Để nâng cao chất lượng và hiệu quả, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra theo tinh thần cải cách tư pháp, trong những năm gần đây, lãnh đạo...
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra theo tinh thần cải cách tư pháp, trong những năm gần đây, lãnh đạo VKSND thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm và tăng cường các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, công tác đề ra yêu cầu điều tra luôn được triển khai thực hiện. Nhiều năm, VKSND thành phố Hà Nội xác định khâu công tác đột phá để toàn ngành thực hiện là: “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, trọng tâm là thực hiện việc yêu cầu xác minh, yêu cầu điều tra có chất lượng, hiệu quả trong công tác giải quyết án hình sự, đảm bảo các quyết định của Viện kiểm sát có căn cứ, đúng pháp luật”. Do đó, VKS hai cấp VKSND thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, ban hành yêu cầu điều tra. Về nội dung, hình thức, chất lượng Bản yêu cầu điều tra được nâng lên; góp phần tích cực giúp cho các hoạt động điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ đầy đủ, toàn diện, đúng hướng, đúng quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc Tòa án tuyên hủy án để điều tra lại.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn một số tồn tại, hạn chế như sau:
Một số trường hợp chậm đề ra yêu cầu điều tra; một số Bản yêu cầu điều tra còn chung chung, sơ sài, chưa rõ ràng, không đầy đủ, không kịp thời dẫn đến khởi tố vụ án, bị can không đúng, không đủ tội danh đối với các hành vi phạm tội, sau phải thay đổi, bổ sung Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can hoặc Bản yêu cầu điều tra; không chú ý thu thập chứng cứ giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là:
Nhiều vụ án hình sự có tính chất rất phức tạp, án truy xét; đặc biệt là những vụ án tham nhũng, chức vụ, án kinh tế lớn; án an ninh quốc gia đối với những tổ chức tội phạm có các đối tượng cầm đầu, chỉ đạo ở nước ngoài, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau; án ma túy có quy mô lớn, nhiều đối tượng phạm tội thuộc diện truy xét; án trật tự xã hội (giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm trẻ em, vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ…) có tính chất phức tạp, đông đối tượng, liên quan đến các kỹ thuật khoa học chuyên ngành… Những vụ án trên, việc nắm và hiểu thấu đáo vụ án để định hướng yêu cầu điều tra hoặc ban hành những yêu cầu có tính cụ thể, chi tiết để đảm bảo quá trình điều tra được toàn diện là rất khó khăn, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có năng lực, trình độ, trách nhiệm và số lượng Kiểm sát viên tham gia vụ án đủ để thực hiện nhiệm vụ.
Một số Kiểm sát viên nhận thức chưa đúng đắn về trách nhiệm, quyền hạn của mình về việc đề ra yêu cầu điều tra trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự; ý thức trách nhiệm đối với công việc chưa cao, chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu do Cơ quan điều tra cung cấp để đề ra yêu cầu điều tra, chưa bám sát tiến độ điều tra để chủ động phối hợp, đôn đốc Điều tra viên thực hiện; chưa thực hiện tốt chủ trương gắn công tố với hoạt động điều tra, phối hợp với Điều tra viên để giải quyết án, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra.
Một số Kiểm sát viên chưa nắm chắc cấu thành, các dấu hiệu đặc trưng của tội phạm, các vấn đề cần chứng minh trong vụ án hình sự, các quy định tố tụng hình sự nên đề ra yêu cầu điều tra không đảm bảo chất lượng; không đúng hướng, toàn diện, triệt để; không sát với các tình tiết của vụ án hoặc không khả thi, bất hợp lý nên đã gây khó khăn cho hoạt động điều tra.
Ngoài ra, còn có một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là do nhận thức của Điều tra viên chưa đầy đủ về trách nhiệm thực hiện yêu cầu điều tra, khi được phân công điều tra vụ án hình sự đã thực hiện không đầy đủ, không nghiêm túc yêu cầu điều tra.
Những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo việc xây dựng, ban hành Bản yêu cầu điều tra và phối hợp thực hiện yêu cầu điều tra:
- Thứ nhất, Lãnh đạo đơn vị cần quán triệt nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến tích cực cho Kiểm sát viên về chủ trương thực hành quyền công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, để Kiểm sát viên hiểu rõ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ban hành yêu cầu điều tra; xác định việc ban hành yêu cầu điều tra là nhiệm vụ bắt buộc trong quá trình kiểm sát điều tra các vụ án hình sự bắt đầu từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm.
- Thứ hai, Lãnh đạo đơn vị bố trí, phân công cán bộ, Kiểm sát viên giải quyết án phù hợp với năng lực, sở trường, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ, Kiểm sát viên. Đối với những vụ án quy mô lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, cần bố trí đủ lực lượng Kiểm sát viên, cán bộ có năng lực, kinh nghiệm giải quyết để phát huy thế mạnh trong việc đề ra yêu cầu điều tra hoặc đối với một số loại tội phạm cần chú ý yêu cầu điều tra thu thập tài liệu, chứng cứ để có đủ căn cứ phân biệt với các tội phạm khác, ví dụ: Tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội Lạm dụng chiếm đoạt tài sản, tội Cướp với tội Cưỡng đoạt tài sản, tội Giết người với tội Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người… để bảo đảm yêu cầu điều tra có chất lượng, góp phần giải quyết vụ án nhanh chóng, chính xác, đúng quy định của pháp luật.
- Thứ ba, đối với những vụ án phức tạp, Lãnh đạo đơn vị phải trực tiếp kiểm tra tài liệu chứng cứ khi cần thiết, phê duyệt Bản yêu cầu điều tra trước khi Kiểm sát viên ban hành; có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, kịp thời đối với Kiểm sát viên, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án cùng Kiểm sát viên. Những vụ án đặc biệt phức tạp, khó khăn trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ, quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tố tụng, lãnh đạo cần phát huy trí tuệ tập thể để cùng bàn bạc, tháo gỡ.
- Thứ tư, Lãnh đạo đơn vị cần thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với Kiểm sát viên trong quá trình đề ra yêu cầu điều tra để xem xét kịp thời điều chỉnh để đề ra yêu cầu điều tra bổ sung cho phù hợp với quá trình điều tra. Có quy định cụ thể về trách nhiệm của Kiểm sát viên không giám sát việc thực hiện yêu cầu điều tra của Điều tra viên, dẫn đến vụ án bị kéo dài hoặc phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, án bị huỷ vì thiếu chứng cứ hoặc có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; thường xuyên tiến hành rút kinh nghiệm trong đơn vị và phải đánh giá vào điểm thi đua của đơn vị, cá nhân Kiểm sát viên và lãnh đạo phụ trách trong công tác thi đua cuối năm, đánh giá cán bộ và việc bổ nhiệm lại.
- Thứ năm, Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ, Lãnh đạo các VKS cần chỉ đạo các đơn vị chú trọng tổng hợp, lựa chọn những Bản yêu cầu điều tra có chất lượng cao để phổ biến, nhân rộng điển hình cho các Kiểm sát viên khác nghiên cứu, học hỏi, nêu gương để khuyến khích, động viên; tổng hợp những Bản yêu cầu điều tra chất lượng thấp, gây ra những hệ lụy xấu cho việc giải quyết vụ án để ban hành thông báo rút kinh nghiệm kịp thời, khắc phục hạn chế, thiếu sót; kiểm điểm trách nhiệm đối với Kiểm sát viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường tự xây dựng các chuyên đề, tổ chức hội nghị, hội thảo tập huấn chuyên sâu về kiến thức, kỹ năng ban hành Bản yêu cầu điều tra cho Kiểm sát viên để nâng cao năng lực, trình độ cho Kiểm sát viên.
- Thứ sáu, Làm tốt công tác phối hợp giữa Kiểm sát viên với Điều tra viên trong việc thực hiện Bản yêu cầu điều tra là khâu then chốt có tính quyết định nhằm làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Sau khi đã đề ra yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên phải bám sát tiến độ điều tra, kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, các biện pháp điều tra của Điều tra viên, bảo đảm cho các yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên được thực hiện đầy đủ. Kiểm sát viên phải nghiên cứu kỹ những tài liệu, chứng cứ do Điều tra viên mới thu thập, chuyển đến để phát hiện những mâu thuẫn trong các lời khai, bản cung, những nội dung (yếu tố cấu thành tội phạm) chưa được làm rõ hoặc còn thiếu chưa được thu thập, để từ đó để trao đổi trực tiếp với Điều tra viên hoặc bổ sung yêu cầu điều tra để Điều tra viên thực hiện. Trong trường hợp cần thiết, Kiểm sát viên phải trực tiếp hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng hoặc trực tiếp xác minh. Trước khi kết thúc điều tra (Điều 31 Thông tư số 04) Kiểm sát viên và Điều tra viên phải phối hợp để đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp, có nhiều bị can tham gia, có bị can không nhận tội thì Kiểm sát viên và Điều tra viên cần phải đánh giá, phân hóa từng vấn đề cần chứng minh, nếu chưa thống nhất quan điểm nhận thức thì báo cáo lãnh đạo đề xuất họp hai ngành cho ý kiến xử lý đối với vụ án. Trường hợp không thống nhất được quan điểm xử lý thì đại diện một trong hai ngành báo cáo thỉnh thị xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, để đảm bảo việc xử lý vụ án, xử lý bị can đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục và công tác phòng ngừa tội phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công việc trong công cuộc cải cách tư pháp.
Nghiên cứu, xây dựng Quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc giải quyết các vụ án hình sự, trong đó, cần nhấn mạnh tới nghĩa vụ, trách nhiệm của Cơ quan điều tra, của Điều tra viên trong việc cung cấp tài liệu, hồ sơ vụ án đầy đủ, kịp thời cho Viện kiểm sát, trong việc thực hiện các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát... Đồng thời, cần đặt trách nhiệm cho cán bộ, Kiểm sát viên phải đề ra được yêu cầu điều tra sau khi đã được Cơ quan điều tra, Điều tra viên cung cấp tài liệu, hồ sơ vụ án.
Trên đây là một số ý kiến về hạn chế, khó khăn, vướng mắc và những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý, chỉ đạo việc xây dựng, ban hành Bản yêu cầu điều tra và phối hợp thực hiện yêu cầu điều tra, mong nhận được sự trao đổi, bổ sung của các đồng nghiệp.
Lê Thị Bảo Yên- Phó trưởng phòng 2, VKSND TP Hà Nội
(Theo Trang tin điện tử VKSND TP Hà Nội)