CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Khai mạc Phiên họp thứ 28: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 19 nội dung quan trọng

13/12/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Sáng 13/12, phát biểu khai mạc tại Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Phiên họp diễn ra trong 03 ngày, cho ý kiến đối với 19 nội dung quan trọng, tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng vào dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Toàn cảnh khai mạc Phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến trong 03 ngày Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 19 nội dung quan trọng, tập trung vào 05 nhóm vấn đề:

Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Tổng kết kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV kết thúc vào ngày 29/11 vừa qua, theo thông lệ Phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nhận định, đánh giá, tổng kết trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, báo cáo tổng hợp dư luận của quần chúng Nhân dân, của cử tri để đánh giá toàn diện về kỳ họp, kể về chương trình, điều hành và kết quả. Đại biểu cần làm rõ những vấn đề cần tiếp tục rút kinh nghiệm và đặc biệt kiến nghị đề xuất để tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến sơ bộ về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024. Bên cạnh đó, tại Kỳ họp thứ 6, có 02 dự án luật rất quan trọng, Quốc hội đã quyết định tạm thời chưa thông qua để có thêm thời gian chuẩn bị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc
Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để đảm bảo vừa đáp yêu cầu cấp bách trước mắt nhưng đảm bảo chất lượng của các dự án luật rất quan trọng này, đó là Dự án luật Đất đai (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); ngoài ra còn có một số nội dung rất quan trọng khác, như Quy hoạch không gian biển quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về áp dụng thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù để triển khai Ba Chương trình mục tiêu quốc gia theo Nghị quyết giám sát của Quốc hội về chuyên đề này, cũng như một số các nội dung về tài chính và ngân sách còn tồn đọng thuộc quyền hạn của Quốc hội và một số dự án quan trọng quốc gia khác nên cũng cần phải tính đến cái khả năng từ giờ đến Kỳ họp thứ 7, có thể có thêm một kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường để giải quyết những vấn đề còn tồn đọng và cấp bách trước mắt. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tiến độ chuẩn bị các dự án luật và các dự thảo nghị quyết này.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự kiến thời gian kỳ họp bất thường diễn ra trung tuần tháng 01/2024, các ý kiến cần thảo luận các biện pháp đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể tổ chức các phiên họp không thường kỳ để cho ý kiến về các dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội.

Nhóm vấn đề thứ hai, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2023; xem xét, thông qua chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho ý kiến (chỉ đạo, điều hòa) về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và Văn phòng Quốc hội.

Nhóm vấn đề thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)...). Cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Đối với dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đây là pháp lệnh thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét từ đầu nhiệm kỳ tới nay, nằm trong chương trình lập pháp của cả nhiệm kỳ. Do tính chất quan trọng và mức độ phức tạp hơn của dự án pháp lệnh này nên dự kiến sẽ xem xét, thông qua trong 2 phiên họp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự án – đây là một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau, cần thảo luận kỹ lưỡng để phù hợp với Hiến pháp và các bộ luật liên quan.

Về một số nội dung đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, như: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)..., Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thẩm quyền quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thuộc Quốc hội, giữa hai kỳ họp giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung. Chủ tịch Quốc hội, thẩm quyền này được Quốc hội giao nên cần tập trung kỹ lưỡng vào công tác này, chỉ đưa vào dự án đủ điều kiện trình, dự án chưa đủ điều kiện nhất quyết không đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

“Đây là nội dung lập pháp quan trọng, cần được làm kỹ lưỡng ngay từ khâu đầu tiên, đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về nội dung này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ định hướng là tăng cường công tác giám sát bằng hình thức giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban. Đến nay, vẫn chưa có quy trình, quy định cụ thể nào về trình tự này, đây là hoạt động thường xuyên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội do vậy cần phải được mở rộng hơn, thường xuyên hơn và nâng cao chất lượng hơn. Do vậy, cần có hướng dẫn cụ thể và thống nhất để không chỉ cho Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, mà các cơ quan, tổ chức hữu quan biết và thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng về nội dung này để tạo sự thuận lợi, thống nhất trong quá trình triển khai để nâng cao chất lượng hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo hướng rành mạch, chủ động, trách nhiệm, chuyên sâu, nhạy bén theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Nhóm vấn đề thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 11 nội dung quan trọng về tài chính ngân sách, địa giới hành chính và nhân sự. Trong đó có 9 nội dung liên quan đến tài chính ngân sách liên quan đến Việc phân bổ dự toán ngân sách trung ương năm 2023 kinh phí xử lý bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn; Việc bổ sung kinh phí chi sự nghiệp khoa học, công nghệ và sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách trung ương năm 2023 cho các Bộ, cơ quan trung ương; việc điều chỉnh vốn vay lại năm 2023 của các địa phương; Việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia đã xuất cấp để cứu trợ, viện trợ từ ngày 01 tháng 6 năm 2022 đến ngày 31 tháng 5 năm 2023; Mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024; Việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội từ năm 2023 trở về trước và hỗ trợ chi trả chế độ cho số lượng biên chế giáo viên được bổ sung theo quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị...

Về vấn đề địa giới hành chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong phiên họp này, Ủy ban Thường vụ quốc hội sẽ xem xét việc, quyết định việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đây là một trong những hoạt động đầu tiên triển khai thực hiện kết luận của Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính đơn vị cấp huyện, cấp xã. Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành khẩn trương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhóm vấn đề thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023. Xem xét, cho ý kiến, quyết định bằng văn bản đối với: Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nội dung phiên họp tương đối nhiều, trong khi đó, các công việc để kết thúc Kỳ họp thứ 6 vẫn cần tiếp tục triển khai. Đến nay cơ bản ban hành đủ các nghị quyết, ký chứng thực các dự án luật, đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, sớm trình ký chứng thực các dự án luật còn lại; đồng thời, chuẩn bị các dự án luật được thông qua tại Kỳ họp chuyên đề và Kỳ họp thứ 7.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội
tham dự Phiên họp.

 

Lan Hương - Nghĩa Đức - Minh Thành (quochoi.vn)
Tìm kiếm