Những năm gần đây, pháp luật về tố tụng hành chính đã từng bước được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện với sự ra đời của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và gần đây nhất là Luật...
Những năm gần đây, pháp luật về tố tụng hành chính đã từng bước được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện với sự ra đời của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 và gần đây nhất là Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (thay thế Luật Tố tụng hành chính năm 2010) được xây dựng theo hướng mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khởi kiện và tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa người dân với cơ quan công quyền trước Tòa án.
Các khiếu kiện vụ án hành chính hiện nay chủ yếu là khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai. Người bị kiện chủ yếu là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Khi nhận được thông báo triệu tập của Tòa án, người bị kiện hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị kiện là Chủ tịch UBND thường ủy quyền cho cấp phó của mình tham gia tố tụng tại Tòa án. Tuy nhiên cấp phó được ủy quyền thường có văn bản xin vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án vì lý do bận công việc nên thường chỉ có người bảo vệ quyền và lợi ích của người bị kiện (là cán bộ thuộc Phòng, Sở Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp hoặc cán bộ quản lý ở một số sở, ban, ngành khác; luật sư…) tham gia phiên tòa.
Việc xin vắng mặt của người bị kiện tại Tòa án tuy không trái pháp luật nhưng gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án, ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, tranh luận để làm rõ các tình tiết của vụ án. Việc đánh giá chứng cứ tại phiên tòa bị ảnh hưởng rất nhiều khi vắng mặt người bị kiện, rất nhiều vụ án đã phải hoãn xét xử hoặc tạm ngừng phiên tòa để xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ. Do vậy, vụ án hành chính thường bị kéo dài, gây tâm lý bức xúc cho người khởi kiện vì không được đối thoại, tranh tụng để làm rõ những vấn đề mà trong quá trình khiếu nại đến các cấp hành chính có thẩm quyền, người khởi kiện chưa được giải thích rõ hoặc tuy đã được giải thích nhưng vẫn còn khúc mắc, chưa thông suốt...
Theo báo cáo của các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc về công tác kiểm sát giải quyết án hành chính (thời điểm từ 01/6/2015 đến 31/5/2018), có 24/28 tỉnh, thành phố báo cáo là hầu hết các vụ án hành chính người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa và có đơn xin xét xử vắng mặt. Chỉ có 04 /28 đơn vị báo cáo người bị kiện tham gia phiên tòa khá đầy đủ.
Đối với án hành chính xét xử phúc thẩm tại Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, trong 3 năm (từ 01/6/2015 đến 31/5/2018) đã xét xử phúc thẩm 408 vụ án, có 306 vụ người bị kiện có mặt tại phiên tòa (chiếm 75 %); 102 vụ người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa (chiếm 25 %).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa có phần do người bị kiện hoặc người đại diện theo ủy quyền của người bị kiện đa phần là lãnh đạo cơ quan hành chính nhà nước (Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND) nên bận nhiều công việc, song chủ yếu vẫn do chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc tham gia đối thoại với người khởi kiện trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định chế tài ràng buộc trách nhiệm tham gia đối thoại của người bị kiện, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (Điều 158) cho phép người bị kiện và người đại diện của họ vắng mặt tại phiên tòa và có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
Để khắc phục tình trạng người bị kiện vắng mặt tại phiên tòa, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả giải quyết án hành chính khu vực phía Bắc trong thời gian 03 năm (từ 01/6/2015 đến 31/5/2018), đã tổ chức “Hội nghị rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết án hành chính khu vực phía bắc”, mời đại diện Ủy ban nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện trong Khu vực và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham dự. Qua đó góp phần tuyên truyền, tăng cường trách nhiệm phối hợp của người bị kiện với các cơ quan tiến hành tố tụng trong qúa trình giải quyết án hành chính. Đồng thời, trên cơ sở kết quả tổng kết rút kinh nghiệm, từ cuối năm 2018, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã phối hợp với Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đưa các vụ án hành chính về xét xử phúc thẩm tại địa phương nơi xảy ra tranh chấp (thay vì triệu tập về Hà Nội để xét xử phúc thẩm như trước đây), để giảm bớt áp lực đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kiện là Chủ tịch UBND hoặc người đại diện là Phó Chủ tịch UBND tham gia phiên tòa.
Từ thực tiễn công tác kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính cho thấy, những vụ án nào người bị kiện trực tiếp tham gia phiên tòa thì chất lượng tranh tụng cao, bản chất vụ án nhanh chóng được làm sáng tỏ. Nhiều vụ án thông qua tranh tụng có sự tham gia đầy đủ của các bên đương sự đã làm thay đổi cục diện của việc tranh chấp, do các bên đã nhận thức rõ hơn về vấn đề đang tranh chấp dẫn đến việc người khởi kiện thay đổi yêu cầu khởi kiện hoặc tự nguyện rút đơn khởi kiện; có trường hợp người bị kiện sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính do nhận thấy có vi phạm.
Như vậy, để án kiện hành chính được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật thì sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của người bị kiện trong quá trình giải quyết vụ án hành chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Các cơ quan hành chính nhà nước và các cá nhân có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước khi tham gia tố tụng với tư cách người bị kiện cần nhận thức việc tham gia tố tụng để giải quyết án kiện hành chính cũng chính là để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, bức xúc trong công tác quản lý hành chính của chính quyền địa phương, góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân, cơ quan, tổ chức và bảo đảm các điều kiện để ổn định và phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bên cạnh nhận thức và ý thức tự giác của người bị kiện, pháp Luật Tố tụng hành chính cũng cần quy định chế tài đủ mạnh để người bị kiện phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng cứ, tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa.
Th.S Vũ Quang Huy –Viện trưởng Viện 2, VKSND cấp cao tại Hà Nội
(Theo Trang thông tin điện tử VKSND cấp cao tại Hà Nội)