Biên bản phiên tòa là văn bản ghi chép lại toàn bộ diễn biến từ khi bắt đầu đến khi kết thúc của một phiên tòa. Việc ghi biên bản phiên tòa đầy đủ, chính xác là trách nhiệm...
Biên bản phiên tòa là văn bản ghi chép lại toàn bộ diễn biến từ khi bắt đầu đến khi kết thúc của một phiên tòa. Việc ghi biên bản phiên tòa đầy đủ, chính xác là trách nhiệm của Thư ký Tòa án.
Có thể thấy biên bản phiên tòa xét xử các vụ án hình sự là một văn bản pháp lý rất quan trọng không chỉ để kiểm tra xem việc xét xử của Tòa án có đúng trình tự, thủ tục tố tụng hay không mà trong một số trường hợp ví dụ như trong giai đoạn điều tra, truy tố bị cáo kêu oan không nhận tội nhưng tại phiên tòa bị cáo lại nhận tội thì biên bản phiên tòa được coi như là một căn cứ pháp lý để khẳng định việc xét xử của Tòa án có khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không.
Kế thừa và sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng dành một điều (Điều 258) quy định về biên bản phiên tòa:
“1. Biên bản phiên tòa phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên tòa và mọi diễn biến tại phiên tòa từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc phiên tòa. Cùng với việc ghi biên bản, có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh về diễn biến phiên tòa.
2. Các câu hỏi, câu trả lời, lời trình bày và quyết định tại phiên tòa đều được ghi vào biên bản
3. Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, chủ tọa phiên tòa phải kiểm tra biên bản và cùng với Thư ký Tòa án ký vào biên bản đó…”
Để bảo đảm việc ghi biên bản phiên tòa của Thư ký có đầy đủ, chính xác với nội dung diễn biến tại phiên tòa hay không khoản 4 Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định “Sau khi chủ tọa phiên tòa và Thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó được xem biên bản phiên tòa”. Trong trường hợp “nếu có người yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa thì Thư ký Tòa án phải ghi sửa đổi, bổ sung đó vào biên bản phiên tòa. Không được tẩy xóa, sửa chữa trực tiếp mà phải ghi sửa đổi, bổ sung tiếp vào cuối biên bản phiên tòa và cùng chủ tọa phiên tòa ký xác nhận; nếu chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa.”
Như vậy có thể thấy Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về biên bản phiên tòa đã khắc phục được hạn chế của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 ở những điểm sau:
Một là: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ thời điểm kết thúc ghi biên bản phiên tòa là khi “kết thúc phiên tòa” chứ không phải là “khi tuyên án” như khoản 1 Điều 200 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định.
Hai là: Quy định rõ hơn nội dung biên bản phiên tòa không chỉ ghi “những câu hỏi và những câu trả lời” mà phải ghi cả “lời trình bày và quyết định tại phiên tòa”. Có nghĩa là phải ghi cả quan điểm phát biểu của Kiểm sát viên, ý kiến của những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa và kết quả tuyên án để khắc phục trường hợp Tòa tuyên án có nội dung khác với bản án.
Ba là: Khoản 3 Điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ hơn thời điểm chủ tọa phiên tòa và thư ký phải ký vào biên bản phiên tòa là “Ngay sau khi kết thúc phiên tòa” chứ không phải “sau khi kết thúc phiên tòa” như trước đây.
Bốn là: Khoản 4 Điều 200 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 chỉ quy định Kiểm sát viên và bị cáo, người bào chữa, bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự hoặc đại diện của những người đó (gọi tắt là những người tham gia phiên tòa) được xem biên bản phiên tòa nhưng không nói rõ xem ở thời điểm nào, dẫn đến việc Chủ tọa phiên tòa và thư ký phiên tòa thực hiện tùy nghi không thống nhất, gây khó khăn cho những người tham gia phiên tòa. Khắc phục hạn chế này Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ hơn về thời điểm những người tham gia tố tụng được xem biên bản phiên tòa là “sau khi chủ tọa phiên tòa và thư ký Tòa án ký vào biên bản phiên tòa”.
Năm là: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ hơn người ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa là Thư ký phiên tòa và phải ghi vào cuối biên bản phiên tòa chứ không được tẩy xóa, sửa chữa trực tiếp vào biên bản. Đồng thời không chỉ có người yêu cầu sửa đổi bổ sung ký vào biên bản phiên tòa như trước mà chủ tọa phiên tòa cũng phải ký xác nhận vào biên bản nếu có sửa đổi, bổ sung. Trong trường hợp chủ tọa phiên tòa không chấp nhận yêu cầu sửa chữa thì phải nêu rõ lý do và ghi vào biên bản phiên tòa để thể hiện rõ tính khách quan và tính chịu trách nhiệm của chủ tọa phiên tòa; tránh tình trạng quy định như trước là người tham gia phiên tòa yêu cầu sửa chữa chủ tọa phiên tòa không đồng ý thì cũng không có cơ chế rằng buộc.
Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng chỉ dừng lại ở việc “Kiểm sát viên được xem biên bản phiên tòa” như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nên chưa có cơ chế quy định rõ ràng về trách nhiệm của Tòa án trong việc đảm bảo quyền này của Viện kiểm sát. Cụ thể là: Theo quy định trên thì Kiểm sát viên có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa và chỉ cùng chủ tọa phiên tòa ký xác nhận vào biên bản phiên tòa khi có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Còn trong trường hợp Kiểm sát viên xem biên bản phiên tòa mà không có ý kiến gì yêu cầu sửa đổi, bổ sung thì Kiểm sát viên không được ký vào biên bản phiên tòa. Như vậy quy định trên cho thấy Kiểm sát viên cũng chỉ có quyền “xem” biên bản phiên tòa như những người tham gia tố tụng khác mà không có quyền kiểm sát việc ghi biên bản phiên tòa của Thư ký phiên tòa. Việc quy định như vậy sẽ dẫn đến trên thực tế có trường hợp Kiểm sát viên xem biên bản phiên tòa, nhất trí với biên bản phiên tòa nhưng sau đó chủ tọa và Thư ký lại sửa đổi nội dung biên bản phiên tòa và ký lại nhưng Kiểm sát viên không thể biết được. Ví dụ như: Tại phiên tòa Kiểm sát viên đề nghị áp dụng cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” theo khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự; khi tuyên án Hội đồng xét xử không áp dụng tình tiết giảm nhẹ này. Kiểm sát viên xem biên bản phiên tòa thấy đúng như vậy nên không có ý kiến gì (đồng nghĩa với việc không ký vào biên bản phiên tòa vì không có yêu cầu sửa đổi, bổ sung). Tuy nhiên, sau đó chủ tọa, Thư ký phiên tòa lại sửa lại biên bản phiên tòa theo hướng có áp dụng tình tiết giảm nhẹ này và đưa tình tiết giảm nhẹ này vào trong bản án hình sự sơ thẩm. Khi kiểm sát bản án, Kiểm sát viên phát hiện thấy có vi phạm này nhưng cũng không có căn cứ gì để kháng nghị, kiến nghị vì kiểm tra biên bản phiên tòa đã được chỉnh sửa lại cho phù hợp với bản án.
Thiết nghĩ, theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì tại phiên tòa ngoài chức năng thực hành quyền công tố Kiểm sát viên còn có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự của Tòa án. Vì vậy để đảm bảo tính pháp lý của biên bản phiên tòa, đề nghị nghiên cứu, sửa đổi bổ sung điều 258 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Kiểm sát viên ngay sau khi kết thúc phiên tòa phải kiểm sát biên bản phiên tòa và sau đó ký vào từng trang biên bản phiên tòa để thể hiện KSV đã kiểm sát biên bản phiên tòa chứ không phải đơn thuần là “xem” biên bản phiên tòa. Trong điều kiện hiện nay việc ghi âm tại phiên tòa chưa phải là bắt buộc thì việc quy định Kiểm sát viên phải kiểm sát và ký vào từng trang biên bản phiên tòa sẽ buộc Thư ký ghi chép cẩn thận hơn, chi tiết, trung thực, rõ ràng hơn; đồng thời phải khẩn trương hoàn thiện biên bản phiên tòa để chủ tọa phiên tòa và Kiểm sát viên ký vào biên bản phiên tòa, điều đó sẽ tránh được việc sửa chữa, ký lại biên bản phiên tòa của thư ký và chủ tọa phiên tòa.
Mặt khác, theo Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của VKSND tối cao) quy định “Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Kiểm sát viên phải kiểm tra biên bản phiên tòa”. Trên thực tế Kiểm sát viên có kiểm tra biên bản phiên tòa và khi không có sửa đổi, bổ sung gì thì cũng không có tài liệu nào để chứng minh rằng Kiểm sát viên đã xem biên bản phiên tòa để lưu vào hồ sơ kiểm sát án hình sự. Có ý kiến cho rằng Kiểm sát viên cần lập biên bản về việc đã kiểm tra biên bản phiên tòa nhưng vấn đề đặt ra là chủ tọa và Thư ký phiên tòa sẽ không ký vào biên bản vì luật không quy định. Như vậy, nếu như quy định rõ vào trong Bộ luật tố tụng hình sự Kiểm sát viên phải kiểm sát và ký vào biên bản phiên tòa sẽ là tài liệu minh chứng rõ ràng nhất cho việc Kiểm sát viên đã xem biên bản phiên tòa hay chưa.
Thu Hiền, VKSND tỉnh Hà Nam
(Theo Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Hà Nam)