Bài viết tổng hợp những dạng vi phạm của cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến phải hủy bản án, quyết định để điều tra lại hoặc xét xử lại. Trên cơ sở đó, rút ra một số kinh nghiệm đối với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án hình sự.
Các dạng vi phạm được rút ra từ bản án bị Hội đồng giám đốc thẩm hủy để điều tra lại
Xác định tội danh không đúng dẫn đến kết án bị cáo về tội nhẹ hơn:
Những tội danh mà cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm xác định không đúng thường là: Cố ý gây thương tích; cưỡng đoạt tài sản; tàng trữ trái phép chất ma túy; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức… Bởi thực tế, hành vi khách quan mà các bị cáo thực hiện có dấu hiệu của tội danh nặng hơn như: Giết người; cướp tài sản; tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; tham ô tài sản; giả mạo trong công tác…
Ví dụ: Bị cáo có hành vi sử dụng hung khí nguy hiểm, tấn công với mức độ quyết liệt vào các vị trí trọng yếu trên cơ thể bị hại (đầu, ngực, cổ, bụng...), nhưng các cơ quan tố tụng thường chỉ tập trung vào hậu quả của hành vi phạm tội là bị hại không chết, mà không xem xét đầy đủ chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, không đánh giá chính xác về hành vi khách quan, mục đích phạm tội của các bị cáo để xác định tội danh; do đó, đã điều tra, truy tố, xét xử bị cáo về Tội cố ý gây thương tích. Đối với các trường hợp này, bị cáo buộc phải nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm đến tính mạng của bị hại, nhưng vẫn thực hiện hành vi rất quyết liệt, trường hợp bị hại không chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo. Vì vậy, Hội đồng giám đốc thẩm đã hủy bản án để điều tra lại, truy cứu bị cáo về Tội giết người theo đúng quy định của pháp luật.
Bỏ lọt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội:
Bỏ lọt hành vi phạm tội: Trong các vụ án này, bị cáo thường thực hiện nhiều hành vi khách quan, xâm phạm nhiều khách thể khác nhau, nhưng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã đánh giá không đúng, thiếu toàn diện đối với tính chất của các hành vi khách quan, hoặc chỉ chú trọng đến hành vi gây ra hậu quả nên bỏ sót hành vi khách quan có dấu hiệu của một tội phạm khác.
Ví dụ: Một số vụ án cướp tài sản, sau khi dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản, bị cáo lại tiếp tục khống chế, bắt ép bị hại lên xe mô tô đưa đi nơi khác, không cho bị hại vượt ra khỏi tầm kiểm soát của bị cáo. Đây là dấu hiệu cấu thành Tội bắt, giữ người trái pháp luật, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng không điều tra, làm rõ về hành vi này, mà chỉ kết án các bị cáo về Tội cướp tài sản.
Bỏ lọt người phạm tội: Điểm chung của các vụ án bị hủy để điều tra lại trong trường hợp này là các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án đủ để chứng minh ngoài bị cáo, còn có một hoặc nhiều người khác cùng tham gia thực hiện hành vi phạm tội, nhưng cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm và phúc thẩm không phát hiện ra hoặc phát hiện nhưng không đề cập, truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng này.
Ví dụ: Trong vụ án cưỡng đoạt tài sản, ngoài các bị cáo bị kết án về Tội cưỡng đoạt tài sản, còn có B biết rõ việc đòi nợ, đã môi giới việc đòi nợ thuê và được các bị cáo chia cho 02 triệu đồng tiền công; nhưng quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tố tụng không đề cập đến việc xem xét vai trò của các đối tượng này là có dấu hiệu bỏ lọt người phạm tội.
Xác định tình tiết định khung hình phạt không đúng:
Đặc điểm chung của các vụ án có sai sót nghiêm trọng trong việc xác định tình tiết định khung hình phạt là: Thực chất hành vi phạm tội của bị cáo phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt nặng hơn, nhưng do cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đánh giá không chính xác, thiếu toàn diện các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc có vi phạm trong hoạt động tố tụng, dẫn đến xác định không đúng tuổi, đặc điểm nhân thân của bị cáo; định giá tài sản hoặc kết luận về tỉ lệ thương tật không đúng; đánh giá không đúng tính chất của hành vi phạm tội; thiếu sót trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, dẫn đến đánh giá các tình tiết khách quan không chính xác, không đảm bảo toàn diện, nên đã kết án các bị cáo ở khung hình phạt nhẹ hơn, khiến việc giải quyết vụ án không triệt để, không đúng quy định của pháp luật, quyết định của Tòa án về mức độ trách nhiệm hình sự và trách nhiệm bồi thường dân sự của bị cáo không tương xứng với tính chất của hành vi phạm tội, không phản ánh toàn bộ bản chất của vụ án.
Vi phạm về áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án:
Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm giới hạn xét xử: Giới hạn xét xử là quy định quan trọng của Bộ luật Tố tụng hình sự, có vai trò bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo trong các vụ án hình sự. Theo đó, Tòa án chỉ xét xử bị cáo và hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Tòa án đã xét xử bị cáo về hành vi phạm tội không được Viện kiểm sát truy tố.
Tình tiết khách quan của vụ án có vai trò là tình tiết định khung hình phạt nhưng không được điều tra làm rõ: Chẳng hạn, trong vụ án cố ý gây thương tích, lời khai của bị cáo và bị hại mâu thuẫn nhau về hành vi khách quan dẫn đến thương tích, thương tích thực tế không phù hợp với tính chất của hành vi khách quan mà bị cáo thực hiện, một số tình tiết liên quan đến việc xác định cơ chế hình thành thương tích, tỉ lệ thương tật không được điều tra làm rõ; hoặc trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án còn mâu thuẫn về việc xác định bị cáo có hay không có giấy phép lái xe, nhưng không được điều tra làm rõ, dẫn đến việc xác định khung hình phạt không chính xác, thiếu cơ sở pháp lý.
Không xác minh làm rõ tuổi, đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo: Một số dạng vi phạm phổ biến trong việc xác định tuổi, đặc điểm về nhân thân của bị can, bị cáo thường là: Không xác định chính xác tuổi của bị cáo, dẫn đến vi phạm các quy định về tố tụng đối với người dưới 18 tuổi; không xác định chính xác lý lịch của bị cáo, dẫn đến bị cáo khai tên khác với tên thực tế đăng ký khai sinh; không điều tra, xác minh các tiền án, tiền sự của bị cáo, dẫn đến việc bỏ lọt hành vi phạm tội trong trường hợp tài sản trộm cắp trị giá dưới 02 triệu đồng, bỏ sót “tái phạm” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Những vi phạm được rút ra từ các bản án bị Hội đồng giám đốc thẩm tuyên hủy để xét xử lại
Xác định tội danh không đúng:
Kết án bị cáo không đúng với tội danh đã truy tố hoặc khởi tố: Đây là trường hợp ban đầu cơ quan tố tụng khởi tố bị can đúng tội danh, nhưng sau đó lại chuyển sang tội danh khác.
Ví dụ: Biết bị hại có tiền, các bị cáo đã nảy sinh ý định rủ bị hại đánh bạc để chiếm đoạt tiền của bị hại; sau khi thống nhất hình thức xóc đĩa gian lận, các bị cáo đã chuẩn bị dụng cụ gồm 01 bộ chén đĩa có gắn camera, kết nối với điện thoại để biết kết quả chẵn, lẻ của từng lần chơi; quá trình đánh bạc, các bị cáo đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của bị hại số tiền là 107 triệu đồng. Trong vụ án này, đánh bạc là phương thức, thủ đoạn để các bị cáo thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của bị hại, hành vi phạm tội của các bị cáo cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm truy cứu trách nhiệm hình sự các bị cáo về Tội đánh bạc là vi phạm nghiêm trọng việc áp dụng pháp luật. Do Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã điều tra, truy tố bị cáo về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015), nên Hội đồng giám đốc thẩm xét thấy không cần điều tra lại, mà chỉ cần xét xử sơ thẩm lại vụ án cho đúng tội danh theo quy định của pháp luật.
Kết án bị cáo về tội danh nặng hơn so với tính chất của hành vi khách quan: Việc kết án bị cáo về tội nặng hơn so với thực tế là bất lợi ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo. Nguyên nhân dẫn đến sai sót của cơ quan tố tụng trong các vụ án này là đánh giá thiếu toàn diện các yếu tố liên quan đến vụ án (như nguồn gốc tài sản bị thiệt hại, chiếm đoạt) dẫn đến xác định không đúng tội danh.
Xác định tình tiết định khung tăng nặng không đúng làm bất lợi cho bị cáo:
Xác định tình tiết định khung tăng nặng không đúng, làm bất lợi cho tình trạng của bị cáo là căn cứ có tính phổ biến để Hội đồng giám đốc thẩm tuyên hủy bản án, quyết định để xét xử sơ thẩm lại (phần lớn là các vụ án mua bán trái phép chất ma túy).
Ví dụ: Việc xác định không đúng tình tiết định khung tăng nặng trong các vụ án mua bán trái phép chất ma túy đều có điểm chung là bị cáo bị bắt quả tang 01 lần bán trái phép chất ma túy; quá trình khám xét đã thu giữ được khối lượng ma túy nhất định, bị cáo khai cất giữ số ma túy đó nhằm bán lại kiếm lời nhưng chưa giao dịch thì bị phát hiện, bắt giữ. Trong trường hợp này, cơ quan tố tụng chỉ được tính bị cáo có 01 lần mua bán trái phép chất ma túy, khối lượng ma túy đã bán và khối lượng ma túy thu giữ được cộng lại để xác định tình tiết định khung. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã cộng 01 lần mua bán trên thực tế và số lần mua bán trái phép chất ma túy sẽ xảy ra trong tương lai để xác định bị cáo phải chịu tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội từ 02 lần trở lên”. Đây là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo.
Đánh giá không đúng các chứng cứ, tài liệu của vụ án, dẫn đến tuyên bị cáo không phạm tội hoặc kết án bị cáo khác với khung hình phạt đã truy tố:
Đây là sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm trong việc xem xét, đánh giá các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.
Ví dụ: Trong vụ án trộm cắp tài sản, bị cáo và các đồng phạm thực hiện hành vi cắt dây cáp điện thoại để bán lấy tiền tiêu xài. Trong số 13 bị cáo, có 03 bị cáo khai nhận về việc H cùng tham gia trộm cắp dây cáp điện thoại, nhưng khi xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Tòa án cho rằng thời gian mà các bị cáo xác định H thực hiện hành vi phạm tội khác với thời gian được xác định trong cáo trạng truy tố, nên không đủ cơ sở kết án đối với H và đã tuyên H không phạm tội trộm cắp tài sản. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã không đánh giá đầy đủ, khách quan, liền mạch các chứng cứ, tài liệu được thu thập trong quá trình điều tra vụ án. Trường hợp khác, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá không chính xác, không đầy đủ về đặc điểm nhân thân của bị cáo, không đầy đủ các tình tiết khách quan của vụ án, dẫn đến bỏ lọt các tình tiết định khung tăng nặng, kết án bị cáo nhẹ hơn khung hình phạt Viện kiểm sát truy tố.
Áp dụng loại hình phạt hoặc cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định:
Đây là loại vi phạm chiếm tỉ lệ đáng kể trong số vụ án bị Hội đồng giám đốc thẩm tuyên hủy bản án để xét xử sơ thẩm lại. Đặc điểm chung của các trường hợp này là Tòa án áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tiền không đúng quy định của pháp luật hình sự, không đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không đạt được mục đích răn đe, phòng ngừa của hình phạt.
Ví dụ: Bị cáo phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 (có khung hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù, thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng), lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo. Tòa án xử phạt bị cáo 30 tháng cải tạo không giam giữ là vi phạm trong việc đánh giá tính chất của hành vi phạm tội, mức độ hậu quả, vi phạm nghiêm trọng khoản 1 Điều 36 BLHS năm 2015. Ngoài ra, còn có trường hợp, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng, có nhân thân xấu, có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, đã từng bị kết án về cùng loại tội, nhưng bị cáo vẫn được hưởng án treo.
Vi phạm quy định về quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng:
Đặc điểm chung của các vụ án bị hủy do vi phạm Điều 54 BLHS năm 2015 là: Tòa án xác định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không đúng quy định, bỏ sót tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của bị cáo, không đối trừ trong trường hợp bị cáo vừa có tình tiết tăng nặng vừa có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đánh giá không đúng tính chất của hành vi phạm tội và các tình tiết khách quan của vụ án, dẫn đến vi phạm điều kiện khi quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng.
Xử phạt bị cáo quá nhẹ, không đủ sức răn đe, không đáp ứng được yêu cầu chống và phòng ngừa tội phạm:
Quyết định hình phạt đối với bị cáo quá nhẹ là một trong những căn cứ có tính phổ biến để Hội đồng giám đốc thẩm tuyên hủy bản án để xét xử lại. Điểm chung của các vụ án này là: Tòa án đánh giá không đúng tính chất hành vi phạm tội, mức độ hậu quả, vai trò, đặc điểm nhân thân của bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dẫn đến quyết định loại hình phạt hoặc mức hình phạt tù có thời hạn quá nhẹ, không đảm bảo mục đích răn đe, phòng ngừa của hình phạt.
Ví dụ: Trong vụ án cố ý gây thương tích, bị cáo dùng hung khí là gậy sắt vụt vào vùng đầu của bị hại, gây thương tích tỷ lệ 50%. Mặc dù đã được mọi người can ngăn, nhưng bị cáo vẫn cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm e khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 là thiếu sót, xử phạt bị cáo 24 tháng tù là quá nhẹ so với tính chất và mức độ hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
Ngoài ra, còn có các dạng vi phạm khác của Tòa án dẫn đến phải hủy bản án để xét xử lại liên quan đến: Xác định bị cáo có tiền án, quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án gây bất lợi cho bị cáo; xác định tư cách người tham gia tố tụng không đúng quy định, không đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng, xác định trách nhiệm dân sự không đúng; xử lý vật chứng, tuyên án phí, miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo không có căn cứ pháp luật…
Một số kinh nghiệm rút ra từ bản án, quyết định bị Hội đồng giám đốc thẩm tuyên hủy để điều tra lại hoặc xét xử lại
Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm:
Tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát chặt chẽ hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm là hết sức cần thiết, đảm bảo quyết định khởi tố, quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm có căn cứ, đúng pháp luật. Kiểm sát viên được phân công phải kiểm sát chặt chẽ việc phân loại, giải quyết nguồn tin về tội phạm của Cơ quan điều tra; dự liệu các tài liệu, chứng cứ cần thu thập, các vấn đề liên quan đến nội dung tin báo, tố giác, kiến nghị khởi tố để chủ động yêu cầu Cơ quan điều tra thu thập, xác minh làm rõ. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phối hợp với Điều tra viên yêu cầu người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố bổ sung những thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố giác để đảm bảo các tài liệu, chứng cứ ban đầu đủ cơ sở để xác định hành vi có cấu thành tội phạm hay không, nếu có thì cấu thành tội gì theo quy định của BLHS năm 2015. Trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật trong hoạt động kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm, hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản, nhưng không được khắc phục, thì Viện kiểm sát trực tiếp xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm theo điểm c khoản 3 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015). Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, không chỉ có ý nghĩa tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động giải quyết nguồn tin về tội phạm, mà còn là yếu tố bảo đảm việc khởi tố vụ án, hoặc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm có căn cứ, đúng pháp luật, loại trừ tình trạng bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, việc xử lý tội phạm không kịp thời.
Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố:
Kiểm sát viên phải nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng tài liệu, chứng cứ đã thu thập, đánh giá đúng tính chất của hành vi khách quan và các yếu tố liên quan đến hành vi khách quan của một số tội danh. Trên cơ sở đó, Kiểm sát viên so sánh, đối chiếu giữa hành vi mà bị can đã thực hiện và các tình tiết, yếu tố liên quan với cấu thành tội phạm tương ứng để xác định tội danh được khởi tố có đúng quy định của BLHS năm 2015 hay không. Từ đó, Kiểm sát viên đề xuất lãnh đạo Viện phê chuẩn hoặc yêu cầu thay đổi tội danh đã khởi tố. Trường hợp xét thấy chưa đủ căn cứ để phê chuẩn khởi tố bị can, hoặc hành vi của bị can có dấu hiệu của tội danh khác, Viện kiểm sát phải yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh, bổ sung tài liệu, chứng cứ, hoặc trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra (như lấy lời khai người bị bắt, hỏi cung bị can, lấy lời khai bị hại, người làm chứng để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ) nhằm bảo đảm việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn có căn cứ, đúng pháp luật. Đối với các vụ án có tính chất phức tạp, hành vi khách quan có dấu hiệu của nhiều tội danh khác nhau, hoặc có quan điểm khác nhau về tội danh giữa các ngành tố tụng, Viện kiểm sát phải chủ động tổ chức họp liên ngành. Trường hợp xét thấy cần bổ sung kết luận giám định, định giá tài sản, hoặc phải có ý kiến của cơ quan chuyên môn để làm rõ thêm tính chất của hành vi phạm tội, mức độ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, thì Viện kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra để trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, trưng cầu ý kiến của cơ quan chuyên môn.
Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án:
Do điều tra là giai đoạn quan trọng để thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh cho tội danh đã khởi tố, xác định tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, mức độ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra và các vấn đề liên quan đảm bảo vụ án được giải quyết đúng đắn, triệt để, Kiểm sát viên phải thường xuyên trao đổi với Điều tra viên để nắm chắc tiến độ điều tra và những chứng cứ, tài liệu đã thu thập được so với yêu cầu chứng minh vụ án, chủ động yêu cầu Điều tra viên chuyển tài liệu liên quan để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động điều tra. Khi phát hiện việc điều tra không được thực hiện kịp thời, vi phạm pháp luật hoặc có thiếu sót làm ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ, Viện kiểm sát phải yêu cầu Cơ quan điều tra có biện pháp khắc phục, sửa chữa kịp thời và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát biết. Trường hợp nhận thấy tội danh đã khởi tố không phù hợp với tài liệu, chứng cứ thu thập được; hoặc trên cơ sở tài liệu, chứng cứ đã thu thập có căn cứ xác định còn hành vi phạm tội hay có người thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa được khởi tố, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay với lãnh đạo Viện, kịp thời yêu cầu Cơ quan điều tra thay đổi quyết định khởi tố hoặc bổ sung quyết định khởi tố. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản, nhưng Cơ quan điều tra không khắc phục, thì Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của BLTTHS năm 2015. Viện kiểm sát các cấp phải chủ động thực hiện quyền yêu cầu điều tra đối với tất cả các vụ án hình sự. Đối với những vụ án có tính chất phức tạp, hành vi khách quan có dấu hiệu của nhiều tội danh, hành vi phạm tội được thực hiện đan xen, có nhiều người liên quan, Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên ưu tiên điều tra làm rõ các tình tiết, yếu tố liên quan trực tiếp đến hành vi khách quan để có cơ sở xác định đúng tội danh, làm rõ sự tác động, mức độ ảnh hưởng của những người liên quan đến hành vi phạm tội; từ đó, xác định họ có đồng phạm hay không, nếu không thì họ tham gia với tư cách gì trong quá trình giải quyết vụ án. Việc đề ra yêu cầu điều tra phải đảm bảo tính có căn cứ và nhằm làm rõ những vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự; nội dung yêu cầu điều tra phải trên cơ sở tính chất của từng vụ án cụ thể và phù hợp với đặc điểm, đặc thù của từng loại tội phạm.
Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm:
Để thực hiện tốt hoạt động tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm cũng như bảo vệ quan điểm truy tố, Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ các chứng cứ, tài liệu trong hồ sơ vụ án, nắm chắc nội dung và các tình tiết chính của vụ án; từ đó, chỉ rõ hành vi phạm tội của bị cáo được chứng minh bằng những chứng cứ, tài liệu nào, khung hình phạt được chứng minh bằng tình tiết hay chứng cứ, tài liệu nào; chuẩn bị kỹ các thao tác nghiệp vụ trước khi tham gia phiên tòa; dự liệu các vấn đề, tình huống có thể phát sinh tại phiên tòa để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp về chứng cứ, bị can không nhận tội hoặc không thống nhất trong quá trình khai báo, các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương hoặc cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo, Kiểm sát viên báo cáo lãnh đạo Viện về các vấn đề cần xét hỏi, kế hoạch tranh luận và dự thảo luận tội, dự kiến các tình huống có thể phát sinh để có sự chỉ đạo kịp thời. Lãnh đạo Viện cần chỉ ra những vấn đề quan trọng cần kiểm tra, thẩm vấn và dự kiến các tình huống để xử lý tại phiên tòa, giúp các Kiểm sát viên nắm chắc và chủ động trong quá trình xét xử. Đối với những vụ án có quy mô lớn, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, Viện kiểm sát cấp trên cần phân công Kiểm sát viên theo dõi từ giai đoạn xét xử sơ thẩm để chủ động thực hiện tốt hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử ở giai đoạn phúc thẩm khi có kháng cáo, kháng nghị.
Tại phiên tòa xét xử, Kiểm sát viên theo dõi và ghi chép đủ nội dung xét hỏi của Hội đồng xét xử, người bào chữa và nội dung trả lời của người được xét hỏi, để có cơ sở đánh giá, nhận định quyết định của Hội đồng xét xử trong bản án có phù hợp với kết quả xét hỏi, tranh tụng công khai tại phiên tòa hay không. Đồng thời, Kiểm sát viên phải chủ động xét hỏi để làm rõ nội dung truy tố, quan điểm giải quyết vụ án của Viện kiểm sát; sử dụng chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa để tranh luận làm rõ các nội dung buộc tội, bảo vệ quan điểm truy tố của Viện kiểm sát. Trường hợp sau khi xét hỏi, kiểm tra chứng cứ tại phiên tòa có cơ sở nhận thấy thực tế hành vi phạm tội của bị cáo không đúng với tội danh, hoặc khung hình phạt Viện kiểm sát đã truy tố, có người liên quan đến vụ án chưa được đưa vào tham gia tố tụng, xác định không đúng tư cách pháp lý của người tham gia tố tụng, Kiểm sát viên phải báo cáo ngay lãnh đạo Viện hoặc Thủ trưởng đơn vị để kịp thời xử lý, đưa ra quan điểm đúng, phù hợp tại phiên tòa.
Sau khi kết thúc phiên tòa, nếu phát hiện quá trình xét xử sơ thẩm vụ án có vi phạm trong áp dụng pháp luật, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, quyết định hình phạt không đúng quy định của BLHS năm 2015, quá nặng hoặc quá nhẹ so với tính chất của hành vi phạm tội, mức độ hậu quả, đặc điểm nhân thân của bị cáo, đánh giá, nhận định của Hội đồng xét xử không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án, Kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo lãnh đạo Viện hoặc Thủ trưởng đơn vị để xem xét, thực hiện quyền kháng nghị phúc thẩm theo quy định của pháp luật, hạn chế, loại trừ tình trạng Tòa án cấp phúc thẩm phát hiện vi phạm của cấp sơ thẩm thông qua kháng cáo của người tham gia tố tụng, mà không phải do Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm.
Đối với công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử phúc thẩm:
Khi thực hiện nhiệm vụ ở giai đoạn này, nếu nhận thấy quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm có vi phạm, thiếu sót, nhưng có thể bổ sung được, thì cấp phúc thẩm thực hiện việc xác minh hoặc yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới tiến hành xác minh, bổ sung để tiếp tục giải quyết vụ án mà không cần hủy án để điều tra lại, hoặc xét xử sơ thẩm lại. Đối với những vụ án mà cấp sơ thẩm có vi phạm, thiếu sót, nhưng nếu hủy án sơ thẩm để điều tra lại thì cũng không thể khắc phục, bổ sung được; hoặc những vi phạm, thiếu sót không ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án, Kiểm sát viên cần có quan điểm rõ ràng về việc không cần hủy án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử sơ thẩm lại. Đối với vụ án mà các tình tiết có ý nghĩa trong việc xác định vai trò của bị cáo, xác định khung hình phạt, các tình tiết có ảnh hưởng đáng kể đến mức độ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường dân sự của bị cáo đã được làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, hoặc các vụ án có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội, bỏ lọt người phạm tội và đã được Cơ quan điều tra tách theo đúng quy định của BLTTHS năm 2015, nhưng Tòa án cấp phúc thẩm lại nhận định theo hướng có căn cứ tuyên hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại, thì Kiểm sát viên phải nêu rõ quan điểm của mình, tránh tình trạng Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại không có căn cứ.
Đối với quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát các cấp và giữa Viện kiểm sát với cơ quan tố tụng cùng cấp:
Khi thực hiện chức năng công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát cấp dưới với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp không chỉ có ý nghĩa trong việc thực hiện đúng nguyên tắc hoạt động của ngành, mà còn kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ thông qua hoạt động thỉnh thị, xin ý kiến đối với những vụ án phức tạp, có quan điểm xử lý khác nhau giữa các cơ quan tố tụng cùng cấp. Tuy nhiên, từ thực tiễn những vụ án bị Hội đồng giám đốc thẩm tuyên hủy để điều tra lại, xét xử lại cho thấy, Viện kiểm sát các cấp cần nâng cao chất lượng thỉnh thị, xin ý kiến nghiệp vụ trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; linh hoạt và chủ động trong hoạt động phối hợp với cơ quan tố tụng cùng cấp trong quá trình giải quyết các vụ án phức tạp, nghiêm trọng, vụ án mà dư luận xã hội quan tâm.
TS. Lại Viết Quang - ThS. Trần Thị Khánh Trâm