Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong phát hiện các vi phạm, Phòng 8 VKSND...
Để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, tăng cường trách nhiệm của Viện kiểm sát trong phát hiện các vi phạm, Phòng 8 VKSND tỉnh Nghệ An trao đổi một số kỹ năng trực tiếp kiểm sát theo nội dung trong công tác tạm giữ, tạm giam.
1. Kiểm sát về thủ tục, hồ sơ
- Vi phạm của các cơ quan tiến hành tố tụng:
Trong công tác tạm giữ, tạm giam, vi phạm chủ yếu là: Hồ sơ thiếu biên bản bắt hoặc báo cáo bắt giữ; tính thời hạn tạm giữ, tạm giam và ghi thời hạn tạm giữ, tạm giam không đúng quy định pháp luật; chậm gửi quyết định tạm giữ, tạm giam đến cơ sở giam giữ, quá thời hạn tạm giam.
- Vi phạm của cơ sở giam giữ:
Những vi phạm của cơ sở giam giữ mang tính phổ biến là: Không lập biên bản giao nhận và xác định tình trạng sức khỏe khi tiếp nhận người bị tạm giữ, tạm giam như chưa xem xét dấu vết trên thân thể, phiếu khám sức khỏe của người bị tạm giữ, tạm giam; chưa lập danh bản, chỉ bản của người bị tạm giam; hồ sơ thiếu lý lịch bị can, quyết định tạm giữ người phạm tội tự thú, đầu thú; đối với người bị tạm giữ trong trường hợp khẩn cấp cần nghiên cứu biên bản bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (Điều 115 BLTTHS) để phát hiện về thời hạn tạm giữ (khoản 1 Điều 118 BLTTHS) và các vi phạm về quyền của người bị tạm giữ...
Đối với hồ sơ tạm giam: Lệnh tạm giam đang còn hiệu lực pháp luật đảm bảo tính có căn cứ và hợp pháp do người có thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 113 BLTTHS ra lệnh, quyết định. Đối với bị can tạm giam là những đối tượng được quy định tại khoản 1, 2 Điều 119 BLTTHS, chú ý những trường hợp dưới 18 tuổi (Điều 419 BLTTHS) và những trường hợp là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người già yếu, người bị bệnh nặng (khoản 4 Điều 119 BLTTHS) để kịp thời phát hiện vi phạm trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Thời hạn tạm giam: Kiểm sát tạm giam ở từng giai đoạn tố tụng đối với từng loại tội: Thời hạn tạm giam để điều tra (Điều 173 BLTTHS), thời hạn tạm giam phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại (Điều 174 BLTTHS), thời hạn tạm giam để truy tố (Điều 240 BLTTHS), thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử sơ thẩm (Điều 278 BLTTHS), thời hạn tạm giam bị cáo sau khi tuyên án quy định là 45 ngày kể từ ngày tuyên án (Điều 329 BLTTHS), thời hạn tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn (Điều 459 BLTTHS). Lưu ý cách tính và ghi thời hạn tạm giam đối với các trường hợp trước đó đã bị tạm giữ (thời hạn tạm giữ được trừ vào thời hạn tạm giam khoản 4 Điều 118 BLTTHS); đối với những trường hợp chuyển từ nhà tạm giữ, trại tạm giam khác, chú ý kiểm tra lệnh trích xuất và lệnh tạm giam đang còn hiệu lực. Trường hợp thực hiện điều chuyển, thì ngoài tài liệu theo quy định chung, phải có hồ sơ về sức khỏe, nhận xét của Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam nơi người tạm giam chuyển đến.
Chú ý kiểm tra thủ tục chuyển giao trực tiếp văn bản tố tụng theo khoản 4 Điều 138 BLTTHS (thời điểm tính thời hạn tố tụng là thời điểm hai bên ký nhận vào biên bản hoặc sổ giao nhận).
2. Kiểm sát về chế độ quản lý người bị tạm giữ, tạm giam
Những vi phạm mang tính phổ biến là:
Việc phân loại giam giữ: Giam giữ chung buồng người cùng vụ án, người dưới 18 tuổi với người trên 18 tuổi; phạm nhân với người tạm giữ, tạm giam; người Việt Nam với người nước ngoài; người thực hiện hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, giết người, cướp tài sản thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm với người thực hiện hành vi phạm tội ít nghiêm trọng...
Công tác quản lý giam giữ: Người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm nội quy cơ sở giam giữ, mang vật cấm vào buồng giam, trốn, tự sát, phạm tội mới, vi phạm trong quá trình quản lý người bị tạm giữ, người bị tạm giam trích xuất phục vụ cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử hoặc đi khám bệnh, chữa bệnh, tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam gặp thân nhân, nhận quà, sử dụng tiền lưu ký không đúng quy định...
* Một số kỹ năng phát hiện vi phạm:
- Đối với việc phân loại tổ chức giam giữ:
Để phát hiện vi phạm trong phân loại tổ chức giam giữ, cần kiểm tra sổ phân loại giam giữ danh sách đối tượng đang bị tạm giữ, tạm giam ở từng buồng giam giữ. Trên cơ sở nghiên cứu việc phân loại giam giữ, Kiểm sát viên có thể đánh giá được việc phân loại giam giữ để tiến hành kiểm sát các buồng giam giữ (nếu xét thấy cần thiết). Ngoài việc kiểm tra chung thì một số buồng giam bắt buộc phải kiểm tra là: Buồng giam người kỷ luật, buồng giam giữ người dưới 18 tuổi, buồng giam giữ đối tượng là phụ nữ, buồng tạm giam người đang chờ chấp hành án phạt tù... Khi trực tiếp kiểm sát tại buồng giam giữ, Kiểm sát viên trực tiếp điểm danh, kiểm diện đối với buồng giam giữ (yêu cầu có cán bộ có trách nhiệm cùng đi), gặp hỏi đối tượng (có ghi chép nội dung gặp hỏi) theo nội dung cơ bản sau: Họ và tên, năm sinh, nơi ở trước khi bị bắt, lý do bắt, thời gian đã bị giam giữ, cơ quan áp dụng biện pháp ngăn chặn; tiền án, tiền sự...
Lưu ý: Khi tiến hành kiểm sát việc phân loại giam giữ, Kiểm sát viên cần nắm vững những trường hợp nào phải giam giữ riêng; những trường hợp nào được coi là đặc biệt, Thủ trưởng cơ sở giam giữ phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những trường hợp giam giữ chung và những trường hợp nào có thể được bố trí giam giữ ở buồng riêng.
Kiểm sát viên liên hệ, so sánh giữa kết quả nghiên cứu hồ sơ và thực tế kiểm tra, gặp hỏi đối tượng quản lý, trên cơ sở đó tìm ra những mâu thuẫn, vi phạm của cơ quan quản lý giam giữ và các cơ quan tiến hành tố tụng.
Cơ sở giam giữ phải được canh gác, bảo vệ, quản lý, kiểm tra, giám sát 24/24h trong ngày: Đây là điểm vi phạm nhiều nhất hiện nay tại các cơ sở giam giữ, nhất là vào ban đêm, đã xảy ra nhiều vi phạm, dẫn đến hậu quả tự sát trong buồng giam giữ trong đêm, đánh nhau, nhưng không phát hiện ngăn chặn triệt để, thậm chí có đơn vị trong các năm 2018, 2019 đều xảy ra việc tự sát. Cần có phương pháp kiểm sát ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ lễ, phải lập biên bản, đánh giá ca trực đã đảm bảo thường xuyên canh gác đúng yêu cầu chưa? Có biện pháp để ngăn ngừa việc người bị giam giữ tự xâm hại hoặc bị xâm hại sức khỏe, tính mạng hay chưa?
Tiến hành nghiên cứu các loại sổ sách liên quan đến công tác quản lý giam giữ như: Sổ thụ lý người bị tạm giữ, tạm giam; sổ trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam; sổ thăm găp, nhận quà; sổ theo dõi vi phạm kỷ luật; sổ theo dõi người bị tạm giữ, tạm giam chết, phạm tội mới, các loại sổ của cán bộ quản lý nhà tạm giữ, buồng tạm giam của Công an cấp huyện.
Những kỹ năng, kinh nghiệm để đánh giá công tác quản lý việc giam giữ là nghiên cứu sổ sách theo dõi kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm nội quy nhà tạm giữ, buồng tạm giam. Cần phân loại các dạng vi phạm như: Đánh nhau, tàng trữ, cất dấu vật cấm, tàng trữ sử dụng điện thoại di động, chống đối cán bộ ... Qua đó, nhằm đánh giá các dạng vi phạm nổi lên, nguyên nhân, điều kiện dẫn đến các dạng vi phạm để kháng nghị, kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa.
Đối với những vụ trốn, chết, phạm tội mới, phạm tội xảy ra tại nơi giam giữ thì cơ sở giam giữ phải thông báo ngay đến VKSND cùng cấp để nắm, phối hợp giải quyết. Đây là những việc làm vi phạm pháp luật nghiêm trọng, do vậy cần nghiên cứu kỹ hồ sơ để xác định nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm và tội phạm, hậu quả của vi phạm, trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với vi phạm và việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, cần áp dụng ngay biện pháp kiểm sát đột xuất để đánh giá.
3. Kiểm sát thực hiện chế độ đối với người tạm giữ, tạm giam
Một số vi phạm thường xảy ra trong việc thực hiện chế độ đối với người bị tạm giữ, tạm giam là chỗ nằm không đảm bảo diện tích 2m2/ người. Đối với phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi ở cùng thì chỗ nằm tối thiếu là 3m2; thực hiện chưa đầy đủ chế độ ăn thêm ngày lễ, tết; chế độ ăn hàng ngày định lượng, khẩu phần ăn gạo, thịt, cá rau xanh chưa bảo đảm; cấp phát tiêu chuẩn xà phòng, kem đánh răng, đồ dùng cần thiết cho vệ sinh phụ nữ, tổ chức khám, chăm sóc sức khỏe cho người bị tạm giữ, tạm giam.
Cần nghiên cứu hệ thống sổ sách: Sổ theo dõi về việc cấp phát tiêu chuẩn chế độ ăn; sổ theo dõi khám chữa bệnh, cấp thuốc (do bộ phận hậu cần quản lý) kèm theo chứng từ mua hàng hóa của cơ quan quản lý giam giữ (hoặc chứng từ cấp phát của cơ quan cấp trên). Việc cấp phát cho người tạm giữ, tạm giam được lập danh sách cho từng đối tượng có chữ ký xác nhận.
Kiểm sát thực tế danh sách các đối tượng đang bị tạm giữ, tạm giam ở cùng buồng giam giữ và việc kiểm danh, kiểm diện tại các buồng giam. Kiểm sát viên phát hiện vi phạm về chỗ nằm đối với người bị tạm giữ, tạm giam, đặc biệt lưu ý người bị tạm giữ, tạm giam là phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
Khi tiến hành kiểm sát bếp ăn xem sổ công khai tài chính về tiêu chuẩn, chế độ ăn hàng ngày; sổ xuất, nhập kho, hóa đơn, chứng từ, hợp đồng mua bán..., cần lưu ý việc xuất, nhập kho phải có chữ ký của cán bộ quản phụ trách bếp, tổ nấu ăn hoặc người nấu ăn hàng ngày và người chứng kiến (là thành viên tổ tự quản nếu có), nhưng cần chú ý xem xét thực tế suất ăn, nhiều lần trong tuần, mới có căn cứ để kết luận.
Kiểm sát thực tế cơ sở khám và chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam. Lưu ý việc thông báo cho thân nhân hoặc đại diện hợp pháp của người đó biết để phối hợp chăm sóc, điều trị đối với trường hợp bị bệnh nặng hoặc thương tích được khám, điều trị tại cơ sở khám, chữa bệnh cấp huyện, cấp tỉnh. Kiểm sát việc tiếp nhận, quản lý các loại thuốc (bao gồm thuốc do y tế cấp và thuốc do gia đình người bị tạm giữ, tạm giam gửi) việc khám và điều trị theo phác đồ đối với các trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam. Kiểm sát thực tế các buồng giam để phát hiện các loại thuốc tân dược mà người bị tạm giữ, tạm giam đang quản lý, sử dụng không đúng quy định.
Kiểm sát nơi bán hàng căng tin: Theo quy định, cơ sở giam giữ được tổ chức hoạt động căng tin để phục vụ bán đồ ăn uống, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu cho người bị tạm giữ, tạm giam và thân nhân của họ khi đến thăm gặp. Để phát hiện vi phạm nội dung này, cần kiểm tra danh mục hàng hóa bán và giá bán đã được phê duyệt của cơ sở giam giữ đảm bảo giá bán tương đương với giá bán lẻ trên thị trường tại địa phương và được niêm yết công khai, không vì mục đích lợi nhuận, hạn mức tiền ăn được mua theo tháng.
Gặp hỏi các đối tượng đang bị giam giữ về chế độ tiêu chuẩn ăn hàng ngày, các ngày lễ, tết; việc cấp xà phòng, bàn chải, kem đánh răng, đồ dùng cần thiết cho vệ sinh phụ nữ hàng tháng; hỏi về việc thăm gặp thân nhân, nhận quà, nhận và sử dụng tiền lưu ký... trường hợp cần thiết thì lập biên bản về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong tạm giữ, tạm giam.
4. Kiểm sát việc bảo đảm tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam và các quyền lợi khác không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng
Quyền con người nói chung, quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam nói riêng theo quy định của Hiến pháp nước năm 2013 đã được cụ thể hóa trong Luật tổ chức VKSND năm 2014, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Bầu của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015...
Một số vi phạm thường xảy ra lĩnh vực này là: Giam giữ không có căn cứ và trái pháp luật; một số trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam bị tra tấn, truy bức, dùng nhục hình, bị đối xử, trừng phạt tàn bạo, hạ nhục hoặc bị xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, tạm giam; cản trở người bị tạm giữ, tạm giam thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo.
Để phát hiện vi phạm, cần nghiên cứu sổ quản lý giam giữ, sổ kỷ luật, sổ theo dõi đơn thư, khiếu nại, tố cáo tại cơ sở giam giữ và chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, kiểm tra việc đảm bảo quyền của người bị tạm giữ, tạm giam.
Kiểm sát viên cần trực tiếp gặp hỏi người bị tạm giữ, tạm giam về lý do bị bắt giữ, có được giải thích quyền và nghĩa vụ đối với người bị tạm giữ, tạm giam không? Có ý kiến đề nghị gì với Viện kiểm sát với tư cách là cơ quan kiểm sát nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ theo quy định của pháp luật hay không? Trường hợp cần thiết thì lập biên bản, lấy lời khai của người bị tạm giữ, tạm giam về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong tạm giữ, tạm giam.
Trần Duy Việt, Phòng 8 – VKSND tỉnh Nghệ An