Ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can là sự vận dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quá trình giải quyết vụ án hình sự, đảm bảo sự khách quan, minh bạch của hoạt động tố tụng. Vì vậy, vấn đề này trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng các trường hợp bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo lộ trình từng bước, nhằm bảo đảm hơn nữa tính hợp pháp của nguồn chứng cứ là lời khai.
1. Quy định của pháp luật về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đối với hoạt động hỏi cung bị can
Quy định về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đối với hoạt động hỏi cung bị can được chia làm 02 trường hợp: (1) Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; (2) Theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Cán bộ hỏi cung bị can quyết định lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Thứ nhất, về trường hợp bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can:
Theo khoản 6 Điều 183 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (BLTTHS năm 2015) thì “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”.
Khoản 2 Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP ngày 01/02/2018 của liên ngành Trung ương hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (TTLT số 03/2018) và khoản 1 Điều 11 Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quy trình tạm thời kiểm sát việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh của cơ quan có thẩm quyền điều tra; trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố (Quyết định số 264/2020) đã bổ sung trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can tại Viện kiểm sát. Như vậy, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là bắt buộc nếu thực hiện hỏi cung tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở CQĐT, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Việc bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong những trường hợp trên góp phần hạn chế đến mức thấp nhất hành vi lạm quyền của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, tăng tính hợp pháp của nguồn chứng cứ là lời khai được thu thập từ hoạt động hỏi cung.
Thứ hai, về ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi hỏi cung bị can:
Đối với việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác ngoài cơ sở giam giữ hoặc trụ sở CQĐT, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, BLTTHS năm 2015 cho phép chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng được thực hiện việc hỏi cung ngay sau khi khởi tố bị can, nhằm thu thập nhanh chóng, kịp thời nguồn chứng cứ lời khai của bị can. Do các “địa điểm khác” thường không có sẵn thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, nên BLTTHS năm 2015 không quy định bắt buộc việc hỏi cung phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Tuy nhiên, khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng” để phù hợp với thực tiễn giải quyết những vụ án phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến dư luận mà đòi hỏi nguồn chứng cứ lời khai, lời trình bày phải bảo đảm tính hợp pháp, vững chắc.
2. Một số tồn tại, hạn chế
Một là, cơ sở của việc phân chia trường hợp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can (bắt buộc hoặc theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng) là địa điểm hỏi cung bị can. Có thể thấy, pháp luật đã cân nhắc điều kiện cơ sở vật chất tại những địa điểm hỏi cung nhằm bảo đảm việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh luôn được thực hiện song song với quá trình hỏi cung bị can.
Tuy nhiên, theo tác giả, nếu chỉ dựa vào điều kiện cơ sở vật chất tại các địa điểm hỏi cung thì chưa bảo đảm tốt nhất quyền của bị can bị khởi tố về tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; bị can là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về thể chất mà không có khả năng bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần. Tuy bị can trong các trường hợp trên được pháp luật quy định cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định người bào chữa cho họ nếu họ và người thân thích không mời người bào chữa, nhưng không phải mọi trường hợp việc hỏi cung những bị can này đều có mặt người bào chữa hoặc được tiến hành tại địa điểm bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Do đó, vẫn có khả năng chủ thể có thẩm quyền không áp dụng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đối với họ. Tương tự, đối với bị can là phụ nữ mang thai hoặc người già yếu, pháp luật chưa quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung trong tất cả các trường hợp và ở mọi địa điểm.
Hai là, khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”; vấn đề đặt ra là việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là luôn bắt buộc nếu có yêu cầu của bị can hoặc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hay chủ thể có thẩm quyền được xem xét và quyết định tùy vào từng trường hợp cụ thể? Điều này dẫn đến sự lúng túng của chủ thể có thẩm quyền hỏi cung; bị can cũng không rõ là yêu cầu của mình có phải là căn cứ dẫn đến việc bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung ngay sau đó hay không.
Ba là, thực tiễn cho thấy, có nhiều trường hợp bị can không yêu cầu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung tại “địa điểm khác” theo khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015, bởi họ có thể không hiểu biết đầy đủ quy định của pháp luật; người bào chữa có thể không có mặt bên cạnh lúc đó để bảo vệ quyền lợi cho họ; hoặc chủ thể có thẩm quyền không giải thích cụ thể cho họ biết quyền yêu cầu này.
Bốn là, theo khoản 1 Điều 5 TTLT số 03/2018, khoản 1 Điều 6 Quyết định số 264/2020 thì cán bộ hỏi cung bị can có thẩm quyền quyết định lựa chọn hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Vậy hình thức ghi âm có được thực hiện song song với hình thức ghi hình có âm thanh hay không? Trường hợp cụ thể nào thì cán bộ hỏi cung quyết định hình thức ghi âm hay ghi hình có âm thanh? Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của bị can, đồng thời có thể kéo dài quá trình giải quyết vụ án khi bị can kêu oan, tố cáo người có thẩm quyền có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực bằng cử chỉ, hành vi đối với họ, mà bản ghi âm (không có hình ảnh) sẽ không đủ cơ sở để chứng minh, giải quyết. Việc quy định hình thức ghi âm hoặc hình thức ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can theo hướng tuỳ nghi, phụ thuộc vào ý chí của chủ thể hỏi cung khiến việc thực thi không được đảm bảo triệt để, thống nhất trên thực tế.
3. Kiến nghị hoàn thiện
Để khắc phục những hạn chế như đã phân tích, đảm bảo hoạt động ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can giúp cơ quan có thẩm quyền thu thập được nguồn chứng cứ lời khai hợp pháp, bảo đảm hơn nữa quyền của bị can, tác giả kiến nghị các giải pháp sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định bắt buộc thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung đối với những bị can bị khởi tố về tội mà Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình; bị can là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về thể chất mà không có khả năng bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần; bị can là phụ nữ mang thai hoặc người già yếu tại địa điểm khác ngoài cơ sở giam giữ, trụ sở CQĐT, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc này là hoàn toàn cần thiết để bảo đảm hơn nữa quyền con người của bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc bị can là người yếu thế.
Thứ hai, khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 cần được sửa đổi theo hướng: “Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi có yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”. Theo đó, bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can nếu có yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Điều này giúp khắc phục tình trạng chưa rõ ràng trong quy định của pháp luật; đảm bảo sự minh bạch, đúng pháp luật, tôn trọng quyền con người của bị can trong quá trình hỏi cung.
Khi tiến hành hỏi cung ngoài cơ sở giam giữ, trụ sở CQĐT, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì cán bộ thực hiện nhiệm vụ hỏi cung, lấy lời khai phải chuẩn bị sẵn các thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh lưu động, tìm hiểu về cách sử dụng các thiết bị này trước khi đến địa điểm hỏi cung; chuẩn bị thêm thiết bị đèn chiếu sáng để sử dụng trong trường hợp điều kiện ánh sáng không đạt chất lượng như tiêu chuẩn tại phòng chuyên dụng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh.
Thứ ba, bổ sung trách nhiệm “giải thích cho bị can quyền yêu cầu được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh” của cán bộ hỏi cung khi thực hiện việc hỏi cung tại địa điểm khác, để bị can cân nhắc quyết định yêu cầu hoặc không yêu cầu; bổ sung trách nhiệm kiểm sát của Viện kiểm sát đối với hoạt động giải thích này.
Thứ tư, quy định cán bộhỏi cung ưu tiên áp dụng hình thức ghi hình có âm thanh. Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thể ghi hình có âm thanh thì cán bộ hỏi cung mới áp dụng hình thức ghi âm, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản, có xác nhận của cán bộ chuyên môn để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong việc lựa chọn và áp dụng hình thức ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Bởi lẽ, dữ liệu điện tử trong bản ghi hình có âm thanh mang giá trị chứng minh cao hơn trong bản ghi âm, thể hiện đầy đủ, toàn bộ hành vi, cử chỉ, hành động, biểu cảm, lời nói, thái độ của tất cả những chủ thể có mặt trong buổi hỏi cung
Thứ năm, thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần hoàn thiện cơ sở vật chất, trang bị đầy đủ thiết bị trên phạm vi toàn quốc để thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can trong mọi trường hợp, kể cả thủ tục rút gọn theo Điều 456 BLTTHS năm 2015. Bởi lẽ, dù hoạt động hỏi cung áp dụng theo thủ tục rút gọn thì vẫn phải đặt yếu tố bảo vệ quyền con người lên trên hết; tránh trường hợp chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện hành vi lạm quyền; đảm bảo tính hợp pháp của nguồn chứng cứ.