Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm vụ án Nguyễn Đình Tr phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh...
Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử giám đốc thẩm vụ án Nguyễn Đình Tr phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh thông báo đến VKS địa phương tham khảo, rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết vụ án hình sự.
Nội dung vụ án và quá trình tố tụng
Vào khoảng tháng 10/2014, mặc dù không phải là Công an và không có khả năng xin việc cho người khác vào ngành Công an nhưng biết chị Trần Thị P muốn xin việc cho em trai nên Nguyễn Đình Tr đã gian dối giới thiệu mình là Công an, có nhiều mối quan hệ trong ngành, có khả năng xin việc, làm cho chị P tin đó là thật. Chị P đưa tiền cho bị cáo Tr rồi bị cáo chiếm đoạt của chị P 160 000 000 đồng để tiêu xài cá nhân.
Về trách nhiệm dân sự: Gia đình bị cáo Tr đồng ý bồi thường số tiền 160 000 000 đồng cho chị P bằng việc chuyển nhượng lô đất tại thôn 11, xã Nhân Cơ, huyện Đ, tỉnh Đ.
- Bản án hình sự sơ thẩm số 97/2016/HSST ngày 14/12/2016 của TAND huyện Đ, tỉnh Đ đã áp dụng điểm a khoản 2 Điều 139; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 xử phạt bị cáo Nguyễn Đình Tr 01 năm 06 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
- Bản án hình sự phúc thẩm số 58/2017/HSPT ngày 25/7/2017 của TAND tỉnh Đ căn cứ vào 02 lý do: Bị cáo bị suy tim độ IV và nhân thân tốt, chưa tiền án, tiền sự, từ đó, áp dụng điểm e khoản 2 Điều 139; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60; điểm x khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 xử phạt Nguyễn Đình Tr 01 năm 06 tháng tù, cho hưởng án treo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Trên cơ sở báo cáo của VKSND tỉnh Đ, ngày 08/6/2018, Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh ban hành kháng nghị giám đốc thẩm số 101/QĐ-VC3-V1 đối với Bản án hình sự phúc thẩm số 58/2017/HSPT ngày 25/7/2017 của TAND tỉnh Đ theo hướng hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại phần về hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đình Tr.
- Ngày 09/11/2018, TAND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh, tuyên hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 58/2017/HSPT ngày 25/7/2017 của TAND tỉnh Đ về phần cho hưởng án treo của bị cáo Nguyễn Đình Tr để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định pháp luật.
Vi phạm cần rút kinh nghiệm
Thông qua kết quả giám đốc thẩm nêu trên, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh thông báo rút kinh nghiệm những nội dung sau:
- Về việc thu thập, kiểm tra và đánh giá chứng cứ mới phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm
Trước khi xét xử phúc thẩm, bị cáo Tr cung cấp cho Tòa án 01 tờ bệnh án cấp cứu (không có con dấu của Bệnh viện 115 - thành phố Hồ Chí Minh) ghi ngày 23/3/2017 do bác sỹ Mộc Thiên T khám, chấn đoán bệnh nhân Nguyễn Đình Tr bị “Suy tim độ IV”. Trên cơ sở tài liệu này, TAND tỉnh Đ có văn bản hỏi Trung tâm giám định y khoa thuộc Sở y tế tỉnh Đ đề nghị cho biết “Suy tim độ IV” có nguy hiểm đến tính mạng hay không? Trung tâm giám định y khoa có văn bản trả lời Tòa án, trong đó kết luận: Suy tim độ IV là bệnh nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử chỉ xét hỏi đơn giản về tình trạng sức khỏe của bị cáo mà không xét hỏi về nguồn gốc, giá trị pháp lý của tờ bệnh án cấp cứu này.
Qua nghiên cứu để kháng nghị giám đốc thẩm, VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh tiến hành xác minh làm rõ nguồn gốc tờ bệnh án cấp cứu cũng như cơ sở y khoa về nội dụng chẩn đoán thì được lãnh đạo Bệnh viện 115 có văn bản cho biết “với tài liệu trong hồ sơ bệnh án cấp cứu dùng để chẩn đoán bệnh nhân Tr bị suy tim độ IV là “chưa phù hợp”. Hơn nữa, việc chẩn đoán này là của cá nhân bác sỹ điều trị chứ không phải kết luận trong hồ sơ bệnh án của Bệnh viên 115 và cũng không là kết luận giám định của Hội đồng y khoa.
Căn cứ Điều 86 BLTTHS năm 2015 về chứng cứ quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án”.
Như vậy, đối chiếu với các quy định của pháp luật, lẽ ra trong trường hợp phát sinh tài liệu mới do đương sự cung cấp thì Tòa án cấp phúc thẩm phải đánh giá tính hợp pháp của tờ bệnh án cấp cứu, đồng thời phải thông qua trình tự, thủ tục tố tụng để trưng cầu giám định, có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về tình trạng sức khỏe bị cáo mới có cơ sở để xem xét thực tế bị cáo có bị suy tim thật hay không? Thế nhưng, Tòa cấp phúc thẩm chỉ yêu cầu cơ quan pháp y giải thích từ ngữ “suy tim độ IV” là gì? Để rồi nhận định bị cáo Tr bị bệnh nặng, từ đó, áp dụng điểm b khoản 2 Điều 29 BLHS năm 2015 quy định căn cứ miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội khi “người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng nguy hiểm cho xã hội nữa” là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
- Về sai lầm trong việc đánh giá nhân thân bị cáo để cho bị cáo hưởng án treo trái pháp luật
Ngày 25/3/2010 và ngày 24/8/2014, Nguyễn Đình Tr bị Công an, VKSND huyện khởi tố, truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 2 Điều 139 BLHS. Trong thời gian đang bị khởi tố, điều tra, chưa có quyết định đình chỉ vụ án đối với hành vi phạm tội trên thì vào tháng 10/2014, bị cáo Tr lại thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 160 000 000 đồng của chị P như nêu trên. Đến ngày 05/7/2016, VKSND huyện mới đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can, miễn trách nhiệm hình sự đối với Tr về hành vi phạm tội trước đó do bị can bồi thường thiệt hại cho bị hại.
Như vậy, trước đó, bị cáo Tr đã vi phạm pháp luật nay lại tiếp tục phạm tội nhưng Tòa án cấp phúc thẩm “xác định bị cáo chưa có tiền án, tiền sự” nên cho bị cáo hưởng án treo là vi phạm quy định điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2013 ngày 06/11/2013 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng án treo.
Ngoài ra, có được kết quả trên là do quan hệ phối hợp giữa VKS các cấp được đề cao, VKSND tỉnh Đ đã báo cáo đầy đủ, kịp thời và có chất lượng với VKSND cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh về những vi phạm của Tòa án cấp phúc thẩm để xem xét, nghiên cứu ban hành kháng nghị giám đốc thẩm có căn cứ pháp luật nhằm bảo vệ quan điểm của VKS, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Thanh Hằng
(Tổng hợp)