CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Vướng mắc khi áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại” trong tội trộm cắp tài sản

05/09/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
“Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể của một loại tội phạm giảm đi so với trường hợp bình thường và do đó...

“Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể của một loại tội phạm giảm đi so với trường hợp bình thường và do đó được coi là căn cứ để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội đó” (Theo Từ điển giải thích thuật ngữ Luật học của Trường đại học Luật Hà Nội).

Một trong các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được Bộ luật Hình sự năm 2015 kế thừa và giữ nguyên của Bộ luật Hình sự năm 2003 đó là tình tiết “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS năm 2003 và nay là điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015. Tuy nhiên đến nay tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này chưa có văn bản dưới luật nào hướng dẫn cụ thể nên trên thực tế trong mỗi vụ án, ở mỗi địa phương còn có cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, nhất là trong các vụ án trộm cắp tài sản.
Tôi xin dẫn một ví dụ như sau: Khoảng 22h ngày 02/02/2008, lợi dụng đêm tối không có ai ở nhà, Nguyễn Xuân T đã lén lút đột nhập vào nhà anh Nguyễn Ngọc H để trộm cắp tài sản. Khi đang đục thủng chiếc két sắt trong nhà anh H để lấy tài sản thì bị phát hiện và bắt quả tang. Lực lượng chức năng kiểm tra trong két sắt có số tiền 30 triệu đồng.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi nêu trên của bị cáo Nguyễn Xuân T đã đủ yếu tố cấu thành tội “trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS; bị cáo chưa chiếm đoạt được tài sản nên phạm tội thuộc trường hợp chưa đạt theo quy định tại Điều 15 BLHS năm 2015. Do bị cáo chưa chiếm đoạt được tài sản có nghĩa là hành vi phạm tội của bị cáo chưa gây thiệt hại nên được hưởng Điều 51 BLHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi của bị cáo Nguyễn Xuân T đã đủ yếu tố cấu thành tội “trộm cắp tài sản” thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt theo quy định tại khoản 1 Điều 173 và Điều 15 BLHS năm 2015. Do bị cáo phạm tội chưa đạt nên đương nhiên thiệt hại chưa xảy ra, do đó không thể áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại”. Mặt khác, theo khoản 3 Điều 57 BLHS năm 2015 quy định “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức hình phạt tù mà điều luật quy định”. Điều đó có nghĩa là khi xác định bị cáo phạm tội trong trường hợp chưa đạt đã được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với phạm tội đã đạt đã hoàn thành; nếu lại tiếp tục áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại” theo điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS có nghĩa là bị cáo được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hai lần, là không phù hợp và không bảo đảm tính công bằng trong việc áp dụng pháp luật hình sự.

Quan điểm của tác giải bài viết ủng hộ theo quan điểm thứ hai, vì trong trường hợp này đã xác định Nguyễn Xuân T phạm tội “trộm cắp tài sản” thuộc trường hợp chưa đạt thì không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại”. Hay nói các khác tình tiết “chưa gây thiệt hại” ở đây được hiểu như là dấu hiệu định tội của trường hợp phạm tội chưa đạt nên việc không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “chưa gây thiệt hại” trong trường hợp này là phù hợp với tinh thần của khoản 3 Điều 51 BLHS quy định “các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt”.

Mặc dù hiện hay chưa có văn bản chính thức giải thích pháp luật đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” nhưng trên thực tiễn áp dụng pháp luật VKSND tối cao và TAND tối cao cũng đã có văn bản hướng dẫn áp dụng đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này, đó là:

Theo theo điểm 6.2.1.7  Sổ tay Thẩm phán TAND tối cao năm 2009 hướng dẫn “Chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện, nhưng thiệt hại không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt (phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội).”

Tại văn bản số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của VKSND tối cao gửi VKSND tỉnh Thanh Hóa có hướng dẫn “Chưa gây thiệt hại” là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại”.

Như vậy, giữa hướng dẫn của VKSND tối cao và của TAND tối cao nêu trên đã có sự khác nhau dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong quá trình vận dụng. Theo hướng dẫn tại Văn bản số 994 của VKSND tối cao có thể hiểu chỉ tội phạm ở giai đoạn phạm tội chưa đạt thì mới xem xét tình tiết giảm nhẹ “chưa gây thiệt hại” cho người phạm tội, còn khi tội phạm đã hoàn thành thì không thể áp dụng. Còn theo hướng dẫn tại Sổ tay Thẩm phán của TAND tối cao thì chưa gây thiệt hại là khi tội phạm đã được thực hiện hay nói cách khác đã hoàn thành về mặt hành vi, nhưng thiệt hại (hậu quả) không xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội và khi áp dụng tình tiết này, cần phân biệt với phạm tội chưa đạt, có nghĩa là đã xác định là thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt thì không được coi là chưa gây thiệt hại.

Ví dụ: Tối ngày 03/5/2018 lợi dụng sơ hở của chủ nhà, Nguyễn Văn A đã có hành vi lén lút trộm cắp chiếc xe mô tô nhãn hiệu Vision của ông Trần Văn B để ở ngoài sân. Khi A dắt chiếc xe máy ra khỏi cổng khoảng 200m thì bị phát hiện, đuổi bắt và thu giữ chiếc xe môtôVision trả lại cho ông B.

Trong trường hợp này, hành vi của Nguyễn Văn A đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 BLHS; nếu áp dụng theo hướng dẫn của VKSND tối cao thì Nguyễn Văn A không được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại” theo điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 vì tài sản trộm cắp là chiếc xe mô tô đã dịch chuyển ra khỏi nơi quản lý của chủ sở hữu; tài sản chưa bị thiệt hại là do A bị phát hiện, đuổi bắt và thu lại được. Còn nếu áp dụng theo hướng dẫn của TAND tối cao thì trong trường hợp này Nguyễn Văn A vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại” vì A đã thực hiện hành vi trộm cắp nhưng hậu quả không xảy ra, việc A bị bắt và thu giữ chiếc xe mô tô nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội.
          Như vậy, có thể thấy cùng một tình tiết “chưa gây thiệt hại” nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng lại có sự hướng dẫn khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Vì vậy đề nghị Liên ngành Tư pháp Trung ương cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với một số tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự còn có nhiều cách hiểu khác nhau nói chung và đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” nói riêng để bảo đảm cho pháp luật được áp dụng nghiêm minh, thống nhất và công bằng.

Thu Hiền

(Theo Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Hà Nam)

 

 

Tìm kiếm