CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số vướng mắc trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

22/08/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Quá trình giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, các cơ quan tiến hành tố tụng còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong áp dụng pháp luật như định khung hình phạt, xác định nồng độ cồn vượt quá mức quy định...

1. Một số vướng mắc, bất cập

Thứ nhất, bất cập trong việc xem xét, xử lý hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác từ 31% đến dưới 61% là Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) hay Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại Điều 260 BLHS năm 2015.

Ví dụ: Trường hợp Nguyễn Văn A điều khiển ô tô tham gia giao thông đường bộ nhưng vi phạm quy định về giới hạn tốc độ, quy định về sử dụng làn đường... gây ra tai nạn giao thông làm 01 người bị thương với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 60%, Nguyễn Văn B có hành vi vô ý gây thương tích cho một người khác với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 31%.

Theo khoản 1 Điều 138 BLHS năm 2015 thì chỉ cần có hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 31% trở lên là đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, còn theo khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 chỉ khi nào người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành, có thể thấy, cả A và B đều có hành vi gây thương tích cho người khác với lỗi vô ý, nhưng hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của A gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 60% không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015; hành vi của B tuy hậu quả gây tổn thương cơ thể với tỉ lệ thấp hơn (31%) thì lại phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 2015. Điều này là bất hợp lý và không công bằng đối với các hành vi xảy ra trong thực tế của B bởi hành vi của A có thể không cấu thành tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 nhưng lại thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 2015.

Nghiên cứu quy định tại khoản 1 Điều 108 (Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) và khoản 1 Điều 202 (Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) BLHS 1999 và Mục 4 Chương I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS cho thấy, cùng mức cấu thành vật chất là tỉ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 31% trở lên thì tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 202 được BLHS năm 1999 đánh giá có tính nguy hiểm cao hơn nhiều so với quy định tại khoản 1 Điều 108. Điều đó được thể hiện rõ hơn tại quy định về hình phạt, cụ thể khoản 1 Điều 108 BLHS năm 1999 quy định hình phạt từ cảnh cáo đến cao nhất là tù có thời hạn đến hai năm; trong khi đó khoản 1 Điều 202 BLHS năm 1999 quy định hình phạt tiền là mức thấp nhất và mức cao nhất là 05 năm tù.

Có thể thấy, trong nhiều trường hợp, hành vi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông nhưng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ sẽ tiềm ẩn tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn hành vi vô ý gây thương tích đơn thuần, bởi nó xâm phạm đến an toàn, trật tự công cộng, trong khi đó hành vi vô ý gây thương tích thường mang tính đơn lẻ nhiều hơn.

Thứ hai, bất cập trong việc định khung hình phạt. Mặc dù, Điều 260 BLHS năm 2015 đã quy định chi tiết mức độ hậu quả do hành vi phạm tội gây ra tương ứng với từng khung hình phạt nhất định. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn những bất cập trong việc áp dụng hình phạt cho người phạm tội.

Ví dụ 1: Ngày 24/02/2022, A đang lái xe ô tô di chuyển trên đường, do không làm chủ được tốc độ nên đã đâm vào 02 xe máy đi ngược chiều, hậu quả vụ tai nạn làm 01 người chết, 02 người bị thương, với tỉ lệ tổn hại sức khỏe lần lượt là 60% và 61% (tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của 02 người là 121%). Như vậy, với hậu quả do A gây ra, mức hình phạt áp dụng đối với A theo khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015.

Ví dụ 2: Tương tự như ví dụ 1, nhưng hậu quả vụ tai nạn do B gây ra làm 02 người bị thương, với tỉ lệ tổn hại sức khỏe lần lượt là 61% và 62% (tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của 02 người này là 123%). Như vậy, với hậu quả do B gây ra, mức hình phạt áp dụng đối với B theo điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015.

Có thể thấy, hậu quả do B gây ra rõ ràng là nhẹ hơn (02 người bị thương với tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể là 123%) so với hậu quả do A gây ra, nhưng B bị xử lý theo khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 với mức hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Trong khi đó, hậu quả do A gây ra là nặng hơn (01 người chết, 02 người bị thương với tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể là 121%), nhưng A chỉ bị xử lý theo khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 có mức hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Thứ ba, bất cập trong quy định vi phạm nồng độ cồn vượt quá mức quy định.

Điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định...”. Khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Như vậy, thời điểm người phạm tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà xác định được trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015.

Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 35 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 như sau: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là hành vi bị Luật giao thông đường bộ nghiêm cấm. Quy định này cho thấy, các nhà làm luật đã không cho phép người sử dụng rượu, bia hoặc các thực phẩm có cồn khi tham gia giao thông với bất kỳ nồng độ cồn nào. Ngoài ra, theo Điều 5, Điều 6 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thì mức vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe đã được định lượng qua 03 mức để làm căn cứ xử phạt hành chính cho từng loại phương tiện, cụ thể: “1) Chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở; 2) Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở; 3) Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở”. Trong khi đó, điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 chỉ quy định “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định...”, mà không đưa ra các mức xác định cụ thể, thêm vào đó là các quy định không thống nhất trong các văn bản pháp luật nêu trên khiến các cơ quan tiến hành tố tụng lúng túng trong áp dụng. Việc giữ nguyên quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 không phù hợp với định hướng và mục tiêu chung của Quốc hội trong công cuộc phòng, chống tác hại của rượu, bia được quy định tại khoản 6 Điều 5 Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.

Thứ tư, bất cập trong việc quy định chuyển khung hình phạt đối với các trường hợp phạm tội có yếu tố tăng nặng đã được đưa vào để định khung hình phạt tại Điều luật. Theo khoa học pháp lý hình sự, nếu một người có hành vi vi phạm thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm cơ bản tại khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015, ngoài ra còn có thêm một trong các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt như: “a) Không có giấy phép lái xe theo quy định; b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông” thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015. Tuy nhiên, những tình tiết này chưa được quy định là tình tiết định khung tăng nặng áp dụng cho khoản 3 của Điều luật.

Việc khoản 3 Điều 260 BLHS năm 2015 chưa đưa ra các dấu hiệu trên là tình tiết tăng nặng để định khung hình phạt đã dẫn đến tình trạng không tương xứng giữa khung hình phạt với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội trong một số trường hợp cụ thể xảy ra trong thực tiễn.

Ví dụ 1: A điều khiển xe máy lưu thông trên đường, không có giấy phép lái xe theo quy định, do chạy với tốc độ cao nên A không làm chủ được tay lái, đâm vào một xe máy đi chiều ngược lại, hậu quả làm 01 người chết, lỗi hoàn toàn do A gây ra. Trong trường hợp này, hậu quả do A gây ra thuộc điểm a khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015, nhưng do A không có giấy phép lái xe nên A bị các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý theo điểm a khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015, có khung hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Trong trường hợp này, việc các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng chuyển khung hình phạt (chuyển từ khoản 1 sang khoản 2) của Điều luật là hoàn toàn phù hợp với tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Ví dụ 2: Trường hợp B cũng không có giấy phép lái xe và vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ dẫn tới hậu quả làm 02 người chết thì B cũng chỉ bị các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý theo điểm a, điểm đ khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015, có khung hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Tương tự, với các trường hợp người phạm tội trong tình trạng sử dụng rượu bia, chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác; bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông và gây ra các hậu quả như: Làm chết 02 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng thì khung hình phạt áp dụng chỉ dừng lại ở khoản 2 và mức hình phạt giới hạn từ 03 năm đến 10 năm tù. Việc không quy định các trường hợp phạm tội có yếu tố tăng nặng đã được đưa vào để định khung hình phạt tại khoản 2 của Điều luật để chuyển khung xử lý sang khoản 3 dẫn tới việc thiếu công bằng trong điều tra, truy tố và xét xử, cũng như thiếu cơ sở để các cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ ra quyết định hình phạt tương ứng với hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Thứ năm, bất cập trong việc áp dụng quy định miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29 BLHS năm 2015.

Tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 quy định: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”. Đây là nguyên tắc hòa giải trong Luật hình sự nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội thỏa thuận với bị hại được đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trước khi vụ án được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, nguyên tắc này chỉ áp dụng đối với hai loại tội phạm: Tội phạm nghiêm trọng do vô ý; tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác.

Ví dụ 1: A điều khiển xe ô tô với tốc độ cao và gây tai nạn với 02 xe máy đi cùng chiều, hậu quả làm chết 01 người và gây thương tích cho 02 người khác với tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể qua giám định là 120%. Với thiệt hại gây ra, A bị các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý theo điểm a, điểm c khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015. Trong trường hợp này, nếu đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 thì A có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

Ví dụ 2: Tương tự như ví dụ 1, nhưng hậu quả do B gây ra là làm 03 người bị thương, với tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể qua giám định là 125%. Trong trường hợp này, B bị các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý theo điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 và B không được các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015 (do hành vi của B thuộc nhóm tội phạm rất nghiêm trọng).

Nếu so sánh về mức độ hậu quả, rõ ràng hậu quả do A gây ra ở ví dụ 1 là nghiêm trọng hơn so với hậu quả do B gây ra ở ví dụ 2, nhưng hình phạt áp dụng đối với B lại nặng hơn A. Ngoài ra, B không thuộc trường hợp để xem xét được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, đây là sự bất hợp lý và thiếu công bằng trong quá trình áp dụng pháp luật.

2. Một số đề xuất, kiến nghị

Trên cơ sở những bất cập được phân tích ở trên, để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong xử lý Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong thực tiễn, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, nhanh chóng hoàn thiện các quy định pháp luật về tội danh này thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về pháp luật hình sự có liên quan, cụ thể như sau:

Một là, cần ban hành nghị quyết hoặc thông tư liên tịch hướng dẫn việc áp dụng pháp luật trong một số trường hợp cụ thể như: Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến dưới 61% sẽ bị xử lý theo Điều 260 BLHS năm 2015 hay Điều 138 BLHS năm 2015. Đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà hậu quả gây ra vừa làm chết người, vừa gây thương tích cho người khác, tác giả đề xuất xử lý theo hướng quy định nạn nhân bị chết được tính với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 100% để cộng với tỉ lệ tổn thương của các nạn nhân khác; đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có nhiều hậu quả là tình tiết để định khung hình phạt thì các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, xử lý theo hướng cộng dồn các hậu quả để đưa vào một khung hình phạt phù hợp với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội gây ra.

Tại khoản 4 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b, c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời...”. Quy định này còn chung chung, mang tính định tính, do đó cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nào tại điểm a khoản 3 là trường hợp có khả năng dẫn đến hậu quả làm chết 03 người; trường hợp nào sẽ áp dụng điểm b và c khoản 3 Điều này.

Hai là, sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 về cụm từ “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định...” thành “trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn...” để phù hợp với quy định tại khoản 8 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã được sửa đổi tại Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Ba là, bổ sung thêm tình tiết tại điểm đ khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015: “Làm chết 01 người và gây thêm một trong các hậu quả quy định tại điểm b, c, d khoản 1 Điều này”. Đồng thời, bổ sung thêm tình tiết tại điểm d khoản 3 Điều 260 BLHS 2015: “Gây một trong các thiệt hại được quy định tại các điểm đ, e, g tại khoản 2 Điều này và có một trong các dấu hiệu định khung tăng nặng được quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này”.

ThS. Lại Sơn Tùng (Tạp chí Kiểm sát in số 11/2023)
Tìm kiếm