CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành Kiểm sát nhân dân

14/08/2018
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 30/7/2018, VKSND tối cao ban hành Quy định việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành KSND (Ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao). Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

 

Ngày 30/7/2018, VKSND tối cao ban hành Quy định việc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành KSND (Ban hành kèm theo Quyết định số 94/QĐ-VKSTC của Viện trưởng VKSND tối cao). Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Quy định gồm 3 chương, 23 Điều quy định phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công trong ngành KSND trong việc: Đầu tư, xây dựng, mua sắm, thuê, khoán kinh phí sử dụng tài sản công; sử dụng, bảo vệ, bảo dưỡng, sửa chữa, khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công; thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi công năng, bán, thanh lý, tiêu hủy và các hình thức xử lý khác đối với tài sản công; thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đánh giá việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Nguyên tắc phân cấp quản lý, sử dụng tài sản công là: Đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện theo đúng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng đơn vị và trách nhiệm phối hợp giữa các đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phù hợp với quy định về phân cấp quản lý nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, phù hợp với thực tế, yêu cầu công tác quản lý tài sản công của ngành KSND; tạo điều kiện và nâng cao năng lực quản lý cho VKSND các cấp, đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, đồng thời tăng cường thực hiện công tác giám sát, hướng dẫn, kiểm tra về quản lý, sử dụng tài sản công; tài sản công do Nhà nước đầu tư phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hỏa hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lú rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác theo quy định của pháp luật; tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm an ninh của VKSND các cấp, đơn vị trực thuộc phải được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định của pháp luật; việc khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công phải tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật; việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; việc quản lý, sử dụng tài sản công được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.      

Mua sắm, thuê tài sản phục vụ hoạt động

Điều 6 quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong 3 trường hợp: Phải lập thành dự án đầu tư; mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách trung ương mà không thuộc phạm vi khoản 1 Điều này; mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ mà không thuộc phạm vi khoản 1 Điều này. Trong trường hợp mua sắm tài sản công từ nguồn ngân sách trung ương mà không thuộc phạm vi khoản 1 Điều này, Viện trưởng VKSND tối cao hoặc Phó Viện trưởng VKSND tối cao được phân công quyết định mua sắm tài sản công là ô tô, phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị làm việc và các tài sản khác (trừ ô tô, phương tiện vận tải) có giá trị từ 500 triệu đồng/01 đơn vị tài sản trở lên hoặc giá trị mua sắm từ 3.000 triệu đồng trở lên cho một gói mua sắm tài sản.     

Về việc thuê tài sản phục vụ hoạt động, Viện trưởng VKSND tối cao quyết định việc thuê trụ sở làm việc (từ nguồn ngân sách nhà nước) của VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh và đơn vị trực thuộc VKSND tối cao đối với trường hợp thuê có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên (tính cho 01 hợp đồng). Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh quyết định việc thuê trụ sở làm việc của đơn vị mình và đơn vị thuộc phạm vi quản lý đối với trường hợp thuê có giá trị dưới 500 triệu đồng (tính cho 01 hợp đồng) trên cơ sở ý kiến thống nhất bằng văn bản của Cục Kế hoạch - Tài chính. Thủ trưởng các đơn vị dự toán sử dụng tài sản quyết định việc thuê tài sản là máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, tài sản khác không phải là trụ sở làm việc để phục vụ hoạt động của đơn vị, chịu trách nhiệm trước pháp luật và Viện trưởng VKSND tối cao.

Khoán kinh phí sử dụng tài sản công

Việc khoán kinh phí sử dụng nhà ở công vụ được áp dụng đối với các đối tượng có tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ mà Nhà nước không có nhà ở công vụ để bố trí, được thanh toán cùng với việc chi trả tiền lương hàng tháng. Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. Việc khoán kinh phí sử dụng máy móc, thiết bị được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP, được thanh toán cho người nhận khoán cùng với việc chi trả tiền lương hàng tháng. Việc khoán kinh phí sử dụng tài sản công khác không thuộc phạm vi quy định tại các Điều 8, 9, 10 của Quy định này, Thủ trưởng các đơn vị thuộc khoản 2 Điều 10 nêu trên căn cứ nguyên tắc quy định tại Điều 5 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và tình hình thực tế của đơn vị để xây dựng phương án, quyết định khoán sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Cục Kế hoạch - Tài chính, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Sử dụng tài sản công tại đơn vị

Tài sản công tại đơn vị trong ngành KSND chưa sử dụng hết công suất được cho cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội sử dụng chung để phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Viện trưởng VKSND tối cao quyết định chuyển đổi công năng sử dụng đối với tài sản công do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định giao, đầu tư xây dựng, mua sắm trong trường hợp không thay đổi cơ quan nhà nước được giao quản lý, sử dụng tài sản công; thuộc thẩm quyền quyết định xử lý tài sản công (không phải là trụ sở làm việc) trong trường hợp thay đổi cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản công. Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, huyện quyết định chuyển đổi công năng sử dụng tài sản đối với tài sản công do mình quyết định mua sắm.

Xử lý tài sản công

Mục 4 - Xử lý tài sản công gồm 6 điều quy định thẩm quyền quyết định thu hồi tài sản công; điều chuyển tài sản công; bán tài sản công; thanh lý tài sản công; tiêu hủy tài sản công; xử lý tài sản công trong trường hợp bị mất, hủy hoại trong từng trường hợp cụ thể. Theo đó, các cá nhân có thẩm quyền trong việc xử lý tài sản công là Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh;...

Đầu tư xây dựng, bảo dưỡng, bảo trì tài sản công

Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng trụ sở làm việc là đất, nhà làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất phục vụ hoạt động quản lý của các đơn vị trong ngành KSND thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng, quy định của pháp luật khác có liên quan và quy định của VKSND tối cao. Viện trưởng VKSND tối cao quyết định việc bảo dưỡng, sửa chữa, bảo trì tài sản công, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trụ sở làm việc (từ nguồn ngân sách trung ương) trên cơ sở đề xuất của Cục trưởng Cục Kế hoạch - Tài chính theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với: Trụ sở làm việc của đơn vị trong ngành KSND có dự toán sửa chữa, bảo dưỡng, cải tạo công trình từ 01 tỷ đồng trở lên; tài sản công khác thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm của Viện trưởng VKSND tối cao quy định tại Điều 6 Quy định này. Chánh Văn phòng VKSND tối cao, Thủ trưởng các đơn vị dự toán trực thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh quyết định việc sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công, cải tạo, nâng cấp, mở rộng trụ sở làm việc (từ nguồn ngân sách trung ương) theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với: Trụ sở làm việc của đơn vị mình và đơn vị thuộc phạm vi quản lý có dự toán sửa chữa, bảo dưỡng, cải tạo công trình dưới 01 tỷ đồng; tài sản công khác được VKSND tối cao giao quản lý, sử dụng và các tài sản công thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm quy định tại Điều 6 Quy định này. Viện trưởng VKSND cấp huyện quyết định việc sửa chữa, bảo dưỡng tài sản công theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành đối với tài sản được VKSND cấp trên giao quản lý, sử dụng và các tài sản công khác thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm quy định tại Điều 6 Quy định này. 

Xem toàn văn Quy định tại đây.

Thanh Hằng

(Giới thiệu)

 

 

Tìm kiếm