Trong đời sống xã hội, có một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức...
Trong đời sống xã hội, có một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, tổ chức hoạt động tín dụng để vay tiền với lãi suất rất cao. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận không nhỏ do tham gia các hoạt động tệ nạn cờ bạc, cá độ, ma túy… hoặc các nhu cầu bất hợp pháp khác cũng tìm đến con đường vay tiền lãi cao. Biết được nhu cầu của người vay, nên nhiều người dân đã sử dụng lượng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho người khác vay với lãi suất rất cao hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi, họ xảy ra ở nhiều địa bàn dân cư.
Đây là nguyên nhân chính của “tín dụng đen”. Lợi dụng nhu cầu này của người dân, các đối tượng sử dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ, tạo vỏ bọc, đối phó với các cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính, góp vốn, góp tài sản kinh doanh với lãi suất rất cao (từ 100% đến 300%) thậm chí lên tới 700%/năm đối với khoản tiền ở thời điểm vay để kiếm lời.
Cho vay với lãi suất cao, người vay không có khả năng trả, chủ nợ thường dùng các biện pháp bất hợp pháp để đòi nợ hoặc thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí hoặc hung khí nguy hiểm để đòi nợ. Từ đó làm phát sinh các tội phạm như: Giết người, cố ý gây thương tích, bắt, giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, hủy hoại tài sản… ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an xã hội, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Để góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các tội phạm phát sinh từ việc cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (tín dụng đen) cần thực hiện các giải pháp sau:
Các giải pháp về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật
- Cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân về cho vay trong các giao dịch dân sự, bao gồm: Tuyên truyền các quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng vay tài sản, lãi suất trong các giao dịch dân sự, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, Nghị định số 19 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường và các văn bản hướng dẫn có liên quan; tuyên truyền sâu rộng các văn bản về cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, các gói khoản vay ưu đãi đến mọi tầng lớp nhân dân.
- Tăng cường tuyên truyền, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về những phương thức, thủ đoạn của cá nhân, tổ chức cho vay lãi nặng; lừa đảo thông qua hoạt động huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường; các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của tín dụng đen và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ, biêu, phường đến quần chúng nhân dân để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, tín dụng đen, lợi dụng dịch vụ kinh doanh cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.
- Các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nghiêm túc chấp hành pháp luật về giao dịch dân sự, vay mượn, huy động vốn, sử dụng vốn an toàn. Nghiêm cấm tham gia góp vốn, huy động vốn môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động tín dụng đen, cho vay lãi nặng.
Các giải pháp quản lý Nhà nước về dịch vụ cho vay cầm đồ, hỗ trợ tài chính
- Cơ quan chức năng cần siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận dịch vụ kinh doanh cầm đồ; siết chặt, tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở, cá nhân kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ; kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các cơ sở, cá nhân có vi phạm.
- Tăng cường công tác kiểm tra các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động với lãi suất cao bất thường; các đối tượng tham gia hụi, họ, biêu, phường có dấu hiệu lừa đảo.
- Rà soát các ngành nghề kinh doanh thường bị các đối tượng hoạt động tín dụng đen lợi dụng, núp bóng hoạt động, dễ phát sinh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, đánh giá tác động ảnh hưởng đến tình hình an ninh để tăng cường kiểm tra, rà soát.
- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng, đảm bảo hoạt động an toàn hiệu quả. Kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm, chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra đối với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý.
Các giải pháp đấu tranh, trấn áp tội phạm “tín dụng đen”
- Tăng cường trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và trên không gian mạng, chú trọng đấu tranh làm rõ nguyên nhân của tội phạm, trên cơ sở đó, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” để xử lý nghiêm khắc, đúng theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và làm rõ các đường dây, tụ điểm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, biêu, phường, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, sử dụng vũ khí quân dụng, núp bóng dưới các tổ chức, doanh nghiệp để hoạt động đòi nợ thuê.
- Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần tăng cường các biện pháp phối hợp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Thông tư liên tịch số 01/2017 ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các văn bản hướng dẫn liên quan về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đòi nợ thuê, huy động vốn với lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản… và các vụ việc khác có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật khác liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
- Thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân cần kiểm sát chặt chẽ hoạt động của Cơ quan điều tra, chú trọng làm rõ nguyên nhân của các loại tội phạm hình sự để phát hiện kịp thời hành vi cho vay lãi nặng, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, đòi nợ thuê. Trên cơ sở đó đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ đối tượng, phương pháp, thủ đoạn hoạt động của tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc đúng theo quy định của pháp luật.
- Tòa án nhân dân phối hợp với các cơ quan có liên quan xét xử công khai và có hình phạt nghiêm khắc đối với các bị cáo phạm tội liên quan tới tín dụng đen hoặc các vụ án hình sự mà nguyên nhân trực tiếp liên quan tới tín dụng đen. Xác định vụ án trọng điểm liên quan đến tín dụng đen gây bức xúc trong dư luận, các vụ án có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, côn đồ, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng, tài sản nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.
Các giải pháp hoàn thiện pháp luật
- Thứ nhất, cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng, trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong hoạt động tín dụng, hoạt động cho vay, mượn trong giao dịch dân sự. Rà soát các quy định về cấp phép, quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính để sửa đổi nhằm tăng cường sự quản lý Nhà nước và phù hợp với thực tế.
- Thứ hai, rà soát, sửa đổi Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, theo đó cần quy định cụ thể các hành vi cho vay với lãi suất vượt quá quy định của Bộ luật Dân sự nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, bao gồm cả các hành vi cho vay thế chấp tài sản và cho vay không thế chấp tài sản, các hành vi đòi nợ gây mất trật tự công cộng với chế tài nghiêm khắc đủ để răn đe, phòng ngừa và là căn cứ để xử lý hình sự nếu đối tượng còn vi phạm.
- Thứ ba, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201), tuy nhiên việc áp dụng trong thực tiễn còn nhiều vướng mắc, bất cập, vì vậy đề nghị liên ngành tư pháp Trung ương cần kịp thời ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn áp dụng Điều 201 Bộ luật Hình sự theo hướng: Cần quy định rõ người cho vay với lãi suất từ 100%/năm trở lên và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng cho tất cả các lần cho vay phải bị xử lý hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; thời điểm tính thu lợi bất chính tính từ ngày các bên thỏa thuận đến ngày bị phát hiện bắt giữ; toàn bộ số tiền dùng để cho vay, thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay lãi trái pháp luật đều bị tịch thu sung công.
- Thứ tư, Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có quy định hình phạt tại khoản 1 là: “phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 03 năm”. Khoản 2 có khung hình phạt: “phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Như vậy hình phạt đối với tội phạm về “tín dụng đen” là quá nhẹ, không tương xứng với hậu quả của tội phạm, không đủ để răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Vì vậy đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi bổ sung Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 theo hướng tăng mức hình phạt tiền, tăng mức hình phạt tù quy định tại khoản 1 và khoản 2.
Hoàng Quốc Thái, VKSND huyện Thủy Nguyên
(Theo Trang thông tin điện tử VKSND thành phố Hải Phòng)