, máy điện thoại… cũng được chuẩn bị đầy đủ, đảm bảo lý luận đi đôi với thực hành, nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra.

Bên cạnh hệ thống các lớp đào tạo, bồi dưỡng, Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng chú trọng xây dựng và tổ chức tập huấn kỹ năng nghiệp vụ chuyên về điều tra với danh mục phong phú (công tác thu thập, bảo quản trưng cầu giám định dữ liệu điện tử; kỹ năng, kinh nghiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam; kỹ năng hỏi cung, lấy lời khai…). Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị trao đổi kinh nghiệm cho toàn thể đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra như: Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về “Phương pháp, kỹ năng thu mẫu so sánh để phục vụ cho công tác giám định giọng nói, hình ảnh; giám định tài liệu trong điều tra các vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp”; phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ (V06) Bộ Công an tổ chức thành công Hội nghị tập huấn công tác lập danh bản, chỉ bản, kỹ thuật chụp ảnh nhận dạng… Đây là những hoạt động thiết thực, có ý nghĩa thực tiễn nhằm nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra VKSND tối cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Ngoài ra, VKSND tối cao đã biệt phái nhiều Cán bộ điều tra trẻ đến công tác tại VKSND các quận thuộc Hà Nội để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn trong các lĩnh vực công tác kiểm sát, nhằm học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để phục vụ lâu dài cho đơn vị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, kỹ năng tiến hành hoạt động điều tra của Điều tra viên, Cán bộ điều tra còn một số hạn chế như: Nội dung, chất lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chưa phong phú so với đòi hỏi của thực tiễn; số lượng các lớp bồi dưỡng, hội nghị tập huấn còn ít; hoạt động tổng kết, rút kinh nghiệm điều tra chưa được tiến hành thường xuyên, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu. Thực tiễn công tác điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp; tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp có đặc thù, rất khó khăn, phức tạp, tuy nhiên cán bộ trẻ chưa tích lũy được nhiều kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm. Kinh phí cho đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nói chung, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ điều tra nói riêng còn hạn chế.

3. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Để nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra VKSND tối cao, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Trong đó, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cũng như những định hướng mang tính chiến lược; không những xây dựng đội ngũ này đủ về số lượng, đạt về chất lượng mà còn đảm bảo tính kế thừa.

Thứ hai, tăng cường hoạt động sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về nghiệp vụ điều tra thông qua các vụ án cụ thể đã thụ lý, khởi tố, điều tra; đánh giá kinh nghiệm điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp; tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp; đồng thời, chú trọng công tác tự bồi dưỡng, tự đào tạo theo hình thức “cầm tay, chỉ việc”; tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, kinh nghiệm điều tra; thường xuyên cập nhật quy định mới của pháp luật, phương thức, thủ đoạn phạm tội để phổ biến, tập huấn cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra.

Thứ ba, chú trọng tổ chức hội nghị tập huấn, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về: Chiến lược, chiến thuật điều tra; kỹ năng điều tra tổng hợp; kỹ năng điều tra các loại án cụ thể; các kiến thức bổ trợ cho nghiệp vụ điều tra...; tổ chức các hội thảo khoa học nghiệp vụ về hoạt động điều tra của VKSND, về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra của Viện kiểm sát; tổ chức nghiên cứu, tìm hiểu kinh nghiệm hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra thuộc Viện kiểm sát, Viện công tố các nước trên thế giới.

Thứ tư, cải tiến nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra VKSND tối cao nhằm trang bị kiến thức pháp luật vững vàng, các kiến thức chuyên ngành cần thiết; kiến thức nghiệp vụ điều tra nhuần nhuyễn; kiến thức, kỹ năng về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, biết tổ chức hoạt động điều tra, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng bao gồm: Đào tạo cơ bản và đào tạo thường xuyên; bồi dưỡng thường xuyên và bồi dưỡng chuyên sâu, theo chuyên đề. Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cần kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành.

Thứ năm, thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và rèn luyện đức tính “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” của người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Bác. Điều này góp phần xây dựng đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực và phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, có tinh thần đoàn kết, có ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong công việc. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ cần nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, trau dồi kiến thức chuyên môn, năng lực nghiệp vụ để có được bản lĩnh, sự linh hoạt, nhạy bén nhằm giải quyết được các tình huống nảy sinh trong thực tiễn.

Thứ sáu, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đa dạng hóa nguồn kinh phí phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Việc tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị như thư viện điện tử, phòng chiếu phim tư liệu… góp phần hỗ trợ việc tham khảo tài liệu, mô phỏng thực tiễn, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc và thực hành thao tác nghiệp vụ xác minh, điều tra cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra.

Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động tối đa sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để tạo điều kiện cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra VKSND tối cao đi khảo sát, học tập, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra ở nước ngoài. Một trong những mục tiêu quan trọng của hợp tác quốc tế là nâng cao chất lượng của đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra về nghiệp vụ, chuyên môn thông qua việc trao đổi, nghiên cứu, học tập, cũng như tiếp cận phương pháp điều tra hiện đại, kinh nghiệm điều tra của các nước phát triển; tiếp tục phát huy các mối quan hệ phối hợp đã có; đồng thời, tìm kiếm các đối tác mới với các hình thức hợp tác đa dạng, thiết thực. Đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra cũng cần chủ động, sáng tạo, phát huy nội lực, chuẩn bị về ngoại ngữ, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ./.

Lê Hồng Thanh (kiemsat.vn)
Tìm kiếm