CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội

29/11/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự nói chung và vụ án hôn nhân và gia đình nói riêng của Kiểm sát viên là một thao tác nghiệp vụ có tính khoa học và tính logic, là sự đánh giá, xâu chuỗi các sự kiện đã diễn biến trong các tài liệu có tại hồ sơ để đi đến một nhận định đúng đắn, khách quan trong tiến trình giải quyết vụ án. Kiểm sát viên phải công tâm khi nhìn nhận sự việc và đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện. Vì vậy trong quá trình nghiên cứu vụ án, Kiểm sát viên luôn luôn ý thức rằng đây vừa là nhiệm vụ trong việc thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp vừa là quyền năng luật định trong tiến trình giải quyết vụ án dân sự nói chung, cho nên việc nghiên cứu phải được tập trung, phương pháp nghiên cứu phải được sáng tạo, đào sâu, soi kỹ, vận dụng một cách tinh tế những kinh nghiệm đã có và tri thức nghiệp vụ nhằm hệ thống hóa các tài liệu có tại hồ sơ để đề ra đường lối giải quyết vụ án.

Tranh chấp án hôn nhân và gia đình thường giải quyết 3 vấn đề: Ly hôn, chia tài sản, con chung nhưng thực ra khi nghiên cứu án hôn nhân và gia đình chứa đựng rất nhiều mối quan hệ tranh chấp cũng như mối quan hệ pháp luật khác như: Hôn nhân thực tế, hôn nhân trái pháp luật, không công nhận là vợ chồng, nợ chung, nợ riêng… Vì vậy, phải vận dụng nhiều văn bản pháp luật và nhiều nguồn pháp luật để giải quyết triệt để các mối quan hệ phát sinh.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng như thể hiện vị trí, vai trò của VKS, tác giả đưa ra một số giải pháp như sau:

1. Đối với các Kiểm sát viên được phân công thụ lý kiểm sát: Nắm chắc nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật. Cụ thể:      

- Nguyên tắc chung khi áp dụng Luật Hình thức (Luật tố tụng): Được áp dụng để giải quyết vụ án là luật có hiệu lực tại thời điểm Tòa án giải quyết.

Ví dụ: Vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình thụ lý từ năm 2011 nhưng bị hủy nhiều lần. Tháng 8/2017, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết lại. Do vậy áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016 để giải quyết, không áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011.

- Luật Nội dung: Áp dụng cho giải quyết vụ việc dân sự nói chung và vụ án hôn nhân gia đình nói riêng là pháp luật tại thời điểm xác lập giao dịch hoặc sự kiện pháp lý xảy ra. Khi áp dụng phải ưu tiên Luật Hôn nhân và gia đình trước, nếu Luật Hôn nhân và gia đình không quy định thì áp dụng các quy định có liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình trong Bộ luật Dân sự và các luật khác.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

2. Quy trình kiểm sát giải quyết các vụ án Hôn nhân và gia đình

Thứ nhất: Đối với việc thu thập tài liệu và xây dựng hồ sơ vụ án

Trong các vụ án hôn nhân và gia đình có nhiều dạng tranh chấp khác nhau quy định tại Điều 28; 29 Bộ luật Tố tụng dân sự. Do đó, việc nghiên cứu kỹ hồ sơ các vụ tranh chấp về ly hôn làm cơ sở cho Kiểm sát viên dự thảo bài phát biểu của mình, kết hợp với các tình huống phát sinh tại phiên tòa để Kiểm sát viên hoàn thiện bài phát biểu, đề nghị hướng giải quyết vụ án, đó chính là thành quả của Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ, thể hiện chất lượng công tác kiểm sát giải quyết án dân sự theo chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát.

Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án: Kiểm sát viên chú ý đến yêu cầu khởi kiện và các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện của nguyên đơn để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án. Có thể là Tòa án nơi bị đơn cư trú, hoặc nơi bị đơn làm việc, hoặc nơi nguyên đơn cư trú (Điều 39; 40 Bộ luật Tố tụng dân sự). Trong các vụ án phải giải quyết về tài sản chung là bất động sản thì thẩm quyền của Tòa án vẫn là Tòa án nơi cư trú của bị đơn chứ không phải là nơi có bất động sản (phân biệt với điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự).

Trường hợp không xác định được nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng hoặc nơi bị đơn có tài sản giải quyết theo Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Xác định tính hợp pháp, hợp lệ của tài liệu, chứng cứ:

Những tài liệu có liên quan đến yêu cầu khởi kiện: Giấy đăng ký kết hôn; giấy khai sinh của con chung; hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân của đương sự; xác nhận nơi cư trú của bị đơn; các tài liệu chứng minh về mâu thuẫn vợ chồng, tài sản chung vợ chồng… phải đảm bảo tính hợp pháp, được thu thập đúng trình tự tố tụng.

Xem xét các quá trình tố tụng của Tòa án, trước khi mở phiên tòa.

Ở giai đoạn chuẩn bị xét xử thì mọi hoạt động tố tụng đều do Thẩm phán tiến hành: Từ thụ lý vụ án, tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, tiến hành phiên hòa giải và công khai tài liệu, chứng cứ… chỉ đến khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Kiểm sát viên mới có thể cập nhật đầy đủ hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải nghiên cứu, đánh giá xem quá trình tiến hành tố tụng của Thẩm phán đã đầy đủ chưa, để thực hiện yêu cầu Tòa án bổ sung về tố tụng (như đưa thêm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vào tham gia vụ án…) hay xác minh thu thập thêm tài liệu, chứng cứ của vụ án để đảm bảo việc giải quyết vụ án được triệt để. Trong phần này, Kiểm sát viên chú ý một số vấn đề sau:

- Đối với người liên quan là người cho vợ chồng vay tiền, người đang nhận tài sản thế chấp là tài sản chung vợ chồng… thì bắt buộc Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, phải làm rõ yêu cầu của họ trong vụ án, kể cả trong trường hợp họ không có yêu cầu giải quyết trong vụ án, vì khi vợ chồng ly hôn thì Tòa án phải xác định quyền và nghĩa vụ của các bên sau ly hôn để họ thực hiện với người thứ ba.

- Trường hợp người có quyền và nghĩa vụ liên quan đề nghị giải quyết yêu cầu của mình thì Thẩm phán phải thực hiện thụ lý yêu cầu độc lập đó theo thủ tục chung; trường hợp Thẩm phán đã giải thích, hướng dẫn họ nộp đơn yêu cầu độc lập để giải quyết trong vụ án mà họ không thực hiện thì phải thể hiện rõ bằng văn bản lưu trong hồ sơ.

Thứ hai: Đối với nội dung vụ án

- Đánh giá, xác định mâu thuẫn vợ chồng.

Trường hợp bị đơn không đồng ý ly hôn thì phải xác định rõ quan hệ về tình cảm vợ chồng có mâu thuẫn trầm trọng, không thể hàn gắn được, dẫn đến mục đích hôn nhân không đạt được hay không?

Tuy nhiên, việc xác định mâu thuẫn vợ chồng đã trầm trọng chưa, hạnh phúc gia đình của đương sự đã tan vỡ chưa đôi khi còn mang tính chủ quan của người tiến hành tố tụng, trong nhiều vụ án ly hôn, mâu thuẫn vợ chồng thể hiện ra bên ngoài rất khó xác định, nhất là đối với những người có học thức cao, người có địa vị trong xã hội, trong các cơ quan Nhà nước… Vì vậy, để đảm bảo cho việc xác định một cách chính xác, khách quan về mâu thuẫn vợ chồng cần phân tích các tài liệu đã thu thập trong hồ sơ vụ án. Trong trường hợp cần thiết phải thu thập thêm một số tài liệu, chứng cứ khác Kiểm sát viên phải có văn bản đề nghị Thẩm phán thu thập, xác minh lấy lời khai để có thêm tài liệu đánh giá, xác định tình trạng mâu thuẫn của vợ chồng để giải quyết vụ án một cách khách quan và chính xác.

- Xác định người trực tiếp nuôi con chung.

Trường hợp có con chung là người chưa thành niên, từ 7 tuổi trở lên thì việc ghi ý kiến của cháu bé là yêu cầu bắt buộc theo qui định của Luật Hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, việc lấy ý kiến của cháu bé cũng là để tham khảo vì việc giao cháu bé cho ai trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng phải đảm bảo cho cháu bé có điều kiện phát triển tốt nhất có thể.

- Chia tài sản chung vợ chồng theo quy định của pháp luật.

Đây là một vấn đề khó trong giải quyết án hôn nhân gia đình. Khi xem xét về tài sản chung vợ chồng thì cần xác định về nguồn gốc hình thành: tài sản đó được hình thành trước, trong hay sau thời kỳ hôn nhân, công sức đóng góp của các đương sự trong sự hình thành, phát triển của khối tài sản đó.

Theo nguyên tắc thì tài sản chung vợ chồng là tài sản chung hợp nhất, khi ly hôn mỗi bên được hưởng ½ giá trị tài sản. Trường hợp một bên đi làm, còn một bên ở nhà chăm lo nội trợ, việc nhà thì cũng được coi như lao động có thu nhập (Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình, điểm b Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP). Tuy nhiên, khi chia tài sản cũng cần xem xét đến hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản và công sức đóng góp vào sự hình thành, duy trì và phát triển khối tài sản đó để đảm bảo khách quan, toàn diện.

- Về nghĩa vụ chung vợ chồng:

Trong vụ án ly hôn nếu các bên trình bày vợ chồng có nghĩa vụ đối với bên thứ ba (thường là nghĩa vụ trả nợ tiền vay, nghĩa vụ thế chấp, bảo lãnh cho bên thứ ba) thì cần phải xác định đó có phải là nghĩa vụ chung hay nghĩa vụ riêng. Nếu là nghĩa vụ chung thì cần phải xác định trách nhiệm thanh toán của mỗi bên sau ly hôn đối với người thứ ba. Do vậy, yêu cầu cần thiết và bắt buộc là phải đưa người thứ ba - người có quyền đối với nghĩa vụ chung vợ chồng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời Thẩm phán thụ lý phải hướng dẫn họ viết đơn yêu cầu độc lập đề nghị các đương sự (trong vụ ly hôn) phải thực hiện nghĩa vụ để Tòa án giải quyết ngay trong cùng vụ án. Trường hợp họ chưa có yêu cầu độc lập ngay thì cũng phải thể hiện bằng văn bản (có thể là đơn hoặc thể hiện trong bản tự khai của họ) làm căn cứ để Tòa giải quyết. Trong khi nghiên cứu hồ sơ, nếu phát hiện thấy Tòa án không đưa họ vào tham gia tố tụng thì Kiểm sát viên phải có văn bản yêu cầu Thẩm phán bổ sung họ vào tham gia tố tụng mới đầy đủ, đảm bảo việc giải quyết triệt để vụ án, đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự.

- Về án phí trong vụ án ly hôn:

Tùy thời điểm Tòa án thụ lý đơn khởi kiện của đương sự để áp dụng án phí trong vụ án ly hôn trong từng thời điểm cụ thể, vì hiện nay có nhiều vụ án bị hủy nhiều lần, mà lần đầu Tòa thụ lý đã lâu, trong khi có nhiều văn bản quy định về án phí, lệ phí tòa án được ban hành, cụ thể áp dụng như sau: Nghị định 70/NĐ-CP năm 1997 được áp dụng đối với những vụ án thụ lý trước ngày 01/7/2009; Pháp lệnh số 10 năm 2009 quy định về án phí đối với những vụ án thụ lý sau ngày 01/7/2009 và Nghị quyết số 326 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với những vụ án thụ lý sau ngày 01/01/2017.

Tuy nhiên chú ý một số điểm sau: Trong vụ án ly hôn các đương sự có yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng, ngoài việc các đương sự chịu án phí vụ án ly hôn không có giá ngạch, họ còn phải chịu án phí chia tài sản như vụ án có giá ngạch tương ứng với phần tài sản mà họ được chia (điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016), còn đối với phần tài sản họ không được chia thì không phải chịu án phí, kể cả những tài sản mà họ nêu ra nhưng không được xác định là tài sản chung vợ chồng để chia, đây là đặc trưng riêng của án hôn nhân gia đình (tương tự như án phí trong chia thừa kế), điều này phân biệt với việc tranh chấp tài sản trong các vụ án dân sự thì các bên phải chịu án phí đối với phần yêu cầu không được chấp nhận (khoản 1 Điều 26 Nghị quyết 326). Thực tiễn trong nhiều vụ án ly hôn có tranh chấp về tài sản chung vợ chồng hay không và thường xảy ra là tranh chấp về nhà đất đối với những vụ án mà vợ chồng ở chung với ông bà, bố mẹ (bên vợ, hoặc bên chồng), một bên thì bảo là bố mẹ đã cho nhà đất, bên kia thì không công nhận. Khi xét xử, do Tòa án xác định nhà đất đó không phải là tài sản chung vợ chồng nên không chia nhưng đồng thời lại buộc bên đưa ra yêu cầu chia phải chịu án phí có giá ngạch đối với tài sản đó. Quyết định này là không phù hợp với loại án hôn nhân gia đình như trên đã phân tích, khi xét xử phúc thẩm thì Tòa án cấp phúc thẩm đã sửa về án phí theo quy định pháp luật.

Kết luận: Khi nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử các vụ án ly hôn nói riêng và vụ án dân sự nói chung, Kiểm sát viên phải nghiên cứu một cách toàn diện, đầy đủ và khách quan những tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ; chủ động yêu cầu Tòa án bổ sung, khắc phục những vi phạm về tố tụng, thu thập thêm tài liệu chứng cứ nhằm giải quyết triệt để vụ án, đảm bảo lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đảm bảo cho hoạt động của Tòa án, của các đương sự được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Lê Thị Hồng Hạnh - Phòng 9

(vkshanoi.gov.vn)
Tìm kiếm